Thống kê dữ liệu du lịch: “Thước đo” phát triển nhưng còn nhiều bất cập

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dữ liệu thống kê du lịch là thước đo đánh giá thực trạng của ngành Du lịch. Đáng nói, công tác điều tra, thống kê du lịch trong nước vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập.
Thống kê dữ liệu du lịch: “Thước đo” phát triển nhưng còn nhiều bất cập

Cơ sở quan trọng cho mục tiêu và lộ trình phát triển

Tại Quyết định số 3/2023/QĐ-TTg ngày 15/2/2023 ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia cho thấy, trong 45 cuộc điều tra, có 2 nội dung liên quan đến du lịch. Bộ VH,TT&DL được giao chủ trì cuộc điều tra thông tin khách du lịch nội địa và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) điều tra chi tiêu của khách du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam.

Cụ thể, điều tra thông tin khách du lịch nội địa là điều tra chọn mẫu khách du lịch nội địa tại các khu, điểm du lịch trong nước. Mục đích là thu thập thông tin khách du lịch nội địa tại các khu, điểm du lịch nhằm biên soạn chỉ tiêu thống kê quốc gia về lĩnh vực du lịch, đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ công tác quản lý, hoạch định chiến lược, quy hoạch vùng và chính sách phát triển du lịch của các cấp, các ngành.

Nội dung điều tra tập trung vào các nhóm thông tin chung về nhân khẩu học (độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp…); thông tin đặc điểm chuyến đi du lịch (hình thức tổ chức, phương tiện sử dụng, hình thức lưu trú…) và đánh giá của khách du lịch về cảnh quan thiên nhiên, môi trường, điều kiện vật chất, dịch vụ của khu, điểm du lịch; thu thập chỉ tiêu thống kê quốc gia mã số 1706 “Số lượt khách du lịch nội địa” do Bộ VH,TT&DL chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp. Thời kỳ, thời điểm điều tra được thực hiện theo chu kỳ hằng năm, theo mùa du lịch.

Mặt khác, cuộc điều tra chi tiêu của khách du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam do Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với Bộ VH,TT&DL thực hiện. Mục đích là thu thập thông tin về tổng mức chi tiêu và những khoản chi tiêu chủ yếu của khách du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam, từ đó làm cơ sở tính mức chi tiêu bình quân chung và cơ cấu chi tiêu của khách du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam, đồng thời là cơ sở để suy rộng một số chỉ tiêu chủ yếu về du lịch, xuất khẩu dịch vụ du lịch, đáp ứng yêu cầu Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) và các yêu cầu khác của người dùng tin.

Nội dung điều tra tổng thu mức chi tiêu và một số khoản chi tiêu của khách du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam như: chi đi lại, chi ăn uống, chi lưu trú, chi tham quan, chi cho các dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, chi cho y tế bảo vệ sức khỏe, chi mua hàng hóa. Một số nhận xét đánh giá của khách quốc tế đối với cảnh quan thiên nhiên, môi trường, điều kiện vật chất, dịch vụ của các cơ sở lưu trú tại Việt Nam. Thu thập chỉ tiêu thống kê quốc gia mã số 1009, 1707, 1708, 1709. Thời kỳ, thời điểm điều tra được thực hiện theo chu kỳ hằng năm, theo mùa du lịch.

Cần cải thiện công tác thống kê du lịch

Dữ liệu thống kê du lịch là thước đo đánh giá thực trạng của ngành du lịch, góp phần xác định vị trí và đóng góp của du lịch trong nền kinh tế ở tầm quốc gia, giúp thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thống kê du lịch được đưa vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia cho thấy tầm quan trọng của công tác thống kê trong lĩnh vực du lịch.

Từ năm 2013, Tổng cục Du lịch đã tổ chức các cuộc điều tra để thu thập thông tin về đặc điểm và chi tiêu của khách du lịch theo các khuyến nghị về thống kê du lịch của UNWTO, bao gồm: Điều tra thông tin khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, các năm 2014, 2017 và 2019; Điều tra thông tin khách du lịch nội địa, các năm 2013-2014, 2016 và 2019; Điều tra thông tin khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài năm 2016.

Các quốc gia phát triển mạnh về du lịch đều đẩy mạnh công tác thống kê, xây dựng dữ liệu du lịch để đưa ra quyết sách đúng đắn hơn. Đơn cử, Thái Lan tiến hành điều tra thường xuyên quanh năm và hàng năm thì Việt Nam mới điều tra được khoảng 2 - 3 năm/lần, tập trung khoảng 3 tháng trong năm đối với mỗi cuộc điều tra. Bên cạnh đó, có một ủy ban chung được thiết lập nhằm tăng cường công tác thống kê, áp dụng Tài khoản vệ tinh du lịch (TSA). Ấn Độ đã áp dụng TSA đối với các vùng, trong khi Việt Nam mới tiếp cận và áp dụng thí điểm đối với một số địa phương.

Trước dịch COVID-19, công tác thống kê du lịch đã được triển khai tích cực ở các cấp từ Trung ương đến cơ sở, trong đó đã hình thành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Du lịch, xây dựng và triển khai chế độ cáo cáo thống kê du lịch, triển khai các cuộc điều tra du lịch và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê du lịch. Tuy nhiên, thực trạng công tác thống kê du lịch ở cả Trung ương lẫn địa phương còn nhiều bất cập, chưa đánh giá một cách đầy đủ đóng góp của ngành Du lịch vào nền kinh tế.

Công tác thống kê du lịch cũng chưa được chú trọng đúng tầm, phương pháp điều tra thiếu khoa học và chất lượng đội ngũ nhân lực còn yếu và thiếu. Không phải địa phương nào, doanh nghiệp nào cũng tham gia và có báo cáo thống kê du lịch mặc dù đã quy định trong Luật Thống kê 2015 và Luật Du lịch 2017 về hệ thống chỉ tiêu và chế độ báo cáo thống kê du lịch. Đáng nói, việc triển khai áp dụng TSA tại các địa phương, đặc biệt là các địa phương trọng điểm về du lịch cũng chưa được thực hiện, dù Đề án triển khai áp dụng TSA tại Việt Nam đã được xây dựng từ nhiều năm trước đây.

Đọc thêm