Ít ai thấu hiểu được công việc của công chứng viên (CCV) vất vả và khó khăn nhường nào. Ngoài vai trò ngăn chặn giao dịch bất hợp pháp, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật để có thể giảm thiểu tối đa “gánh nặng” cho cơ quan xét xử, họ còn phải tự dằn mình trước những cám dỗ vật chất đời thường.
Dù công việc luôn bận rộn nhưng sự tận tụy, công tâm vì công việc là điều mà ai cũng có thể cảm nhận được từ những “thẩm phán phòng ngừa” ấy.
“Chạy theo doanh thu, lợi nhuận thì thực sự nguy hiểm”
Được sự giới thiệu của Sở Tư pháp Hải Dương, chúng tôi tìm đến Phòng Công chứng (PCC) số 1 tỉnh Hải Dương. Trưởng phòng Phạm Văn Vĩnh khi biết ý định ghé thăm của tôi vội chối khéo: “Bên mình nói thật là chỉ biết luôn gắng hết sức vào công việc. Ở tỉnh mình so ra có chút nổi trội nhưng với nhiều đơn vị anh em ở tỉnh khác thì cũng chưa có gì gọi là lớn cả”. Nói là vậy, nhưng qua những mẩu chuyện “chưa có gì” mà anh Vĩnh kể, chúng tôi thực sự thấy ấn tượng.
PCC số 1 tỉnh Hải Dương được thành lập năm 1990, là một trong 4 đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp Hải Dương. Năm 2010, PCC số 1 chuyển sang tự chủ hoàn toàn về mặt tài chính. Trong bối cảnh phải cạnh tranh với 15 Văn phòng Công chứng trên địa bàn, suốt nhiều năm liền đơn vị vẫn trụ vững.
Đặc biệt, liên tiếp từ năm 2010 đến năm 2014, PCC số 1 liên tục được tỉnh công nhận là Tập thể lao động xuất sắc, kèm theo đó là nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Hải Dương.
Dù tổng số cán bộ trong phòng chỉ vỏn vẹn 26 người nhưng đơn vị này lại đảm nhận số lượng việc khổng lồ, hợp đồng giao dịch được tính bằng đơn vị chục ngàn. Đơn cử như khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2014, tổng số hợp đồng giao dịch mà Phòng thực hiện là 53.080 vụ việc, xếp “top” cao nhất cả nước.
Khối lượng việc lớn là vậy nhưng suốt nhiều năm qua, các hợp đồng, giao dịch đều được dư luận đánh giá chính xác, ít sai sót nghiệp vụ. “Nếu làm nghề công chứng mà vì doanh thu, vì lợi nhuận thì thực sự nguy hiểm...” – anh Vĩnh chia sẻ.
Trong câu chuyện với tôi, Trưởng PCC số 1 tỉnh Hải Dương không ít lần nhắc tới cụm từ “thẩm phán phòng ngừa” để chỉ đặc trưng cái nghề mà anh cũng như nhân viên của anh đang đeo đuổi. Anh Vĩnh hồ hởi: “CCV là thẩm phán phòng ngừa, ý nghĩa cao quý lắm, giống ông bác sỹ dự phòng, nếu ông phòng ngừa tốt thì sẽ giúp người dân ít mắc bệnh, bệnh viện được giảm tải. Cũng giống như người gác cổng, là hàng rào bảo vệ đầu tiên góp phần đảm bảo cho xã hội trật tự ổn định”.
Những “đặc trưng” riêng biệt
Trước sự phát triển nhanh chóng về số lượng CCV và các tổ chức hành nghề công chứng đòi hỏi phải có tổ chức xã hội, nghề nghiệp của CCV để tăng tính tự quản của các tổ chức này. Ngoài ra, việc thành lập các Hội Công chứng ở địa phương sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình thành lập Hiệp hội Công chứng toàn quốc. Nắm bắt được tinh thần này, ngoài Hội Công chứng TP.Hà Nội được thành lập năm 2011 thì ngay sau đó, Hội Công chứng Hải Dương cũng ra đời, sớm thứ ba cả nước.
Anh Phạm Văn Vĩnh, Trưởng PCC số 1, đồng thời kiêm nhiệm Chủ tịch Hội Công chứng tỉnh Hải Dương nhấn mạnh: “Việc học tập, trao đổi kinh nghiệm quốc tế cũng đặc biệt được chú trọng, điển hình là chuyện Hải Dương đầu tiên kết nghĩa với Hội đồng Công chứng Bordeaux (Pháp) vào tháng 9/2011”.
PCC số 1 luôn tích cực tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng hệ thống máy tính hiện đại. Chính việc làm này đã giúp thúc đẩy tiến độ công việc nhanh và chính xác hơn. Chẳng hạn, nếu một hợp đồng mua bán nhà đất trước đây phải mất ít nhất khoảng thời gian gần 2 giờ đồng hồ thì nay công việc này chỉ tốn 10 phút.
Không chỉ vậy, với những trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng phức tạp, PCC số 1 khuyến khích khách hàng trực tiếp trao đổi qua điện thoại, qua hòm thư điện tử để các CCV, chuyên viên nghiên cứu trước hồ sơ, giảm tối đa công sức đi lại của khách hàng.
Thái độ ứng xử của đội ngũ cán bộ nhân viên nơi đây cũng giành được rất nhiều thiện cảm của người dân, khách hàng đến giao dịch. Chia sẻ về “bí quyết” khiến người dân dành thiện cảm cho PCC, anh Vĩnh bộc bạch: “Mình phải học tập theo tấm gương Bác, chẳng cần xa vời hay lý thuyết mà bắt đầu luôn từ những việc nhỏ, việc bình thường. Học từ việc nhỏ nhất như tác phong ứng xử đến thủ tục bởi nó cũng là tinh thần trách nhiệm của mình”.