Thói tự mãn khiến COVID-19 “bành trướng” ở phương Tây?

(PLVN) - Trong khi dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc và châu Á, phương Tây đã có thời gian khá dài để “quan sát”, thế nhưng, theo các nhà phân tích, sự tự mãn đã khiến các nước phương Tây chịu nặng nề, nghiêm trọng hơn rất  nhiều so với các nước châu Á
Thói tự mãn khiến COVID-19 “bành trướng” ở phương Tây?

Trong một bài báo mới đây, CNN đã lý giải một phần nguyên nhân tại sao châu Âu đi sau mà không chịu rút kinh nghiệm của các nước châu Á  đi trước.

Theo CNN, một lý giải trực quan dễ được nói đến nhất – đó đơn giản là theo thời gian. Châu Á phải đối phó với dịch bệnh trước nên đã qua đỉnh dịch, trong khi Châu Âu và Hoa Kỳ đang ở giai đoạn đầu tương đối bùng phát và vì thế, khi qua đỉnh dịch số ca nhiệm sẽ ít dần đi, có thể là trong một vài tuần tới hoặc sang tháng tới.

Nhưng có một sự thật mà lời giải thích trên bỏ lỡ: đó là phương Tây không phải trải qua thời gian như châu Á, khi các chính phủ phải đối phó với dịch bệnh mà hầu như chưa biết gì về nó và phải vừa chữa bệnh vừa đi tìm hiểu về virus.

Vì thế, phản ứng của thế giới bây giờ đã chuyển từ việc Trung Quốc che giấu thông tin dịch bệnh như trong những tuần đầu dịch bệnh trước đây đã chuyển sang việc tại sao các chính phủ không phản ứng khi tình hình đã rõ ràng?

Nhiều chính phủ sẵn sàng đổ lỗi cho Bắc Kinh, trong khi phải nhìn thấy rằng nếu thời gian đầu của dịch Bắc Kinh che đậy và thiếu minh bạch, thì từ tháng 2, những gì người ta biết về dịch bệnh đã khá rõ ràng – gồm cả thông tin về virus, mức độ lây lan và nghiêm trọng của nó. Thế nhưng tại sao khi dich bệnh bùng phát ở phương Tây sau đó, các quốc gia hoặc là hành động thất bại, hoặc là từ chối hành động?

Ảnh: Reuters
 Ảnh: Reuters

Mặc dù sau này bệnh viêm phối cấp do virus corona chủng mới bùng phát thành đại dịch toàn cầu COVID-19, nhưng ban đầu, dịch bệnh tồi tệ nhất dường như chỉ ở Trung Quốc, với hầu hết các trường hợp tử vong ở Vũ Hán.

Thậm chí, khi đó, có quan điểm cho rằng đó không phải là bệnh truyền nhiễm, và nó không dễ dàng lây lan khi ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. “Thế nhưng, một tháng sau, khi các ca bệnh ở miền Bắc Italy bùng nổ chóng mặt, đột nhiên người ta nhận ra rằng, bệnh này có thể lây lan”, Benjamin Cowling, giáo sư tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Hồng Kông, nói. 

Dịch bệnh bùng nổ ở Ý vào cuối tháng 2, sau đó nước này phải phong tỏa cả vùng Bologna và phần lớn miền Bắc Italy, và mới chỉ đầu tháng 3 nước này đã vượt qua Trung Quốc về số ca nhiễm bệnh.

Trong khi một số nhà chức trách và chuyên gia y tế bất ngờ trước sự lây lan nhanh của virus, thì nhiều chuyên gia đồng ý rằng, “có một sự tự mãn chung giữa các chính phủ ở phương Tây rằng dịch bệnh là một vấn đề của Trung Quốc - hay châu Á - và không nhất thiết phải cư xử giống như vậy trong biên giới của họ” – lời bài viết trên CNN.

Nadia Abuelezam, nhà dịch tễ học và trợ lý giáo sư tại Trường Điều dưỡng Connell của Đại học Boston (Mỹ), nói rằng, "mặc dù một số nhà khoa học cảnh báo (Hoa Kỳ) rằng một dịch bệnh ở quy mô lớn có thể xảy ra, nhưng rất ít sự chuẩn bị được thực hiện”.

Các nhân viên y tế ở một bệnh viện Anh.
Các nhân viên y tế ở một bệnh viện Anh. 

Một phần vấn đề ở hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ, nhưng quan trọng hơn là “sự kỳ thị và bài ngoại trong xã hội”, và, “thật không may, sự kỳ thị này đã gây ra phản ứng chậm và dẫn đến một số lượng lớn người tử vong và nhiễm bệnh trên toàn thế giới," cô nói thêm.

Nhưng khi dịch bệnh bùng phát ở phương Tây, các quan chức ở châu Âu và Mỹ biết chính xác những gì họ phải đối mặt khi dịch bệnh bùng phát, nhưng thường chậm phản ứng, lãng phí thời gian khi virus lây lan khắp châu Á và bỏ qua những bài học mà các nước khác học được.

Phần lớn những gì chúng ta biết về virus corona - rằng nó rất dễ lây lan và lây lan từ người sang người, rằng nó có tỷ lệ tử vong tương đối cao, đặc biệt đối với một số dân nhất định, và một trong những cách tốt nhất để ngăn chặn nó là thông qua giãn cách xã hội  - đã được Trung Quốc thực hiện vào đầu tháng Hai.

Mặc dù vậy, các chính phủ phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, đã chậm hành động một cách đáng kinh ngạc.

Tại Hoa Kỳ, các hướng dẫn giãn cách xã hội trên toàn quốc đã không được áp dụng cho đến ngày 16/3 – dù trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên được ghi nhận vào ngày 15/2 và những dấu hiệu đầu tiên của "sự lây lan cộng đồng" được phát hiện cuối tháng Hai. Vương quốc Anh cũng chỉ thực hiện hạn chế và yêu cầu người dân ở nhà vào cuối tháng 3 – tức là 2 tháng sau khi trường hợp đầu tiên được ghi nhận.     

Cũng không có quốc gia nào ở phương Tây phản ứng chậm như Anh và Mỹ. Đức được khen ngợi vì kiềm chế được số ca tử vong thấp dù số người nhiễm bệnh khá cao, một phần nhờ vào hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt và xét nghiệm rộng rãi cho phép mọi người được điều trị hoặc cách ly khi cần thiết.  

Henry F. Raymond, phó giáo sư và nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Rutgers, nói rằng tự mãn của các nước phương Tây, kết hợp với những lời kêu gọi bảo toàn nền kinh tế bằng mọi giá, dường như đã khiến một số quan chức từ chối lời kêu cứu tuyệt vọng của các cố vấn khoa học.

Đọc thêm