Thông tin về một loại chất cấm được nhiều hộ nuôi heo sử dụng và sự phát hiện hàng loạt công ty sử dụng chất tạo nạc cung ứng cho các hộ chăn nuôi đang khiến cho trên bàn ăn của nhiều gia đình vắng bóng thịt heo. Đây là vấn đề thời sự vẫn nóng hổi ngay trong bữa ăn của mọi nhà.
|
Ảnh minh họa. |
Lời cảnh báo của bác sĩ thú y
Bác sĩ thú y Vương Thiện Đức, một người chuyên hành nghề thú y ở Bình Dương cho biết, việc sử dụng chất cấm (được ông xác định là 2 loại hóa chất Clenbuterol và Salbutamol) đã bắt đầu từ năm 2002. Trong suốt 10 năm ấy, dù ông đã cảnh báo và tự thực hiện một video clip và tung lên You Tube, nhưng dường như chưa có ai để ý, kể cả các cơ quan chức năng.
Mãi đến gần đây mới rộ lên thông tin về việc sử dụng chất cấm, hoặc chất tạo nạc. Những hoài nghi về loại chất tạo nạc hiện đang khiến dư luận hoang mang và đang chờ cơ quan chức năng phân tích, giám định mẫu trước khi công bố cho các cơ quan truyền thông. Nhưng, với tư liệu trong tay, bác sĩ Đức khẳng định: “Clenbuterol và Salbutamol là loại hóa chất khi cho heo ăn với một lượng nhỏ, sẽ làm bung đùi heo, dù nấu thịt chín thuốc vẫn còn, trong điều kiện nước sôi 1000 C và đun nấu kéo dài, các loại hóa chất nói trên hầu như không biến đổi”.
Tác động của Clenbuterol và Salbutamol, theo bác sĩ Đức là vô cùng nặng nề đối với người sử dụng. Đó là gây ảnh hưởng lên hệ thần kinh, cơ, tim và đã từng có nhiều vụ ngộ độc các loại chất nói trên do dùng thịt heo có sử dụng thuốc, nhưng những ca ngộ độc ấy hầu như chưa được tìm ra nguyên nhân và cảnh báo.
Trong video clip của mình, bác sĩ Đức nhấn mạnh: “Tác hại của Clenbuterol và Salbutamol là rất nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng và không dừng lại ở thế hệ hiện tại”. Từ sự xác định như vậy, ông cảnh báo rằng “ Nhà chăn nuôi heo, nhà giết mổ heo, nhà chế biến mua bán thức ăn gia súc, nhà sản xuất mua bán thuốc thú y: Đừng tìm cách làm bạn với Clenbuterol và Salbutamol”.
Mang tâm trạng bức xúc như vậy, nên khi nổ ra vụ việc nhiều hộ chăn nuôi heo ở Đồng Nai sử dụng các hóa chất này, bác sĩ Đức đã thốt lên: “Nguyên nhân không chỉ vì lợi nhuận, chính tâm lý bệnh hoạn mà những đối tượng sử dụng, buôn bán đã bất chấp tất cả. Hơn nữa vấn nạn trên càng phát triển do các cơ quan chức năng không xem trọng để điều tra, phát hiện, xử lý trong gần 10 năm nay”. Xem lại video clip này, mới thấy sự cảnh báo của bác sĩ Đức là không thừa, bởi ông đã từng kêu gọi : “Các cơ quan chức năng hãy vào cuộc để chặn đứng Clenbuterol và Salbutamol”!
Một bác sĩ thú y khác nay đang hành nghề kinh doanh, ông Trần Hữu Đức, ở Đồng Nai thổ lộ: “Cách đây khoảng 2 năm tôi có thắc mắc với ông giám đốc một công ty sản xuất thức ăn rất lớn ở Bình Dương mà tôi đang làm đại lý, là tại sao cũng cùng tiêu chuẩn như nhau mà sản phẩm dùng cho vịt đẻ của công ty thì trứng nhỏ hơn các sản phẩm cùng loại của các công ty khác ở miền Bắc?. Còn các loại khác dùng cho lợn, gà thịt thì tỷ lệ nạc và màu sắc thịt cũng kém hơn.
Tôi nhận được trả lời là các công ty ở miền Bắc có thể do chung chi được với các cơ quan quản lý và họ cho "đồ chơi" vào (đồ chơi ở đây tôi hiểu là chất tăng trọng hay hooc môn). Còn ở miền Nam thì việc quản lý của cơ quan chức năng tốt hơn và không chung chi được. Phải chăng đây là ý kiến đúng vì tôi không thấy báo chí phản ánh là thức ăn tổng hợp cho lợn có hoóc môn mà toàn là do các chủ trại dùng thông qua lái lợn”…
Cuộc chiến chất siêu nạc
Một chuyên gia trong ngành chăn nuôi cho rằng, thực ra một số loại hợp chất dùng cho tăng trọng ở heo vốn đã xuất hiện và sử dụng từ lâu, tuy nhiên chất tăng trọng này trộn vào thức ăn gia súc trong vòng kiểm soát thì được. Nhưng chất siêu nạc mà các cơ quan chức năng đang vào cuộc kiểm tra ráo riết lại là một ẩn số khác, phải phân tích kỹ thành phần mới rõ được.
Thế nhưng, nhìn vào thực trạng sử dụng các chất không rõ nguồn gốc cho heo ăn để tạo nạc trước khi xuất chuồng mới thật sự kinh hoàng. Chỉ riêng trong các ngày 9, 10, 12.3, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương đã kiểm tra hàng loạt các công ty, cở sở chế biến thức ăn gia súc.
Tại nhiều công ty như Dinh Dưỡng Vàng, Thiên Hương Phát (huyện Trảng Bom), công ty Nhân Lộc (huyện Vĩnh Cửu) hoặc một số cơ sở chế biến thức ăn gia súc ở TP Biên Hòa, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và tịch thu hàng tấn chất tạo nạc thành phẩm dùng trong chăn nuôi. Những lô hàng này chưa kịp đưa ra thị trường, tuy nhiên nhiều công ty không lý giải được nguồn gốc hoặc hoàn toàn không có chứng từ bản gốc. Cá biệt có công ty còn sử dụng bao bì không có nhãn hiệu và có nhiều biểu hiện tránh né, không khai báo rõ ràng xuất xứ các lô hàng…
Điều đặc biệt khiến dư luận quan tâm là những cơ sở, công ty này đã làm ăn một thời gian dài và chính là nơi cung ứng chất tạo nạc cho rất nhiều trang trại chăn nuôi heo ở Đồng Nai-một vùng chuyên cung ứng sản phẩm thịt heo cho TP HCM và cả miền Đông Nam Bộ!
Dù vẫn chưa có kết luận cuối cùng thành phần sinh hóa của những lô hàng chất tạo nạc của các công ty vừa bị phát hiện nhưng khi so sánh tác dụng “bung đùi, nặng ký, rút ngắn thời gian nuôi, kích thích chuyển hóa protein một cách nhanh nhất, giảm mỡ lưng, tỷ lệ thịt thăn cao và nặng ký” (theo lời khai của ông Nguyễn Văn Liên, Giám đốc Công ty Thực phẩm Dinh Dưỡng Vàng) với tác dụng của các chất Clenbuterol và Salbutamol mà bác sĩ Vương Thiện Đức cảnh báo trong video clip của mình, thì người viết không khỏi hoài nghi rằng trong các lô hàng đó, thành phần có thể có sự hiện diện của Clenbuterol và Salbutamol.
Nếu hoài nghi này biến thành sự thật, có lẽ rất nhiều người sẽ “đoạn tuyệt” với thịt heo. Và chúng ta có thể hình dung trên bàn ăn của mỗi gia đình sẽ ra sao.
Người chăn nuôi điêu đứng
Ngày 13.3, ông Nguyễn Thanh Sơn, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) phát đi thông báo rằng, có thể cuối tháng 3 sẽ có kết quả kiểm tra và công bố tỉ lệ nhiễm chất cấm trên đàn heo hiện nay. Cũng theo Cục Chăn nuôi, giá thịt heo hiện đang giảm từ 10-15% so với thời điểm sau Tết nguyên đán.
Tác động của việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi heo đã khiến nhiều nông dân điêu đứng. Anh Nguyễn Văn Sáu , ngụ ở xã Xuân Thạnh, huyện Long Khánh, Đồng Nai kể: “ Tôi có nuôi bầy heo gần 20 con, định bán bớt một số để cho con đi thi đại học, nhưng bây giờ thương lái ép giá quá nên không biết làm sao. Nếu bán theo giá họ đưa ra thì giá bán mỗi con heo lỗ từ 500-600 ngàn đồng. Tính ra, bầy heo của tôi lỗ mất hơn 10 triệu đồng.Số tiền này không phải nhỏ đối với hộ nông dân như tôi”.
Cùng tâm trạng với anh Sáu, người viết nhận được nhiều thông tin từ các hộ nông dân khác ở các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ (Đồng Nai), Tân Uyên (Bình Dương), Tánh Linh (Bình Thuận)…Tất cả họ đều than thở rằng, đến thời điểm xuất chuồng, heo vẫn cứ bị ứ đọng, và khó khăn càng thêm chồng chất.
Trong khi đó, cô giáo Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hương Sen ở quận Gò Vấp, TP.HCM, cho biết: “Suốt 10 ngày nay, nhiều phụ huynh học sinh của trường đã trực tiếp đến gặp tôi đề nghị không nên cho nhà bếp mua thịt heo để cho các cháu ăn trong thời gian này. Họ tỏ ý rất lo ngại vì loại thịt heo siêu nạc đang được bán đầy dẫy ở ngoài chợ. Khi nghe trấn an rằng, bếp của trường chỉ mua thịt heo có chất lượng, được kiểm dịch ở các siêu thị, một số phụ huynh có phần yên tâm, nhưng nhiều người vẫn còn rất lo lắng”.
Từ bàn ăn của mỗi gia đình, đến bếp ăn ở các trường, các khu công nghiệp… hầu như đều rất e ngại khi dùng thịt heo. Điều này đã khiến cho người chăn nuôi chân chính gặp rất nhiều khó khăn. Đây là một thực tế rất cần các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, ráo riết xử lý các hộ chăn nuôi, các cơ sở bán chất cấm và phân định rõ đâu là thịt heo chất lượng, thịt heo có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Có làm quyết liệt như vậy, mới trả lại tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng, cứu ngành chăn nuôi heo và giải tỏa “nỗi oan” cho những hộ nông dân chăn nuôi chân chính.
An Phong