Doanh nghiệp Thái Lan mở rộng đầu tư tại Việt Nam

(PLO) - Với chiến lược phát triển mới sang một tầm nhìn mới là hình thành “Các thành phố thông minh đẳng cấp thế giới”, sau 2 dự án thành phố (TP) thông minh ở Đồng Nai đang được triển khai, Tập đoàn AMATA (Thái Lan) đang xin Chính phủ Việt Nam chủ trương đầu tư xây dựng một TP thông minh ở TP Hạ Long.  
Amata City Biên Hoà - dự án đầu tư ra nước ngoài đầu tiên của Amata
Amata City Biên Hoà - dự án đầu tư ra nước ngoài đầu tiên của Amata

Theo Tổng Giám đốc điều hành Công ty Amata Việt Nam, bà Somhatai Panichewa, Tập đoàn Amata (Thái Lan) đã xây dựng kế hoạch 5 năm nhằm thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ thông tin và tầm nhìn hướng sang kỷ nguyên 4.0 bằng việc phát triển TP thông minh khi xây dựng Hành lang kinh tế Đông Tây. Ở Thái Lan, Amata đã có 3 TP thông minh.

Cũng theo chia sẻ của đại diện Amata, TP thông minh sẽ bao gồm 10 dự án thông minh: năng lượng thông minh; di chuyển thông minh; cộng đồng thông minh; môi trường thông minh; giáo dục thông minh; sản xuất chế tạo thông minh; TP không gian vũ trụ thông minh; sáng tạo thông minh; kinh tế thông minh và quản trị thông minh. 

Sự phát triển các TP thông minh theo kế hoạch của Amata sẽ tiến hành thông qua việc thiết kế lập các liên doanh mới giữa các đối tác Thái Lan và quốc tế, bao gồm cả việc hợp tác với các cơ quan chính phủ khác nhằm phát triển mô hình TP thông minh TP Yokohama (Nhật Bản), Tập đoàn TP Incheon (Hàn Quốc) và Saab AB (Thụy Điển). 

“Tập đoàn Amata có tầm nhìn rõ ràng để xây dựng khái niệm về cách tiếp cận mới này trong các dự án bất động sản của chúng tôi ở cả Thái Lan và ngoài Thái Lan trong đó có Việt Nam” - bà Somhatai Panichewa chia sẻ tại toạ đàm “TP thông minh và tầm nhìn tương lai” do Bộ KH&ĐT phối hợp với Tập đoàn Amata (Thái Lan) tổ chức hôm 8/3.

Hiện ở Việt Nam, Amata có hai dự án đặt tại Đồng Nai là Amata City Biên Hòa và khu công nghiệp đô thị Long Thành. Amata City Biên Hoà có diện tích 700 ha, là nơi lưu trú của 164 nhà đầu tư đến từ 21 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư hơn 2,66 ty USD, tạo ra 49.000 việc làm. Amata Long Thành có tổng diện tích 1.270ha, dự án này là sự kết hợp của các hoạt động công nghiệp và đô thị, trong đó dành 33% không gian cho khu công nghiệp công nghệ cao, 67% diện tích còn lại để phát triển cộng đồng đô thị.

“Trong kế hoạch của mình, Amata tiếp tục mở rộng đầu tư vào miền Bắc tại TP Hạ Long (Quảng Ninh). Dự án này đang trong quá trình xin chủ trương đầu tư để phát triển giai đoạn đầu tiên với 714ha…” - đại diện Amata chia sẻ.

Cũng theo chia sẻ từ đại diện Amata, Dự án Amata City Hạ Long sẽ tập trung phát triển khu công nghiệp công nghệ cao, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ tự động, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, các dự án công nghệ cao, và nhất là mảng điện tử đang phát triển.

Ngoài ra, chủ đầu tư còn hướng đến việc thu hút các nhà đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển, dịch vụ hậu cần, các trung tâm triển lãm và các phòng thí nghiệm khoa học. Tập đoàn Amata ước tính dự án này sẽ tạo ra doanh thu 5 tỷUSD mỗi năm…

Được biết, các dự án bất động sản công nghiệp — các TP thông minh của Amata ở Thái Lan và Việt Nam hiện có 1.300  DN và nhiều thương hiệu uy tín trong danh sách “Fortune 500 toàn cầu” từ hơn 30 quốc gia đến đầu tư đặt nhà máy và trụ sở. Các TP thông minh này cũng tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động và tổng doanh  thu của các nhà đầu tư ở các TP thông minh này lên tới 40 tỷ USD. 

Không nên xây dựng TP thông minh từ số 0, thay vào đó bắt đầu từ nâng cấp hạ tầng

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng TP thông minh ở Thái Lan, bà Somhatai Panichewa cho biết, dù là một đất nước với diện tích lớn nhưng khi xây dựng TP thông minh, Thái Lan đã chỉ chọn bắt đầu tư một khu vực nhỏ. Đó là dự án Chính sách Hành lang kinh tế phía Đông (EEC), nằm giữa ba tỉnh Chonburi, Rayong và Chachoengsao trên diện tích 13,285km2. Đây là căn cứ sản xuất dầu, năng lượng của đất nước và là khu vực được các nhà đầu tư thế giới biết đến. Ba tỉnh này cũng chiếm đến 20% GDP của Thái Lan với hệ thống hạ tầng đều sẵn sàng được nâng cấp. Bà nhấn mạnh phải thực hiện nâng cấp hạ tầng chứ không nên bắt đầu xây dựng TP thông minh từ số 0. 

Theo đại diện Amata, Thái Lan đã có kế hoạch rõ ràng với việc phát triển TP thông minh ở EEC, trong đó có kế hoạch phát triển 20 năm, thực hiện nhiều dự án trọng yếu như xây cảng hàng hàng không, cảng biển, hình thành các khu công nghiệp, bệnh viện… Mặt khác, Thái Lan cũng có những chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư rót vốn vào TP thông minh như ưu đãi thuế, thời gian thuê đất, chính sách ngoại tệ…

Đọc thêm