Thịt nhập khẩu bán rộng rãi…
Giá thịt lợn trong nước tại các chợ dân sinh vẫn neo ở mức cao từ mức 130.000-180.000 đồng/kg tùy loại. Giá thịt lợn hơi cũng đang có xu hướng tăng lên. Theo ông Đỗ Văn Khanh (Văn Giang, Hưng Yên), giá lợn hơi mấy ngày nay có giảm nhưng vẫn ở mức rất cao, khoảng 90.000 đồng/kg lợn hơi. Cách đây vài ngày, gia đình ông cũng đã bán được ít lợn hơi với giá 93.000 đồng/kg.
“Giai đoạn trước Tết do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung nguyên liệu thịt bị ảnh hưởng lớn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, chúng tôi là một trong những đơn vị tham gia làm bình ổn, có cam kết với UBND TP HCM để giữ giá trong chu kỳ bình ổn. Thời điểm từ 15/1/2020 đến nay, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, DN phải mua lợn hơi với mức giá dao động từ 90.000 - 95.000 đồng/kg nhưng VISSAN vẫn tính với mức giá bình ổn 83.000 đồng/kg Sở Công Thương duyệt từ tháng 11/2019…”.
(Ông Phan Văn Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản- VISSAN)
Theo đánh giá của một số người, với tình hình trên, nếu buộc doanh nghiệp (DN) lớn đưa giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg thì họ có thể giảm số lượng lợn bán ra. Chỉ cần các DN lớn giảm lượng bán ra thì lợn trong dân sẽ tăng giá cao. Vì vậy, rất khó để hạ giá lợn hơi ngay.
Trong tình hình giá lợn hơi không có dấu hiệu “hạ nhiệt”, giải pháp sử dụng thịt lợn NK đã được nhiều cơ quan chức năng tính đến. Hiện các siêu thị, cửa hàng nhỏ lẻ hoặc trên các trang mạng xã hội cũng đang có các chiến dịch bán thịt lợn NK.
Ví dụ, Bếp gấu Pooh đang chạy chương trình cho sườn cánh buồm Canada với giá 120.000 đồng/kg; Trang Thực phẩm sạch Hà Nội cũng đang bán thịt lợn ba chỉ NK có sụn với giá 130.000 đồng/kg; Fanpage của siêu thị Việt (Hồ Đắc Di, Đống Đa, Hà Nội) cũng đăng bán các loại sườn Canada và thịt ba chỉ của Nga (130.000 đồng và 113.000 đồng/kg).
Hệ thống siêu thị Big C cũng đã có những ghi nhận đầu tiên về kết quả bán thịt lợn sau gần 1 tuần triển khai chương trình “Tuần lễ thịt lợn NK” ở miền Bắc. Theo đại diện Big C, sức mua thịt NK khá lớn và phản ứng của người tiêu dùng là khá tích cực khi họ cầm được miếng thịt heo đông lạnh ở các quầy của siêu thị.
Từ sự hưởng ứng và ủng hộ của khách hàng qua “Tuần lễ thịt lợn NK” ở miền Bắc, Central Retail quyết định triển khai chương trình “Tuần lễ thịt lợn NK” trên toàn quốc. Theo đó, tại các siêu thị Big C ở miền Nam, áp dụng khuyến mãi từ 10% đến 15% đối với 7 sản phẩm thịt lợn NK (Brazil, Canada, Mỹ, Ba Lan, Đức) từ ngày 24/4-3/5/2020. Giảm giá 20% đối với 5 sản phẩm thịt lợn NK gồm: Sườn non, nạc đùi, xương ống, thịt ba rọi, cốt lết (áp dụng từ 22/4 đến 3/5/2020) tại các siêu thị Big C miền Trung.
Đại diện Big C khẳng định: “Các sản phẩm áp dụng giảm giá đều là các sản phẩm thịt lợn chủ lực, khách hàng ưa chuộng, giá tốt hơn nhiều so với giá thịt tươi cùng loại khi rẻ hơn khoảng 20-40%”.
Có “hạ nhiệt” được thị trường trong nước?
Đại diện Tập đoàn Central Retail kỳ vọng, “Tuần lễ thịt lợn NK” tại hệ thống Big C & GO! sẽ tiêu thụ hàng chục tấn thịt lợn NK, góp phần… “hạ nhiệt” giá thịt lợn trong nước cũng như tạo thêm thói quen cho người tiêu dùng khi sử dụng thịt NK chất lượng, nguồn gốc rõ ràng từ châu Âu.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện lợn hơi trong nước đang khá thiếu nên việc bình ổn giá cũng đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc NK thịt lợn để bù đắp một phần nguồn cung cũng có thể giảm bớt “sức nóng” của thị trường trong nước. Nhưng điều quan trọng để có thể “hạ nhiệt” giá thịt lợn hiện nay là cần có giải pháp khuyến khích người nông dân nhanh chóng tái đàn ở các địa phương đã công bố hết dịch theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, giá thịt lợn do thị trường điều tiết, dùng mệnh lệnh hành chính để giảm giá thịt lợn là một việc vô cùng khó khăn. Biện pháp dùng thịt lợn NK để “hạ nhiệt” cũng chỉ là một biện pháp tình thế và có thể sẽ không đạt như kỳ vọng do thói quen sử dụng thịt tươi của người dân.
Do đó, cách hiệu quả để “hạ nhiệt” thị trường thịt lợn hiện nay là việc hỗ trợ tái đàn ở các địa phương đã an toàn trước dịch tả lợn châu Phi. Sở dĩ cần hỗ trợ tái đàn là do giá lợn giống đang lên cao, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng lên (do đang thiếu). Nếu không có biện pháp hỗ trợ tái đàn, người dân cũng ngần ngại trong việc tái đàn do những rủi ro về giá sau này.
Việt Nam có thể chủ động lợn giống cho sản xuất giai đoạn 2021-2024
Thông tin tại Hội nghị về tăng cường NK và tháo gỡ khó khăn trong NK lợn giống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hôm 20/4, Cục Chăn nuôi cho biết, hiện cả nước có khoảng 120 nghìn con lợn nái giống. Trong số hơn 100 cơ sở giống lợn, tổng đàn nái hơn 109 nghìn con thì các đơn vị sự nghiệp và DN trong nước chiếm khoảng 67% tổng cơ sở và 37% tổng đàn nái nguồn; các DN FDI chiếm khoảng 33% tổng số cơ sở và khoảng 63% tổng đàn nái nguồn. Hiện cả nước có hơn 2,7 triệu con lợn nái và hơn 50 nghìn con lợn đực giống; năng suất sinh sản của đàn lợn nái nhập ngoại của Việt Nam khá tốt - khoảng 24-27 con/nái/năm (thế giới là 26-30 con/nái/năm).
Theo số liệu đăng ký, năm 2020, các DN sẽ NK 12 nghìn con lợn giống. Đến ngày 18/4, số lượng NK lợn giống nguồn là 3.016 con, tăng 133% so với năm 2018 và tăng 21% so với năm 2019. Một số DN đăng ký nhưng chưa NK do dịch Covid-19, khó nhất là khâu vận chuyển từ nước xuất khẩu về Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, với số lượng lợn giống đã nhập và đăng ký NK năm 2020 sẽ phục vụ việc thay thế đàn lợn giống NK từ năm 2016 theo chu kỳ đến thời gian loại thải, một phần bù đắp lại việc giảm đàn nái giống do bệnh dịch tả lợn châu Phi và phục vụ tăng trưởng đàn nái 0,5%/tháng. Bên cạnh đó, các DN cũng đăng ký NK 20 nghìn con lợn nái phục vụ sản xuất. Với số lượng đàn giống sản xuất trong nước và NK thì Việt Nam có thể chủ động lợn giống cho sản xuất giai đoạn 2021-2024.
Tại cuộc họp, một số ý kiến cho rằng, khi nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu cũng như giá lợn hơi ở mức cao thì NK lợn giống khôi phục tái đàn được coi là giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi, góp phần bình ổn giá thịt lợn. Tuy nhiên, các chuyên gia nêu vấn đề, những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên đàn giống cụ kỵ, ông bà, bố mẹ của thế giới hầu hết đều bị ảnh hưởng, trong đó Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ, để khôi phục đàn lợn, công tác giống là yếu tố then chốt quyết định đến năng suất và chất lượng đàn lợn. Vì vậy, cần tăng cường nhân giống và cung ứng lợn giống có chất lượng và an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi. Để chủ động nguồn lợn giống phục vụ sản xuất, trước mắt, các địa phương cần tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi. Các DN tích cực nhập giống nguồn để tăng cường nhân giống và cung ứng lợn giống bảo đảm chất lượng, an toàn dịch bệnh. Các tổ chức tín dụng có chính sách ưu đãi về lãi suất cho người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn và DN NK giống…
Về lâu dài, Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040, trên cơ sở đó triển khai đề án phát triển giống vật nuôi; tăng cường sản xuất giống tại chỗ với giá thành hạ, an toàn dịch bệnh...