[links()] GS.TS Đặng Hùng Võ đã chia sẻ như vậy tại hội thảo “Tìm vốn cho bất động sản”, do Tập đoàn FLC tổ chức sáng 30/3.
Muốn gọi được tiền về cho thị trường nhà đất, theo GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, thì phải tìm được nguyên nhân gây bệnh mới có cách chữa trị. Và một trong những nguyên nhân khiến cho giao dịch nhà đất èo uột, nhà đầu tư không gọi được vốn về, là do chưa giải được bài toán giá “hợp lý” giữa người bán và người mua.
Ông Đặng Hùng Võ (ở giữa) chia sẻ về thị trường bất động sản tại hội thảo.
Người dân thì cho rằng, giá nhà đất đang cao hơn nhiều so với thực tế và họ chờ cho giá xuống thấp hơn, trong khi đó, người bán lại khẳng định, họ đã giảm giá hết cỡ và không thể giảm giá hơn. Hai bên giằng co nhau khiến cho thị trường thiếu vốn, dự án bị dừng tiến độ trong khi người có nhu cầu nhà ở lại chưa thể mua được. Giải được bài toán này phần lớn là doanh nghiệp phải chủ động tìm mua đất, tìm nguyên vật liệu, xem xét tiến độ dự án cho hợp lý nhất để giảm giá bán.
Tạm dừng ở vấn đề tìm nguồn vốn về cho nhà đầu tư bất động sản, ông Võ nhấn sâu vào vấn đề “giá thực, giá ảo và giá hợp lý” để mua nhà tại thời điểm này: “Người ta vẫn cho rằng, giá nhà cao hơn giá trị thực cũng là một thực tế. Đã có một khoảng thời gian quá dài thị trường bất động sản đã không tập trung cạnh tranh giá cả, khi hàng ra lò bao nhiêu, đã có người ôm về bấy nhiêu, theo đó giá cứ thế tăng lên.
Còn hiện nay, việc nhà đầu tư nói đã xuống giá hết cỡ cũng là đúng, mà người dân nói giá vẫn chưa sát thực tế cũng đúng. Vấn đề là hai đối tượng đang không gặp nhau, bài toán giá nhà tại Hà Nội và Tp.HCM chỉ được giải chừng nào giá hợp lý xuất hiện”.
Đặc biệt tại thị trường Hà Nội, do cầu nhà quá cao, trong khi áp lực vốn lại chủ yếu tác động đến nhà đầu tư trung gian mà không tác động lớn đến chủ đầu tư nên họ vẫn khá vững, chủ đầu tư không cần phải giảm giá bán.
Ông Võ cũng cho rằng, tại Hà Nội và Tp.HCM, cơ cấu huy động vốn có khác nhau. Theo thông tin của các nhà nghiên cứu thị trường ước chừng, tại Hà Nội thì 60% vốn được huy động từ kênh trực tiếp của người tiêu dùng và nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trong khi, tại Tp.HCM, nguồn vốn đầu tư cho thị trường này từ nguồn tín dụng, chiếm khoảng hơn 80%.
“Như vậy, với thị trường như hiện nay, tại Hà Nội người chịu áp lực về vốn là người ôm bất động sản, tức là nhà đầu tư nhỏ lẻ chứ không phải là chủ đầu tư. Chính vì không chịu áp lực vốn nhiều nên chủ đầu tư Hà Nội không giảm giá nhiều, họ thực tế đang rất vững và hộ sẽ cương quyết trụ tiếp”, ông Võ nói.
Hơn nữa, ông Võ cho rằng, giá nhà tại thị trường TP.HCM có thể sẽ giảm tiếp vì áp lực trả nợ ngân hàng đã xuất hiện từ lâu.
Tại Tp.HCM, lượng cung bất động sản cao hơn nhiều tại thị trường Hà Nội. Dân số Tp.HCM cao hơn Hà Nội nhưng nhu cầu nhà của người Hà Nội thì ngang với nhu cầu nhà tại Tp.HCM. Theo thống kê dự án, lượng cung nhà tại Hà Nội chỉ bằng 1/3 cung tại Tp.HCM.
“Do đó, nếu mua để tiêu dùng thì thực sự thời điểm này mua là thích hợp. Những chỗ đảm bảo điều kiện thuận lợi thì sẽ không giảm giá hơn nữa nên mua lúc này hay chờ lúc khác cũng vậy thôi. Giá nhà sẽ chỉ giảm với nhưng nơi thiếu các yếu tố thuận lợi cho môi trường sống và làm việc”, ông Võ chia sẻ.
Theo NDHmonney