“Thời điểm vàng” để tạo động lực phát triển mới

(PLVN) -Doanh nghiệp đã có niềm tin tích cực trở lại với kinh tế vĩ mô, kỳ vọng nền kinh tế đã vượt đáy. Do đó, đây được kỳ vọng là “thời điểm vàng” của cải cách, giải quyết triệt để những vấn đề nội tại của nền kinh tế cũng như của mô hình phát triển để tạo ra các động lực phát triển mới.
Cần có chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân một cách thực chất. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)

Cần nhiều giải pháp trọng tâm cho các đầu tàu kinh tế

Báo cáo vừa được công bố của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV - thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) về khảo sát tình hình DN cuối năm 2023, cho thấy, đánh giá của DN về triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực hơn ở tất cả các mặt. Cụ thể, tỷ lệ DN đánh giá rất tiêu cực, tiêu cực đều thấp hơn khảo sát tháng 4; tỷ lệ DN đánh giá tích cực đạt 9,9%, gấp 2,5 lần; tỷ lệ DN đánh giá rất tích cực đạt 2,5%, gấp hơn 3,5 lần.

Ban IV nhận định, các kết quả này dù còn bộc lộ sự khó khăn cho DN nhưng đều cải thiện hơn kết quả đánh giá thời điểm tháng 4/2023. Trong đó khu vực kinh tế nhà nước ít bi quan hơn các khu vực kinh tế còn lại nhưng điểm trung bình (ĐTB) cũng chỉ ở mức 2,47/5, trong khi đó DN ngoài nhà nước chỉ có ĐTB là 2,32/5, thấp nhất trong các loại hình DN tham gia khảo sát.

Điều đáng chú ý là, đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh có ĐTB thấp hơn mức trung bình chung cả nước và thấp hơn Hà Nội và điều này khiến cho mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 đã không đạt. Do đó, theo Ban IV, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng năm 2024, cần nhiều giải pháp trọng tâm cho các đầu tàu kinh tế.

Về triển vọng kinh tế ngành, so với khảo sát tháng 4/2023, tỷ lệ DN đánh giá tiêu cực về triển vọng kinh tế ngành trong khảo sát tháng 12 thấp hơn so với tháng 4. Cụ thể, đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực giảm từ 83,7% xuống còn 69,1%; trong khi đó, tỷ lệ đánh giá rất tích cực của khảo sát tháng 12 gấp gần 3 lần; tỷ lệ đánh giá tích cực gấp 3,5 lần. Trong đó, ngành Xây dựng vẫn tỏ ra bi quan nhất về triển vọng kinh tế vĩ mô nhưng ĐTB đã cao hơn rất nhiều. “Điều đó cho thấy, tình hình đã bớt bi quan hơn và niềm tin về triển vọng kinh tế đã qua đáy” - báo cáo nhận định.

Cũng theo báo cáo, nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã được một bộ phận DN đánh giá hiệu quả; hoạt động điều hành của chính quyền địa phương cũng đã nhận được sự đánh giá tích cực hơn so với khảo sát tháng 4 ở tất cả các khía cạnh. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh năm 2024 có nhiều biến số, bên cạnh tinh thần chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần phải nỗ lực hơn, đặc biệt trong việc đồng hành cùng DN tháo gỡ các khó khăn chính, như khó khăn về đơn hàng; về dòng tiền; thực hiện các thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật… Đây là những khó khăn không mới, đã được DN phản ánh và nêu ra trong khảo sát tháng 4, giờ tiếp tục được DN đề cập lại ở thời điểm khảo sát tháng 12 này.

Thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp dẫn dắt

Tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình DN, Ban IV đã đề xuất một số vấn đề để giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn vẫn đang tiếp diễn hiện nay. Theo đó, Ban IV khẳng định, niềm tin và nội lực của DN đã trở lại. Nhưng năm 2024 vẫn là một năm nhiều biến số do bối cảnh toàn cầu còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ tới nội tại quốc gia, trong khi nội lực của DN đã bị bào mòn, do đó, sự quyết liệt, kịp thời phải liên tục được duy trì, lan tỏa từ Thủ tướng, Chính phủ đến các Bộ, ngành, cấp cơ sở nhằm tiếp tục đồng hành hiệu quả, trợ lực, vun đắp niềm tin để người dân và DN vượt khó.

Cùng với đó, theo Ban IV, khi bối cảnh thế giới nhiều biến số nhưng vai trò của Việt Nam không ngừng được củng cố trên trường quốc tế thì đây là “thời điểm vàng” của cải cách, giải quyết triệt để những vấn đề nội tại của nền kinh tế cũng như của mô hình phát triển để tạo ra các động lực phát triển mới. Việt Nam đang có thế và lực để tận dụng cơ hội, phát triển kinh tế dựa trên sáng tạo và công nghệ. Do đó, đề xuất Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh trọng tâm phát triển nhân lực công nghệ cao và các xu hướng công nghệ xanh, công nghệ số hiện đại để tận dụng cơ hội do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của thế giới đem lại.

Đáng chú ý, Ban IV đề xuất xây dựng các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân một cách thực chất hơn nữa. Từ đó, hình thành và thúc đẩy sự phát triển của các DN dân tộc dẫn dắt vì đây là động lực quan trọng để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đạt được mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.

Đọc thêm