Thoái vốn hiệu quả: Cần thiện chí, quyết tâm và cả chế tài xử phạt

(PLO) - Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), thoái vốn sẽ đạt được hiệu quả nếu có được thiện chí và sự quyết tâm của các bên. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần sớm có chế tài xử phạt việc chậm thoái vốn, không thể “bắn chỉ thiên” mãi như hiện nay.   
VAFI đã nhiều lần “thúc” thoái vốn tại Sabeco và Habeco
VAFI đã nhiều lần “thúc” thoái vốn tại Sabeco và Habeco

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định mới về danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020, theo ông tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước sẽ có tác động như thế nào?

Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020 đã quy định chi tiết tỷ lệ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, để từ đó Ban chỉ đạo cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa có định hướng rõ ràng trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp. Các nhà đầu tư cũng có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước một cách cụ thể, thay vì thiếu thông tin như trước đây.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI)
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI)

Tuy nhiên, cũng phải nhắc lại rằng, trước đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 37/2014/QĐ-TTg về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, trong đó doanh nghiệp thuộc diện nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối rất ít, đồng nghĩa với việc nhà nước cho phép thoái vốn đa phần tại các doanh nghiệp nhà nước cả quy mô lớn và DN nhỏ, nhưng việc thoái vốn vẫn rất khiêm tốn.

Theo ông nguyên nhân do đâu mà việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp rất ì ạch?

Có nhiều nguyên nhân, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, cần tìm ra bên mua tiềm năng. Chúng ta thấy rằng, doanh nghiệp lớn, kinh doanh hiệu quả, nhưng nếu bán mạnh, bán ồ ạt cổ phần, thông qua đấu giá công khai, nhà đầu tư cũng không phải ai cũng muốn mua. DN kinh doanh không hiệu quả càng khó có người mua. Nếu chỉ dựa vào các nhà đầu tư chứng khoán, cả 2 dạng trên, nhà đầu tư đều không có khả năng hấp thụ hết được.

Vì thế chúng ta cần chú ý thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong, ngoài nước. Có cơ chế thực hiện việc mời gọi và tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia tích cực vào các đợt thoái vốn nhà nước. Trên thực tế, việc này hầu như chưa thực hiện được, đơn cử 10 DN kinh doanh hiệu quả mà SCIC đang quản lý vốn Chính phủ đã có chủ trương thoái vốn, mới chỉ thực hiện được một chút tại Vinamilk (VNM).

VAFI đã nhiều lần “thúc” thoái vốn tại Sabeco và Habeco. Theo ông nên có giải pháp gì để đảm bảo việc thoái vốn tại hai doanh nghiệp này được thực hiện công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, tránh hiện tượng lợi ích nhóm?

Tôi cho rằng trong đàm phán không nên giao cho lãnh đạo của các doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn tham gia hay chủ trì vì bên ngoài có thể cho rằng các ông ấy muốn ngồi ghế đó lâu, có thể không muốn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vào. Công chúng có thể đặt câu hỏi, các ông ấy có đủ tư cách đàm phán không hay có xung đột lợi ích ở đây?

Nhìn rộng hơn, tôi cho rằng, Chính phủ cũng không nên giao cho cơ quan đại diện vốn nhà nước, ở đây là Bộ Công Thương toàn quyền chủ trì việc đàm phán mà nên lập một tổ đàm phán trong đó có Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương chỉ là 1 thành viên. Tổ đàm phán này thuê tư vấn quốc tế, để có tiếng nói khách quan, có các cơ sở ra quyết định phù hợp với thông lệ quốc tế và cả luật pháp Việt Nam.

Nhiều ý kiến e ngại rằng nếu cứ bán phần vốn nhà nước cho các doanh nghiệp nước ngoài chi phối thì chúng ta sẽ không có thương hiệu Việt. Ông nghĩ sao?

Đó có lẽ chỉ là những cái cớ để viện dẫn cho việc chậm trễ thoái vốn hoặc vì lợi ích nhóm nào đó. Thương hiệu của các doanh nghiệp kinh doanh tốt, có thị phần lớn trị giá hàng tỷ USD, nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần chi phối là mua thương hiệu đó. Chẳng có lý do gì họ bỏ ra cả tỷ USD mua thương hiệu doanh nghiệp sau đó lại vứt chúng đi.

Chúng ta không nên lo nghĩ một cách thái quá sau này nhà đầu tư chiến lược vào doanh nghiệp sẽ làm gì mà chủ yếu tính xem nếu đã muốn bán vốn nhà nước thì bán thế nào cho hiệu quả. Nếu không nhìn nhận đúng, có khi vốn nhà nước lại rơi vào “chân gỗ” với giá thấp, và rồi họ lại bán cho nhà đầu tư nước ngoài với giá cao hơn nhiều.

Vậy bán như thế nào theo ông là hiệu quả?

Kinh Đô, Nguyễn Kim, Big C, Diana đều được bán theo hình thức thỏa thuận, đấu thầu nhiều vòng và bán chi phối, và đều được giá cao. Tôi cho rằng với những trường hợp như Habeco, nếu chúng ta đã có cam kết với nhà đầu tư và họ đã chờ đợi hàng chục năm trời, thì họ cũng có thiện chí trong đàm phán. Còn tất nhiên, nếu muốn hai bên có thể gặp được nhau, đều phải có định giá phù hợp, trong trường hợp này thông tin cần được công khai, minh bạch.

Nói rộng hơn, việc thoái vốn nếu có thiện chí và quyết tâm đều có thể tìm được cách làm hiệu quả. Và rõ ràng cần có chế tài với việc chậm thoái vốn chứ không thể cứ “bắn chỉ thiên” mãi.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm