“Thông đồng dìm giá” sẽ hết thời

(PLO) - Thủ đoạn thông đồng dìm giá đang ngày càng tinh vi, làm giảm giá trị của tài sản bán đấu giá (BĐG). Vì thế, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 (vừa được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017) được kỳ vọng góp phần hạn chế hiệu quả tình trạng khá nhức nhối này. 
Hình minh họa

Vở kịch của “quân xanh, quân đỏ”

Trước khi Luật Đấu giá tài sản năm 2016 ra đời, đã có nhiều quy định tương tự nhằm giải quyết vấn nạn trên. Cụ thể, Nghị định số 05/2005/NĐ-CP quy định trong trường hợp người điều hành cuộc BĐG đã công bố người mua được tài sản BĐG mà người này từ chối mua thì tài sản được bán cho người trả giá liền kề nếu giá liền kề ít nhất bằng giá khởi điểm. Nếu người liền kề không đồng ý mua hoặc giá liền kề thấp hơn giá khởi điểm thì cuộc BĐG không thành và khoản tiền đặt trước của người từ chối mua thuộc về người có tài sản BĐG. 

Quy định này đã bị lợi dụng trong thực tế ở chỗ có tình trạng khách hàng cố tình trả giá rất cao, khi được tuyên bố là người mua được tài sản rồi thì lại từ chối mua để người liền kề mua được tài sản và hai bên chia nhau số tiền chênh lệch đó. Ngoài ra, khả năng cuộc BĐG không thành là rất cao vì người trả giá liền kề có thể không đồng ý mua. 

Do vậy, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về sau đã sửa đổi theo hướng quy định chế tài nghiêm khắc hơn đối với người từ chối mua và hạn chế sự thông đồng giữa một số người tham gia đấu giá. Chẳng hạn, người từ chối mua tài sản không được hoàn trả khoản tiền đặt trước, khoản tiền này thuộc về người có tài sản BĐG. Đồng thời, tài sản chỉ được bán cho người trả giá liền kề nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối mua.  

Song hiện tượng thông đồng dìm giá với chiêu bài “quân xanh, quân đỏ” trong BĐG vẫn nhức nhối. Nó diễn ra hết sức tinh vi, hầu hết người tham gia đấu giá một cách thực chất đều bị lừa và không mua được tài sản, thiệt hại của người có tài sản BĐG là rất lớn. Theo đó, người BĐG chủ động bàn bạc với một số người để “khoanh vùng”, “hạn chế”, “chọn lọc” đối tượng là “quân xanh, quân đỏ” tham gia đấu giá như hạn chế thông tin về phiên đấu giá bằng cách không thông báo hoặc có thông báo nhưng không niêm yết hoặc cho niêm yết không đúng nơi có tài sản BĐG, gây khó khăn cho người đến mua hồ sơ xin đấu giá (như người giữ hồ sơ đi vắng, giám đốc đi vắng, hồ sơ chưa chuẩn bị kịp…). Vì thế, khi vào phiên đấu giá thì chỉ là sự “diễn kịch” của các “diễn viên quân xanh, quân đỏ”. Giá bán và người trúng đấu giá hoàn toàn theo kịch bản có sẵn được thống nhất giữa người BĐG và người tham gia đấu giá. 

Niêm yết công khai thông tin đấu giá

Với mục đích đảm bảo tính minh bạch, khách quan, hạn chế tối đa tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, móc nối, thông đồng, dìm giá, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản chung và trình tự, thủ tục đấu giá các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.

Nổi bật là việc niêm yết các thông tin đấu giá tài sản được công khai rộng rãi, minh bạch tới các đối tượng có nhu cầu mua tài sản đấu giá, đồng thời để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của việc niêm yết, đối với BĐS Luật đã bỏ quy định về việc niêm yết tại nơi có BĐS đấu giá.

Theo đó, việc niêm yết được thực hiện tại trụ sở tổ chức đấu giá, nơi tổ chức cuộc đấu giá và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có BĐS đấu giá; việc tổ chức đăng ký tham gia đấu giá đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan, thuận lợi và tổ chức đấu giá tài sản không được đặt thêm yêu cầu, điều kiện nào đối với người đăng ký tham gia đấu giá ngoài các điều kiện đã được pháp luật quy định; nâng tỷ lệ tiền đặt trước lên mức phù hợp để hạn chế tình trạng người không có nhu cầu mua tài sản nhưng vẫn đăng ký tham gia đấu giá để trục lợi hoặc gây khó khăn cho cuộc đấu giá; thủ tục mua hồ sơ, đăng ký tham gia đấu giá được thực hiện công khai, thuận lợi nhằm tránh tình trạng tổ chức đấu giá cản trở hoặc hạn chế người đăng ký tham gia đấu giá; khoản tiền đặt trước, tiền mua tài sản đấu giá được quản lý chặt chẽ hơn.

Luật còn quy định rõ ràng, rành mạch hơn hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp, bỏ phiếu gián tiếp; bổ sung hình thức đấu giá trực tuyến, qua đó góp phần hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá. Đặc biệt, bổ sung phương thức đặt giá xuống để phù hợp với thực tiễn hoạt động đấu giá tài sản tại Việt Nam trước bối cảnh hội nhập quốc tế.

Thông lệ của các nước trong khu vực và trên thế giới về nghề đấu giá tài sản đều có quy định và áp dụng phương thức đặt giá xuống phổ biến, ví dụ như đấu giá hàng hóa ở Thái Lan, đấu giá hoa tulip ở Hà Lan, đấu giá cá tại Anh và Israel, thị trường tín dụng ở Rumani, trao đổi ngoại thương ở Bolivia…

Quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá trong việc tổ chức thực hiện việc đấu giá cũng được quy định rõ. Theo đó, trong quá trình tổ chức đấu giá, người có tài sản đấu giá có quyền giám sát quá trình tổ chức việc đấu giá, yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản dừng việc tổ chức đấu giá nếu có hành vi vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá, yêu cầu đấu giá viên dừng cuộc đấu giá nếu có hành vi thông đồng, móc nối để dìm giá. Người có tài sản chịu trách nhiệm về tài sản đưa ra đấu giá, ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá sau khi đấu giá thành, giao tài sản đấu giá cho người trúng đấu giá.

Ngoài ra, 05 trường hợp hủy kết quả đấu giá được liệt kê nhằm đảm bảo chặt chẽ, khách quan, bảo đảm xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của các bên có liên quan, lợi ích của Nhà nước phù hợp với thực tiễn hoạt động đấu giá tài sản và quy định của pháp luật về dân sự. 

Đọc thêm