Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: Phản bác các luận điệu xuyên tạc về công tác cán bộ

(PLVN) - Nhờ những chủ trương đúng đắn, sáng suốt và sự lãnh đạo quyết liệt, linh hoạt của Đảng, công tác cán bộ của nước ta thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, lợi dụng những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ, các thế lực thù địch, phản động đang ra sức xuyên tạc, bôi nhọ, nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã bàn về công tác quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 - 2031. (Ảnh: Đăng Khoa)
Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã bàn về công tác quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 - 2031. (Ảnh: Đăng Khoa)

Công tác cán bộ còn nhiều tồn tại cần khắc phục

Công tác cán bộ luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là khâu “then chốt của then chốt”. Người và Đảng ta đã dày công đào tạo, huấn luyện, xây dựng được một đội ngũ cán bộ tận tụy, kiên cường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ qua từng giai đoạn cách mạng. Thực tiễn cách mạng Việt Nam 94 năm qua cho thấy, trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định. Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ bắt đầu chuẩn bị thành lập Đảng bằng việc đào tạo và huấn luyện cán bộ. Người khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đội ngũ cán bộ các cấp ở nước ta đã có bước trưởng thành, phát triển nhiều mặt, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Sự trưởng thành, lớn mạnh và phát triển của đội ngũ cán bộ trong mấy chục năm qua là nhân tố hàng đầu quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, cùng với những thành quả đạt được, công tác cán bộ cũng bộc lộ không ít yếu kém, tồn tại cần khắc phục. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng chỉ rõ: Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp. Tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn hình thức. Thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng.

Phát biểu tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng diễn ra vào tháng 3/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Tiểu ban - cho biết: đội ngũ cán bộ của ta hiện nay đông nhưng chưa thật mạnh. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa toàn diện, có mặt còn hạn chế, yếu kém. Một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm...

Cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc, thù địch

Lợi dụng các chính sách, pháp luật trong công tác cán bộ còn hạn chế, bất cập, đặc biệt, thời gian qua, trước việc Đảng, Nhà nước ta xem xét nguyện vọng cá nhân và cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác, nghỉ hưu đối với một số cán bộ cấp cao; đồng thời xử lý nghiêm khắc một số cán bộ cấp cao vì những sai phạm nghiêm trọng, ngay lập tức, trên các trang của một số nhóm, tổ chức phản động có hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam như “Việt Tân”, “Dân làm báo”, “VOA”, “RFA”, “Nhật ký yêu nước”... thường xuyên đăng tải các bài viết có luận điệu xuyên tạc để kích động, gây nghi ngờ, bức xúc trong dân chúng, làm mất ổn định xã hội.

Cũng trong thời gian gần đây, khi Hội nghị Trung ương 8 bàn về công tác quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 - 2031, các phần tử cơ hội, thù địch nhân dịp này tìm mọi cách xuyên tạc, bóp méo, hòng phá hoại công tác nhân sự nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung của chúng ta. Chúng đơm đặt cho rằng đây là một cuộc dàn xếp nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; rằng nhân sự các cấp đã được sắp xếp nên việc tổ chức Đại hội Đảng thời gian tới chỉ mang tính hình thức... Những bài viết này thường “lái” sự việc theo chiều hướng tiêu cực, làm sai lệch bản chất vấn đề; “thổi phồng” sai lầm, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, thông qua đó hòng hạ thấp uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Khách quan nhìn nhận thì trên thực tế thời gian qua, công tác cán bộ vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, yếu kém như Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định và người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ. Nguyên nhân của những hạn chế này xuất phát từ một số quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước chậm được đổi mới; nhiều quy định chưa thực sự khuyến khích, tạo động lực để cán bộ phát huy khả năng, sở trường trong công việc, ... Nhưng sâu xa hơn, đó là bản thân mỗi cán bộ, đảng viên chưa tự giác tu dưỡng, rèn luyện; trình độ, năng lực chưa tương xứng với vị trí, nhiệm vụ được đảm nhiệm... Những sai phạm của một số cán bộ thời gian qua tuyệt đối không phải bắt nguồn từ chủ trương, đường lối của Đảng trong công tác cán bộ.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ

Tại Đại hội XIII, chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ có những bước phát triển lớn khi đặc biệt coi trọng việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ. Nhất là việc Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; đồng thời, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Những quy định này nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc hoàn thiện quy trình xử lý các cán bộ theo hình thức miễn nhiệm, từ chức.

Trên thực tế, quyền lực luôn có nguy cơ bị tha hóa. Do vậy, không riêng ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên có sai phạm. Công tác cán bộ phải “có vào, có ra, có lên, có xuống” - đó là việc làm hết sức bình thường. Khi cán bộ không còn đủ phẩm chất đạo đức, uy tín với Nhân dân, sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, thậm chí mắc khuyết điểm thì nên “tự giác đứng sang một bên để người khác làm”.

Nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của công tác quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 - 2031, khi phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (tháng 10/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, đối với những cán bộ đã được đưa vào quy hoạch, nếu phát hiện có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch; đồng thời tiếp tục xem xét, phân tích kỹ lưỡng chất lượng, cơ cấu, thành phần trên các lĩnh vực công tác để kịp thời phát hiện, kiến nghị, giới thiệu bổ sung quy hoạch, báo cáo Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét ở các Hội nghị sau. Quá trình thực hiện phải bảo đảm quy trình chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công tâm...

Để đẩy mạnh hoàn thiện đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trước hết chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ; đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ; chống “chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, khen thưởng”... Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, gắn với xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”.

Cùng với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, cũng cần tạo môi trường, cơ chế thuận lợi để khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong đội ngũ cán bộ; tạo động lực cho cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc được giao. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, “đúng người, đúng việc”, đáp ứng được những mục tiêu đã đề ra. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, không bảo đảm đủ các tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, suy thoái về đạo đức vào đội ngũ cán bộ đương chức và cán bộ quy hoạch cấp chiến lược. Ngoài ra, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Chống bằng được tư tưởng cục bộ, địa phương, thân quen, “cánh hẩu”, “lợi ích nhóm”... Tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng công tác đánh giá, phân loại về thi đua đối với cán bộ, công chức, viên chức hằng năm...

Kinh nghiệm cho thấy, công tác cán bộ nói chung và công tác nhân sự Đại hội nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhưng cũng cực kỳ phức tạp, khó khăn, vì nó liên quan đến con người. Tuy nhiên, nếu công tác cán bộ được thực hiện đúng nguyên tắc, công tâm, minh bạch, chọn đúng người, bố trí đúng việc, không chỉ giúp chúng ta có được đội ngũ cán bộ đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới, mà qua đó còn góp phần quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây cũng là minh chứng rõ ràng và mạnh mẽ nhất để đập tan mọi âm mưu chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.

Đọc thêm