Việt Nam tổ chức Hội nghị Công chứng Quốc tế

(PLO) - Ngày 9/9, đại diện cho các Hội Công chứng viên (CCV) trên cả nước, Hội CCV TP.Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban các vấn đề Châu Á (CAAs) thuộc Liên minh Công chứng Quốc tế (UINL). Vai trò của Hiệp hội CC, xu hướng phát triển nghề CC ở mỗi nước, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV, chế độ tài sản của vợ chồng, thừa kế… là những vấn đề được hội nghị tập trung thảo luận.
Việt Nam tổ chức Hội nghị Công chứng Quốc tế

Tham dự Hội nghị có Chủ tịch UINL Daniel Sédar Senghor; Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, UINL Micheal Merlotti; Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp Đỗ Hoàng Yến; Tổng Thư ký của CAAs năm 2016, Phó Chủ tịch thường trực Hội CCV TP.HN Đặng Mạnh Tiến. Ngoài ra, còn có sự góp mặt đông đảo của đại diện Hiệp Hội CC các nước thành viên như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Indonesia cùng Hội CC một số tỉnh, thành của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch CAAs năm 2016 Ngô Minh Hồng nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng của Hội nghị là bàn và quyết định niên hạn chủ tịch CAAs, Phó chủ tịch UINL phụ trách Châu Á và các vấn khác liên quan đến việc chuẩn bị cho hội nghị tiếp theo vào năm 2017. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội quý báu để CCV các nước cùng nhau trao đổi sâu hơn về những chủ đề được quan tâm, từ đó áp dụng kinh nghiệm, nâng cao chất lượng nghề CC ở nước mình.

Tại Hội nghị, đại diện các nước giới thiệu tóm tắt về tổ chức, hoạt động cũng như vai trò của Hiệp hội CC đối với hoạt động CC nói chung và đối với các cơ quan có liên quan khác như cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đăng ký bất động sản, đăng ký giao dịch bảo đảm nói riêng. Hội nghị cũng đã sôi nổi trao đổi về quy định của pháp luật về tài sản hình thành trong tương lai và các khó khăn của CCV trong việc chứng nhận các giao dịch liên quan tới loại tài sản này như thế chấp, chuyển nhượng.

Về việc bảo hiểm trách nhiệm của CCV, nếu như ở Indonesia chưa thành lập được Quỹ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp CCV thì Mông Cổ đã tham khảo kinh nghiệm các nước để xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ CCV, trong đó lưu ý, CCV không phải chịu trách nhiệm trước những thiệt hại do khách hàng gây ra. Tuy nhiên, Mông Cổ cũng như nhiều nước khác đang tích cực nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp, hành lang pháp lý chặt chẽ hơn để mở rộng nguồn quỹ.

Trong thời đại phát triển và hội nhập mạnh mẽ của khu vực Châu Á hiện nay thì quy định của pháp luật về hôn nhân, thừa kế của các nước trong khu vực có khá nhiều nét tương đồng, tuy nhiên, CC trong các lĩnh vực này chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp. Quy định pháp luật ở mỗi nước về chế độ tài sản trước, trong và sau thời kỳ hôn nhân; vai trò của CCV trong việc tư vấn cũng như chứng nhận các văn bản về thừa kế, đặc biệt là các trường hợp có liên quan tới tài sản tọa lạc tại nước ngoài… là các nội dung được các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến thảo luận.

Hiện nay, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động CC là vấn đề rất được chú trọng. Tại Việt Nam, vấn đề này còn gặp một số hạn chế như: chưa có hệ thống quản lý dữ liệu hợp đồng đã ký thống nhất trên cả nước cũng như ở mỗi Hội CC địa phương, chữ ký điện tử chưa được áp dụng… Do đó, trong điều kiện cơ sở hạ tầng còn khó khăn, Việt Nam bày tỏ mong muốn nhận được nhiều chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế.

Tại Hội nghị, Thái Lan với tư cách quan sát viên cũng đã giới thiệu vắn tắt về tình hình chuẩn bị hiện nay và quan điểm của họ với việc thành lập Hiệp hội CC ở nước mình. Dự kiến diễn ra trong 2 ngày, theo đó, ngày mai (10/9), Hội nghị sẽ thảo luận và bầu nhân sự của CAAs tiếp theo; bầu Phó chủ tịch UINL châu Á; xác định địa điểm, thời gian, chương trình làm việc dự kiến, thành phần tham dự Hội nghị CAAs lần thứ 7 vào năm tới.

Đọc thêm