Đi lên Chủ nghĩa xã hội: Con đường tất yếu và đúng đắn của cách mạng Việt Nam

(PLVN) - Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định: Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam. Đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam.
Nhờ định hướng đúng đắn, Việt Nam ngày càng phát triển và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Nhờ định hướng đúng đắn, Việt Nam ngày càng phát triển và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Giải đáp, làm sáng tỏ nhiều vấn đề

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, GS.TS Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh:

Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội… Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội (CNXH) và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi.

Đánh giá về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các nhà nghiên cứu cho rằng, với tư duy khoa học và tầm nhìn khách quan, Tổng Bí thư đã phân tích, dẫn chứng, làm sáng tỏ nhiều vấn đề về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta một cách hệ thống, toàn diện và thuyết phục. Tổng Bí thư lưu ý rằng chúng ta tiếp cận CNXH phải đầy đủ trên cả ba phương diện: một học thuyết lý luận, một phong trào hiện thực và là một chế độ xã hội. Chính vì vậy, bài viết không chỉ có giá trị lý luận mà còn có giá trị thực tiễn rất ý nghĩa.

Ông Nguyễn  Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, Tổng Bí thư đã đưa ra những bằng chứng rất thuyết phục không thể chối cãi và phủ nhận được. Đó là những thành tựu đất nước ta đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, dân chủ và cả vấn đề xây dựng Đảng. “Lập luận của Tổng Bí thư từ thực tiễn của Việt Nam không ai có thể bác bỏ được, đó là đi lên CNXH là một sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và phù hợp xu thế phát triển của thời đại” - ông Nguyễn Viết Thông khẳng định.

Đánh giá cao bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa - xã hội (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) nhận định, qua các khái quát, lập luận, người đứng đầu Đảng ta đã giải đáp, làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Vấn đề thứ nhất, nội hàm của CNXH là gì. Thứ hai, sau 35 năm đổi mới, chúng ta đã làm gì để từng bước nhận thức và hoàn thiện việc xây dựng CNXH ở Việt Nam. Thứ ba, để tiếp tục hoàn thiện đường lối và vững bước đi lên CNXH (với mục tiêu có được những thành tựu lớn trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng và 100 năm Ngày thành lập nước) thì chúng ta phải làm gì?

Thời kỳ đầu, do chúng ta chưa hiểu CNXH là gì nên tin rằng, trong vài ba kế hoạch 5 năm, chúng ta sẽ xây dựng được CNXH; từ đó đưa ra chủ trương xóa bỏ thành phần kinh tế tư bản tư doanh và cải tạo công thương. Do vậy, trong bài viết, Tổng Bí thư đã khẳng định con đường đi lên CNXH là con đường hoàn toàn mới trong lịch sử, chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm và vừa phát triển.

Cũng vì chưa có tiền lệ, nên quá trình đi lên CNXH, chúng ta đã mắc sai lầm. Đại hội VI - Đại hội của đổi mới (năm 1986) đã thừa nhận, sai lầm của Đại hội IV là chủ quan, duy ý chí, nóng vội dẫn đến bảo thủ, trì trệ; làm cho đất nước ta trong bối cảnh quốc tế khó khăn lại càng khó khăn hơn. Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, chúng ta bắt đầu đổi mới. Đổi mới của chúng ta lúc bấy giờ dựa trên ba vấn đề: nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật; lấy dân là gốc; tôn trọng những quy luật khách quan.

Một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại

Theo ông Nguyễn Túc, khi phân tích về nội hàm CNXH, Tổng Bí thư đã bám sát tư tưởng Hồ Chí Minh. Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi, trong bức thư gửi về tỉnh nhà, Bác Hồ có viết: Giành được độc lập, tự do rồi nhưng dân cứ chết đói, chết khát thì độc lập đó cũng chẳng có ý nghĩa gì, dân chỉ biết giá trị của độc lập, tự do khi dân có ăn, có mặc, dân được học hành và sống trong hạnh phúc. “Cái đích mà chúng ta phải phấn đấu là như thế. Và trong mục tiêu của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước ta đề ra ba mục tiêu rất cụ thể: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”- ông Túc bảy tỏ.

Như vậy, ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định: CNXH là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam. Đi lên CNXH là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Vào những năm cuối thế kỷ XX, mặc dù trên thế giới CNXH hiện thực đã bị đổ vỡ một mảng lớn, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa không còn, phong trào xã hội chủ nghĩa lâm vào giai đoạn khủng hoảng, thoái trào, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định: “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Nội hàm thứ ba về CNXH mà Đảng ta đề cập, đó là muốn phát triển được đất nước thì phải hài hòa lợi ích, thu hẹp dần khoảng cách giàu - nghèo. Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng XHCN không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế. Những kết quả, thành tích đặc biệt đạt được của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ đầu năm 2020 được nhân dân và bạn bè quốc tế đánh giá cao, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

“Thời gian qua, chúng ta chứng kiến hàng loạt doanh nhân thành đạt khi thấy đồng bào của mình khó khăn đã sẵn sàng sẻ cơm, nhường áo, nhất là trong các đợt bão lũ, dịch bệnh… Chúng ta thấy truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam là “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước thì thương nhau cùng” đã được kế thừa và phát huy trong quá trình xây dựng chế độ CNXH” - ông Túc dẫn chứng. 

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định, trên bình diện lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng CNXH là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách; một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội. Vì vậy, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển. Được nhân dân đồng tình, ủng hộ thì tất yếu sự nghiệp cách mạng sẽ thành công. 

Đọc thêm