Thời trang UNISU: 'Mập mờ' xuất xứ sản phẩm gắn mác Nhật?

(PLO) - Mặc dù được quảng cáo “rầm rộ” trên các website là phân phối chính hãng sản phẩm Nhật nhưng thực tế tìm hiểu, chuỗi cửa hàng thời trang Unisu lại chỉ toàn hàng xách tay và không đưa ra được bất cứ giấy tờ gì chứng minh chất lượng sản phẩm chính hãng.. 

Mới đây, báo PLVN nhận được thông tin bạn đọc phản ánh về chất lượng sản phẩm thời trang Unisu không đúng như thực tế quảng cáo.

Cụ thể, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, Unisu được quảng cáo là nơi “phân phối chính hãng Uniqlo số 1 tại Việt Nam”. Tuy nhiên, khi có mặt tại các showroom của chuỗi cửa hàng thời trang Unisu thì được biết, cùng một loại sản phẩm nhưng lại được gắn mác sản xuất tại nhiều nước khác nhau như Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam, … 

Unisu "tự quảng cáo" phân phối sản phẩm chính hãng Uniqlo số 1 tại việt Nam".
Unisu "tự quảng cáo" phân phối sản phẩm chính hãng Uniqlo số 1 tại việt Nam".

Trao đổi với PV, chị Thanh – chủ hãng thời trang Unisu cho biết: “Toàn bộ sản phẩm tại cửa hàng thực chất là hàng xách tay từ bên Nhật về, do bên chị đặt hàng theo mẫu tại Nhật, khi nhập về có qua hải quan kiểm tra”.

Tuy nhiên, khi PV đề nghị chị Thanh cung cấp CO (giấy xuất-nhập hàng của hải quan) và CQ (giấy chứng nhận chất lượng) để chứng minh nguồn gốc sản phẩm  thì chị Thanh trả lời không có và chỉ đưa ra được hóa đơn đặt hàng toàn tiếng Nhật, không chứng minh được sản phẩm tại cửa hàng là chính hãng như đã quảng cáo.

Đại diện Unisu chỉ đưa ra được duy nhất hóa đơn toàn tiếng Nhật, không chứng minh được sản phẩm chính hãng
Đại diện Unisu chỉ đưa ra được duy nhất hóa đơn toàn tiếng Nhật, không chứng minh được sản phẩm chính hãng

Không chỉ có vậy, khi PV hỏi về việc có hợp đồng phân phối sản phẩm với Uniqlo không thì chị Thanh trả lời không có nhưng lại để tên shop cùng logo gần giống với thương hiệu Nhật, “gián tiếp” gây sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Thực tế, nhiều năm qua, không ít người tiêu dùng đã thiết lập cho mình một thói quen “sính hàng ngoại”. Nắm bắt được tâm lý đó nên rất nhiều các chuỗi cửa hàng xuất hiện dưới tên gọi “phân phối sản phẩm chính hãng”, “hàng nhập khẩu”  nhưng khi tìm hiểu, đa phần các doanh nghiệp, các chủ cửa hàng đều không chứng minh được sản phẩm đó được nhập khẩu chính ngạch mà chỉ nói “nôm na” là hàng xách tay.

Báo PLVN đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền, Cục quản lý thị trường vào cuộc điều tra làm rõ và xử lý vi phạm nếu có.

Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

Tại khoản 11, điều 8 Luật Quảng cáo, các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo :

- Việc Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một (1)” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp tác chứng minh sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đọc thêm