“Thổi hồn” cho cuộc sống từ những bình hoa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngôi nhà bê tông lạnh lùng, các căn phòng làm việc khô cứng khiến nhiều người mệt mỏi, uể oải. Vì vậy, hiện nay, không ít người đã “tô điểm” cho cuộc sống của mình bằng cách cắm hoa thư giãn.
Cắm hoa ảnh hưởng tích cực đến tinh thần và thể chất của con người. (Nguồn ảnh: L’amour Flower)
Cắm hoa ảnh hưởng tích cực đến tinh thần và thể chất của con người. (Nguồn ảnh: L’amour Flower)

Ngàn sắc hoa hạnh phúc

Có một câu nói khuyết danh rất hay được những người yêu hoa biết đến: “Hoa là âm nhạc của trái đất, mỗi bông hoa là một linh hồn nở rộ trong tự nhiên mang lại hy vọng cho sự sống”. Từ xưa đến nay, hoa thường gắn liền với vẻ đẹp duyên dáng, kiều diễm, tinh tế. Trong mỗi ngôi nhà, văn phòng làm việc chỉ cần có một bình hoa nhỏ cũng đủ làm không gian xung quanh bừng sáng.

Đặc biệt, hiện nay, khi cuộc sống trở nên vội vàng, căng thẳng với guồng quay bất tận của công việc, gia đình,... thì mỗi người cần một khoảng trời riêng để thư giãn, thả lỏng tâm hồn của mình. Có rất nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ đã lựa chọn việc cắm hoa.

Nguyễn Phương Oanh (42 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mỗi tháng chị đều dành ra một phần nhỏ tiền lương để mua hoa tươi về cắm: “Bước vào ngôi nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, chỉ cần nhìn thấy màu sắc hoa tươi vui cũng đủ giúp tinh thần của tôi phấn chấn hơn rất nhiều”. Phương Oanh chia sẻ, một ngày của chị thường gắn liền với đồ vật thiếu sức sống như máy tính, bàn, ghế,... Đến khi về nhà, chị mong muốn được nhìn thấy những hình ảnh, màu sắc nhiều năng lượng tích cực. Hoa là một lựa chọn dễ dàng cho cuộc sống hiện nay của chị: “Ở nhà chung cư, nuôi động vật rất khó khăn, trồng cây cảnh cũng không đơn giản, vì vậy, tôi chọn cắm một bình hoa tươi trong nhà đem đến “sinh khí” cho các thành viên trong gia đình”.

Theo nhiều nghiên cứu, việc cắm một bình hoa trong phòng có thể làm sạch không khí. Đối với một số loài hoa có mùi hương nhẹ nhàng thậm chí còn giúp con người thư giãn tinh thần như đang ngửi tinh dầu xông. Đặc biệt, màu sắc tự nhiên vui mắt của các loài hoa sẽ giúp người nhìn hạnh phúc, vui vẻ.

Việt Nam là một đất nước có khí hậu ôn hòa, với hàng trăm giống hoa khác nhau được trồng, lai giống, nhập khẩu. Hiện nay, trên thị trường mẫu mã hoa rất phong phú, đa dạng, “mùa nào thức ấy”. Lấy ví dụ như mùa đông có cẩm tú cầu, cúc họa mi, hướng dương vàng...; mùa xuân - mùa trăm hoa đua nở thì có hoa hồng thơm, hoa hồng ngoại, lam tinh,... mỗi giống hoa có đến hàng chục các dòng khác nhau đủ màu sắc từ màu trơn đến màu vẩy, cánh đơn đến cánh kép, cánh xoáy.

Cũng chính nhờ sự phong phú của các loài hoa, mà cắm hoa cũng là một cách để gợi mở sự sáng tạo, tạo nên sự lạc quan, yêu đời trong tâm hồn của nhiều người. Lê Phương Quỳnh (26 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, mỗi tháng cô sẽ mua hoa hai lần, cắm một bình ở nhà, một bình ở cơ quan: “Tôi là nhân viên sale, thường xuyên phải giao tiếp, trao đổi với khách hàng. Việc nói chuyện luôn luôn cần sự linh hoạt, sáng tạo để thu hút mọi người. Những ngày cuối tháng khi chạy doanh số, tôi sẽ cắm một bình hoa vừa thả lỏng tinh thần, vừa giúp bản thân hào hứng, vui vẻ khi nói chuyện với khách hàng”. Quỳnh cho biết, những loài hoa như hồng, cúc, hướng dương, phi yến,... mang lại cho cô niềm cảm hứng khi làm việc.

Một bình hoa có thể “thổi hồn” cho các căn nhà, văn phòng làm việc. (Nguồn ảnh: Nguyễn Oanh)

Một bình hoa có thể “thổi hồn” cho các căn nhà, văn phòng làm việc. (Nguồn ảnh: Nguyễn Oanh)

Còn theo anh Trần Anh Vũ (35 tuổi, TP HCM) tâm sự, trước đây, sức khỏe của anh không tốt, mỗi lần bị đau ốm, vợ anh thường cắm một bình hoa nhỏ ở phòng ngủ hoặc phòng bệnh (tại bệnh viện): “Ban đầu tôi không thích hoa, nhưng mỗi khi ốm đau, nhìn bình hoa ở trên bàn, cũng cảm thấy phấn khởi, vui vẻ hơn”. Sau này, mặc dù bệnh tật đã thuyên giảm nhiều, nhưng anh vẫn giữ thói quen để một bình hoa tươi nho nhỏ trong phòng làm việc, trong căn bếp gia đình: “Nhìn thấy hoa, khiến tôi cảm thấy có thêm niềm tin, lạc quan, yêu đời hơn”.

Điều này cũng phù hợp với thực tế, theo nghiên cứu của nhà khoa học Dacher Keltner Trung tâm Khoa học Greater Good của UC Berkeley, một viện nghiên cứu thăm dò các câu hỏi về hạnh phúc xã hội và cảm xúc của con người, cho ra kết quả ngắm những “tác phẩm nghệ thuật” như thiên nhiên hùng vĩ, bình hoa, tranh vẽ... tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của con người. Đầu tiên, nó kích thích sức sáng tạo của mỗi người. Lấy ví dụ, có một bình hoa trong không gian sẽ giúp tăng cường khả năng tư duy sáng tạo, nhận thức về vẻ đẹp xung quanh của mọi người. Màu sắc tươi tắn của hoa, chẳng hạn như màu đỏ, vàng, hồng, cam, có thể kích thích cho giác quan và tạo ra một không gian tràn đầy năng lượng. Thứ hai, vẻ đẹp của thiên nhiên, những bông hoa, ảnh hưởng tích cực đến thể chất và tinh thần con người. Trong một nghiên cứu năm 2008, hai nhà khoa học Park và Mattson đã chứng minh rằng những bệnh nhân nằm trong phòng cắm hoa tươi có huyết áp và nhịp tim ổn định hơn. Ngoài ra, họ cần ít thuốc giảm đau hơn so với những bệnh nhân khác.

Sống chậm lại bằng việc cắm hoa

Thực tế, việc thưởng thức, ngắm nhìn những bông hoa rất dễ dàng, nhưng cắm hoa là một công đoạn khó khăn hơn rất nhiều. Mỗi loài hoa sẽ có đặc điểm, vẻ đẹp khác nhau. Người cắm phải làm sao chọn dáng bình, cách cắm làm nổi bật nét đẹp của giống hoa đó. Điều này đòi hỏi sự tập trung cao độ, tỉ mỉ trong từng chi tiết của người cắm. Có thể nói, mỗi người say mê cắm hoa đều trở thành người nghệ sĩ.

Chị Phương Trang (50 tuổi, Hà Nội) cho biết, một bình hoa chị mất từ một đến ba tiếng, thậm chí nhiều hơn để ra được một “tác phẩm” ưng ý nhất: “Trước khi cắm hoa, tôi cần biết giống hoa, dáng hoa khi nở ra để lựa chọn bình, chọn cách cắm phù hợp nhất. Lấy ví dụ hoa hồng ngoại có nhiều dòng khác nhau hoa hồng rủ như The Weedgood, Darby, Golden,... sẽ phải cắm nhiều bông, cắm trên bình cao để khi hoa nở to rủ xuống sẽ như một rèm mưa đẹp lộng lẫy. Đối với các giống hoa hồng cành cứng như Eva Maiden, Juliet, Kellogg,... nên lựa chọn bình tròn, bình chum, với màu sắc tươi sáng, cắm hoa thành chùm cầu tròn hoặc xếp tầng để làm nổi bật vẻ đẹp căng đầy của hoa”.

Chị Hoàng My (30 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Để cắm được một bình hoa đẹp đòi hỏi người chơi phải thật tỉ mỉ, công phu. Mỗi loài hoa sẽ có cách dưỡng, chăm sóc khác nhau. Ví dụ như hoa hồng, hoa tú cầu, phi yến cần ngâm ngập nước sau khi mua về nhà để hoa ngậm nước, nở căng và tươi lâu. Một số loài hoa khác như thiên nga, thủy tiên, lam tinh... lại không được cắm nhiều nước, dễ bị úng, hoa chẳng thể trổ bông”. Cắm hoa sao cho đúng cách cũng không dễ dàng, mỗi khi mua hoa từ bên ngoài về, chị My phải cắt gốc, tuốt lá, ngâm nước dưỡng có loài hoa chỉ cần một 1 - 2 tiếng, có hoa mất cả đêm hôm sau mới cắm được.

Chính bởi độ công phu, đòi hỏi thời gian, tâm huyết, mà nhiều người chơi hoa cho biết họ đã rèn luyện được sự tập trung, sống chậm lại khi cắm hoa. Chị Phương Trang tâm sự: “Cắm hoa cũng như thiền định, khiến tôi nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống tồn tại ở những điều bé nhỏ, đơn giản nhất xung quanh mỗi chúng ta. Càng cắm hoa, tôi nhận ra, cuộc đời là vô thường, hôm nay hoa hẵng còn nở rộ đẹp đẽ, nhưng mai đã rụng tàn. Vì vậy, tôi càng trân trọng những khoảnh khắc sống trong hiện tại hơn”.

Ikebana là một cách để thiền khi cắm hoa. (Nguồn ảnh: VOV)

Ikebana là một cách để thiền khi cắm hoa. (Nguồn ảnh: VOV)

Quả thực, ở trên thế giới đã có xu hướng thiền định cắm hoa gọi là Ikebana xuất phát từ Nhật Bản. Ikebana được nhiều người yêu hoa gọi là “bản hòa tấu của thiên nhiên và cuộc đời”, vẻ đẹp của cách cắm hoa này là sự hấp thụ năng lượng từ cây cỏ tĩnh lặng. Chị Hoài Anh (45 tuổi, TP HCM) là một người yêu thích phong cách cắm hoa này cho biết: “Hoa được cắm theo bố cục tam giác thiên - địa - nhân, mùa nào thức ấy, không dùng hoa trái mùa. Trong lúc cắm, chúng tôi tập trung vào khoảnh khắc thực tại”. Chị chia sẻ rằng, trái ngược với phong cách cắm hoa đầy đặn, rực rỡ thường thấy, Ikebana chú trọng việc tối giản hết cỡ số lượng hoa, thậm chí, có bình chỉ độc mộc một cành hoa.

Hay phong cách cắm Freakebana hiện nay cũng được nhiều người ưa chuộng. Đây là một cách cắm hoa nổi loạn, ngẫu hứng hơn Ikebana. Vẫn sử dụng nền tảng thiền tông, nhưng cách cắm hoa này tận dụng mọi “nguyên liệu” có trong căn bếp của mình. Chị Mai Anh (40 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Chỉ cần một quả bưởi khô, một cành hoa cũng có thể làm nên tác phẩm đẹp đẽ để trưng bày”. Chị cho biết, mọi vật trên thế gian này đều có vẻ đẹp của riêng mình, việc trân trọng, tận dụng tất cả mọi thứ để tạo nên bình hoa đẹp giúp chị thấy vô cùng hứng khởi: “Nhà Phật đã có câu tất cả chúng sinh đều bình đẳng, việc cắm hoa cũng như vậy, mọi loài hoa, mọi đồ vật đều nên được trân trọng”. Trong căn nhà của chị Mai Anh, một bông cúc, một chiếc ca nhỏ cũng có thể thành một bình hoa, thậm chí vài cây bắp cải, chút ít hoa dại cũng có thể thành một “tác phẩm”.