“Tham gia vụ kiện tranh chấp đầu tư quốc tế để bảo vệ quyền lợi là yêu cầu bắt buộc“

(PLVN) - Đứng trước nguy cơ đối mặt với những bất lợi từ một vụ tranh chấp đầu tư quốc tế, Chính phủ cần làm gì? Báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp.
 

Clip: Đức Minh

Tranh chấp đầu tư quốc tế - không đùa với đống lửa âm ỉ cháy: Kỳ II

PV: Được biết số vụ tranh chấp đầu tư quốc tế có xu hướng ngày càng gia tăng trên thế giới và Việt Nam cũng không còn là ngoại lệ. Ông có thể cho biết  tranh chấp đầu tư quốc tế thường xảy ra ở lĩnh vực nào không?

*. Vụ trưởng Bạch Quốc An: Trong thời gian qua, số lượng các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế trong đó nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ, cơ quan nhà nước Việt Nam có xu hướng gia tăng. Các tranh chấp này phát sinh chủ yếu ở một số lĩnh vực như (i) đăng k‎ý doanh nghiệp; (ii) giao đất và thu hồi đất; (iii) thu hồi giấy chứng nhận đầu tư; (iv) các nội dung liên quan đến quá trình thực hiện thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực thuế, cấp phép xây dựng, khai khoáng…

Không tham gia là từ bỏ quyền bảo vệ mình

PV: Việc nhà đầu tư nước ngoài khiếu kiện thường dựa trên cơ sở nào, thưa ông?

*. Vụ trưởng Bạch Quốc An: Việc khiếu kiện của nhà đầu tư nước ngoài thường được thực hiện trên cơ sở các cam kết quốc tế về đầu tư của Việt Nam, thường tập trung vào các cam kết như: nghĩa vụ đối xử quốc gia (NT); đối xử tối huệ quốc (MFN); đối xử công bằng và thỏa đáng (FET); bảo hộ an toàn và đầy đủ (FSP); tước quyền sở hữu (expropriation) trực tiếp hoặc gián tiếp đối với tài sản của nhà đầu tư.

Theo Vụ trưởng Bạch Quốc An, các tranh chấp phát sinh chủ yếu ở một số lĩnh vực như đăng k‎ý doanh nghiệp; giao đất và thu hồi đất; thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và các nội dung liên quan đến quá trình thực hiện thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước
Theo Vụ trưởng Bạch Quốc An, các tranh chấp phát sinh chủ yếu ở một số lĩnh vực như đăng k‎ý doanh nghiệp; giao đất và thu hồi đất; thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và các nội dung liên quan đến quá trình thực hiện thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước 

PV: Chính phủ sẽ phải làm gì khi bị nhà đầu tư quốc tế khởi kiện, thưa ông?

*. Vụ trưởng Bạch Quốc An: Tham gia vụ kiện là việc đầu tiên cần phải làm. Thực tế giải quyết tranh chấp quốc tế cho thấy, khi bị kiện, nếu Việt Nam không tham gia Vụ kiện có nghĩa Việt Nam đã từ bỏ quyền tự bảo vệ của mình và Hội đồng Trọng tài sẽ vẫn được thành lập và ra phán quyết về Vụ kiện căn cứ theo yêu cầu và chứng cứ do các Nguyên đơn cung cấp.

Trong trường hợp như vậy, kết quả Vụ kiện bất lợi cho Việt Nam là có thể dự đoán trước được. Kinh nghiệm từ các vụ kiện trước đây khi phía Việt Nam không tham gia vụ kiện quốc tế cũng khẳng định điều này. Trong bối cảnh như vậy thì việc tham gia vào giải quyết vụ kiện là bắt buộc để bảo vệ quyền lợi của Chính phủ Việt Nam.

Chính vì luôn ở thế là bị đơn trong các vụ kiện tranh chấp đầu tư phát sinh trên cơ sở các hiệp định đầu tư, phía Chính phủ thường rất bị động, nhất là trong giai đoạn đầu liên quan đến việc chỉ định trọng tài, lựa chọn công ty luật và các vấn đề liên quan đến thủ tục ban đầu của các vụ kiện.

Thời gian để chuẩn bị rất ngắn

PV: Với mỗi vụ kiện, Chính phủ có nhiều thời gian để chuẩn bị cho quá trình tham gia không, thưa ông?

*. Vụ trưởng Bạch Quốc An: Thông thường, theo quy định của quy tắc trọng tài UNCITRAL, Chính phủ chỉ có 30 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo trọng tài của Nguyên đơn để chỉ định trọng tài thứ 2 và gửi Phúc đáp Thông báo trọng tài cho Nguyên đơn, với ICSID hoặc cơ chế phụ trợ của ICSID, thời gian thành lập HĐTT là 90 ngày kể từ ngày Ban Thư ký ICSID tiến hành đăng ký vụ kiện. Thời gian này không đủ để cơ quan chủ trì tiến hành các công việc cần thiết như báo cáo Thủ tướng Chính phủ, lựa chọn công ty luật (theo thủ tục đấu thầu hiện hành) trước khi chỉ định trọng tài, xây dựng Phúc đáp Thông báo trọng tài, xử lý các vấn đề liên quan đến lựa chọn quy tắc tố tụng trọ ng tài, nơi xét xử trọng tài, …

PV: Điều đó có nghĩa là kể cả trong trường hợp Chính phủ tham gia ngay vụ kiện tranh chấp đầu tư quốc tế thì chúng ta cũng có rất nhiều bất lợi. Liệu có giải pháp nào để nâng cao khả năng phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế không, thưa ông?

Ông Bạch Quốc An cho biết, thực trạng tranh chấp đầu tư quốc tế cho thấy việc giải quyết tranh chấp có thể kéo dài nhiều năm, tốn kém tiền của và công sức.
 Ông Bạch Quốc An cho biết, thực trạng tranh chấp đầu tư quốc tế cho thấy việc giải quyết tranh chấp có thể kéo dài nhiều năm, tốn kém tiền của và công sức. 

*. Vụ trưởng Bạch Quốc An: Thực trạng tranh chấp đầu tư quốc tế cho thấy số lượng các vụ tranh chấp có xu hướng gia tăng về số lượng và phức tạp về nội dung. Trên thực tế, tranh chấp đầu tư quốc tế thường là giải pháp cuối cùng của nhà đầu tư sau khi những vướng mắc không được giải quyết thỏa đáng, phù hợp với quy định của pháp luật. Việc giải quyết tranh chấp có thể kéo dài nhiều năm, tốn kém tiền của và công sức. Điều này cho thấy cần đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tranh chấp, giải quyết tốt các vấn đề pháp lý trong hoạt động đầu tư nước ngoài ngay từ trong quá trình đăng ký đầu tư, thực hiện dự án cho đến giai đoạn giải quyết khiếu nại.

Tôi cho rằng, công tác này cần quan tâm đến một số điểm sau:

Thứ nhất, để công tác phòng ngừa tranh chấp đầu tư có hiệu quả, cần có một cơ chế phòng ngừa thống nhất, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài, là cơ quan chủ trì thực hiện, đồng thời, phát huy vai trò tham gia của các Ủy ban nhân dân các tỉnh là cơ quan thực hiện chủ yếu hoạt động cấp phép/ đăng ký đầu tư.

Thứ hai, các Bộ, ngành và địa phương khi tiến hành các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư đảm bảo chỉ đưa ra các thông tin, cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp với quy định của pháp luật và khả thi, không đưa ra các cam kết quá chi tiết hoặc các ưu đãi, chính sách vượt quy định của pháp luật.

Thứ ba, xử lý tốt các vấn đề pháp lý trong quá trình quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài, đảm bảo đúng pháp luật về cả nội dung và trình tự, thủ tục; nâng cao hơn nữa vai trò của cán bộ pháp chế tại các Bộ, ngành và cán bộ tư pháp địa phương, đảm bảo vai trò là người gác cổng về pháp lý cho Bộ, ngành và địa phương.

"Chính vì luôn ở thế là bị đơn trong các vụ kiện tranh chấp đầu tư phát sinh trên cơ sở các hiệp định đầu tư, phía Chính phủ thường rất bị động..."
 "Chính vì luôn ở thế là bị đơn trong các vụ kiện tranh chấp đầu tư phát sinh trên cơ sở các hiệp định đầu tư, phía Chính phủ thường rất bị động..."

Thứ tư, đảm bảo việc xử lý khiếu nại đầu tư nhất quán, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật cả về nội dung và trình tự, thủ tục; đảm bảo tính minh bạch của quá trình giải quyết khiếu nại, đặc biệt đảm bảo quyền của nhà đầu tư trong việc trình bày rõ ràng về khiếu nại của mình và được thông báo về kết quả giải quyết khiếu nại.

Thứ năm, việc ký các thỏa thuận, hợp đồng đầu tư cần đảm bảo phù hợp quy định của pháp luật, khả thi; hạn chế tối đã việc thỏa thuận áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc cơ chế giải quyết tranh chấp tại cơ quan tài phán nước ngoài hoặc trọng tài nước ngoài.

Thứ sáu, thực hiện tốt công tác sàng lọc nhà đầu tư, đặc biệt quan tâm vấn đề năng lực, thiện chí, lý lịch đầu tư tại các nước khác, không thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Thứ bảy, chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ở cả trung ương và địa phương, đặc biệt về kiến thức pháp luật đầu tư quốc tế, kỹ năng xử lý các vấn đề pháp lý trong đầu tư nước ngoài và tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Đón đọc kỳ tới:  Vì sao Chính phủ Nigeria phải bồi thường 6,6 tỷ USD trong một vụ kiện tranh chấp đầu tư? 

Đọc thêm