Thông tin cần biết để phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi

(PLVN) - Bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài heo (cả heo nhà và heo hoang dã); bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại heo. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cách phòng, chống dịch cho gia súc

Vi rút DTHCP lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt heo nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.

Heo khỏi bệnh có khả năng mang vi rút trong thời gian dài, có thể là vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra bệnh DTHCP.

Để phòng và chống dịch bệnh DTHCP cho gia súc, người chăn nuôi cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp như sau:

- Hạn chế khách tham quan, hạn chế cho thương lái vào khu vực chăn nuôi. Trong trường hợp phải đi vào chuồng nuôi cần phải thay trang phục và mang ủng hoặc giày dép của trại, đồng thời thực hiện tiêu độc khử trùng cho người, dụng cụ và phương tiện.

- Tăng cường chăm sóc, cung cấp thức ăn có đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho đàn gia súc. Thực hiện vệ sinh và tiêu độc khử trùng chuồng trại ít nhất 1 lần/tuần.

- Khi nhập gia súc về nuôi và khi xuất bán gia súc phải khai báo kiểm dịch với Trạm Thú y địa phương. Trong khi tình hình dịch bệnh chưa ổn định thì hạn chế nhập mới gia súc về nuôi nhất là từ khu vực các tỉnh có nguy cơ cao. Trong trường hợp cần thiết thì chỉ nên nhập gia súc từ các trại chăn nuôi đã được công nhận an toàn dịch và có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật.

- Nên sử dụng các sản phẩm thịt gia súc đã được cơ quan thú y kiểm dịch. Không mua và sử dụng các sản phẩm thịt gia súc không rõ nguồn gốc và không chế biến gần khu vực chăn nuôi.

- Khi phát hiện đàn gia súc có những biểu hiện của bệnh truyền nhiễm như sốt cao, bỏ ăn hàng loạt,... hoặc gia súc có các triệu chứng điển hình của bệnh DTHCP như sụt cân, ủ rũ; vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng có màu sẫm xanh tím thì phải nhanh chóng báo cho chính quyền hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y địa phương để được kiểm tra xử lý kịp thời. 

Bộ Ngoại giao khuyến cáo

Ngay sau khi dịch tả heo châu Phi được phát hiện tại Việt Nam, nhiều quốc gia ngày càng siết chặt hơn với hành khách khi nhập cảnh.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, từ ngày 20/2, tất cả du khách xuất cảnh từ Việt Nam khi nhập cảnh Đài Loan (Trung Quốc), nếu bị phát hiện mang theo các chế phẩm từ thịt lợn sẽ bị phạt hành chính lần đầu là 200.000 đài tệ (tương đương 6.500 USD). Hành khách vi phạm lần hai sẽ bị nâng mức phạt lên một triệu đài tệ (tương đương 33.000 USD). Nếu không nộp đủ tiền phạt sẽ bị cơ quan di trú Đài Loan từ chối cho phép nhập cảnh.

Quy định trên được đưa ra khi tình hình DTHCP bị phát hiện ở Việt Nam. Hiện, Việt Nam là nước thứ ba ở châu Á, sau Trung Quốc và Mông Cổ phát hiện có dịch.

Trước đó, ngày 27/2, tại sân bay quốc tế ở Đài Loan, một nữ du khách Việt bị từ chối nhập cảnh khi bị phát hiện định mang theo chế phẩm từ thịt lợn. Khách này bị phạt tới 200.000 Đài tệ (150 triệu đồng).

Không chỉ Đài Loan, nhiều quốc gia khác cũng siết chặt quy định về thực phẩm của hành khách Việt khi nhập cảnh qua quốc gia của họ. Mới đây, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) liên tục phát tờ rơi, phát thanh, trình chiếu video khuyến cáo hành khách lưu ý quy định của Nhật Bản, Australia.

Theo đó, hành khách khi nhập cảnh vào Nhật Bản mang thực phẩm tươi sống, thực phẩm qua chế biến, rau củ quả phải tuân thủ các thủ tục về kiểm dịch. Nếu không có giấy chứng nhận sẽ chịu phạt tối đa 3 năm tù hoặc phạt tiền tới một triệu Yên Nhật (tương đương khoảng 200 triệu đồng).

Trong khi đó tại Australia, hành khách phải khai báo hàng hóa có nguy cơ rủi ro bao gồm: các thực phẩm, nguyên liệu thực vật và các sản phẩm từ động vật dù là một lượng nhỏ đồ ăn nhẹ hay các nguyên liệu để nấu ăn. Nếu không kê khai hoặc kê khai sai, khách sẽ có thể bị bắt giam và chịu hình phạt dân sự lên tới 420.000 AUD (tương đương khoảng 7 tỷ đồng).

Ngoài ra, một số quốc gia như Dubai, Anh, Mỹ cũng cấm mang hành khách mang theo dưới mọi hình thức.

Theo các công ty du lịch, khi vào Mỹ, hành khách phải khai báo tất cả những thực phẩm mang theo vào tờ khai được cấp trên máy bay, trước khi đáp xuống Mỹ (“Customs Declaration” - Tờ khai hải quan). Nếu hành khách không khai báo đủ thông tin về thực phẩm mang theo, khi bị phát hiện sẽ bị tịch thu và phạt từ 300 USD trở lên, có thể từ chối cấp visa cho lần xin tiếp theo hoặc nghiêm trọng hơn là bị tạm giữ để điều tra.

Tất cả loại thịt từ động vật trên bờ như heo, bò, gà... cùng thành phẩm được chế biến từ thịt như ruốc, bò khô, xúc xích, giò lụa, thịt hộp... đều nằm trong danh sách cấm.

Đọc thêm