Thời gian qua, thực trạng vật liệu xây dựng giả, nhái, không đạt chuẩn không những khiến nhiều doanh nghiệp, đại lý rơi vào cảnh khó khăn, mà còn gây mất an toàn cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng, chất lượng các công trình xây dựng. Ngoài việc có logo, tên gọi, bao bì làm nhái thương hiệu lớn, nhiều sản phẩm còn có cả tem bảo hành, mã QR để truy xuất nguồn gốc… gây ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế.
Theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 16:2023/BXD về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng phải đảm bảo không gây mất an toàn trong quá trình vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng và phải được kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật theo các phương pháp tương ứng, thỏa mãn mức yêu cầu quy định.
Đối với sản phẩm gỗ công nghiệp, ván sợi, Thông tư 04/2023/TT-BXD do Bộ Xây dựng ban hành quy định về hàm lượng chất formaldehyt. Đây là một chất hóa học nguy hiểm, gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu tiếp xúc trong một thời gian dài ở tình trạng vượt ngưỡng an toàn.
Cụ thể, hàm lượng formaldehyt phát tán đối với phân loại E1 không lớn hơn 0,124 mg/m3 hoặc không lớn hơn 9 mg/100g; còn đối với phân loại E2 thì hàm lượng formaldehyt lớn hơn 0,124 mg/m3 hoặc không lớn hơn 30 mg/100g. Tương tự, với sản phẩm gỗ công nghiệp ván dăm, hàm lượng formaldehyt phát tán không lớn hơn 0,124 mg/m3 hoặc 0,7 mg/l hoặc 8 mg/100g. Khi lưu thông trên thị trường, đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước phải có giấy chứng nhận hợp quy. Đây là 2 tiêu chuẩn cơ bản nhất mà người tiêu dùng cần quan tâm khi lựa chọn các sản phẩm công nghiệp. Người dân có quyền đòi hỏi các sản phẩm phải có chứng từ đạt chuẩn E theo quy định để chủ động bảo vệ sức khoẻ của chính mình và người thân.
Trường hợp không rõ chủng loại sản phẩm, hàng hóa, các tổ chức, cá nhân có liên quan phải phối hợp với tổ chức chứng nhận hợp quy, tổ chức thử nghiệm để thực hiện việc định danh loại sản phẩm.
Quy chuẩn này không áp dụng cho sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng nhập khẩu dưới dạng mẫu hàng để quảng cáo không có giá trị sử dụng; hàng mẫu để nghiên cứu; mẫu hàng để thử nghiệm; hàng hóa tạm nhập khẩu để trưng bày, giới thiệu tại hội chợ triển lãm; hàng hóa tạm nhập - tái xuất, không tiêu thụ và sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới, quà biếu, tặng trong định mức thuế; hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển; hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ và hàng chuyên dụng phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh./.