Thú chơi mới tạc tượng trên thân cây kiểng

(PLO) - Những bức tượng Phúc Lộc Thọ, Thần Tài, Thổ Địa... được điêu khắc và “dát vàng” trên thân cây sống là ý tưởng độc đáo của anh Trần Quốc Việt (ngụ phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ). 
Anh Việt bên gốc khế Phúc Lộc Thọ
Anh Việt bên gốc khế Phúc Lộc Thọ

Sau quãng thời gian dài làm xưởng gỗ nội thất, anh Việt làm quen dần với công việc trạm trổ, điêu khắc trên gỗ. Sau đó, anh muốn làm điều gì đó mới mẻ, sáng tạo hơn và đã nảy ra ý tưởng chạm khắc trên những cây xanh còn sống.

Đầu năm 2018, anh bắt đầu những cuộc thí nghiệm của mình. “Ban đầu gian nan khó khăn lắm, cây chết lên chết xuống. Tôi mới mày mò, nghiên cứu xem phương pháp gì để cây không chết mà mình vẫn khắc được tác phẩm lên đó”, anh Việt chia sẻ. 

Sau những lần thất bại, anh nghiệm ra “bí kíp” và từ đôi tay khéo léo tạo nên những tác phẩm độc, lạ. Những bức tượng Phật Di Lặc, Quan Âm, Long Tranh Hổ Đấu, Tam Tạng cứu Tề Thiên ở núi Ngũ Hành...được điêu khắc tinh tế trên thân cây khế, phát tài, vú sữa...

Những cây anh chọn để khắc phải là những cây có tuổi thọ từ mười năm trở lên và thường là những loại cây dễ tìm ở địa phương. Nói về thời gian hoàn thành tác phẩm, anh Việt cho biết: “Tùy theo cây mà bức tượng được hoàn thành nhanh hay chậm, có cây chỉ mất vài ngày nhưng có cây cần một tuần đến 10 ngày. Trong số đó, phát tài là khắc mau nhất và dễ nhất, còn lâu nhất là mận, vú sữa”.

Tượng Phật Di Lặc cưỡi rồng hiện ra sáng chói hơn vào ban đêm
Tượng Phật Di Lặc cưỡi rồng hiện ra sáng chói hơn vào ban đêm

Theo anh Việt, để cho ra đời một bức tượng trên cây sống là điều không đơn giản. Đầu tiên phải xử lý toàn thân cây từ trên xuống dưới trước rồi mới bắt tay vào khắc tượng. Sau khi hoàn chỉnh phần khắc đến khâu xử lý bức tượng.

Phần tượng vừa khắc xong sẽ được xử lý hóa chất để sau này khi cây phát triển, tượng không phát triển theo, không bị biến dạng móp méo. “Phần xử lý hóa chất cho tượng là công đoạn khó và kỳ công nhất bởi vì nếu làm không đúng cách cây sẽ chết. Cho nên, mình phải xử lý đúng để cây chỉ chết phần tượng được chạm, còn bản thân cây vẫn sống và sinh trưởng bình thường”, anh Việt cho biết. 

Tác phẩm chính thức hoàn thành khi tượng được quét lên lớp phủ vàng. Chính vì vậy mà nó tạo nên một đặc điểm thú vị, đó là khi ban đêm, lúc những ánh đèn chiếu vào, người ta có thể thấy các vị Thần Tài, Thổ Địa, Phật Di Lặc cưỡi rồng, Quan Âm cưỡi rồng “nấp” trên cây khế, cây mận hiện ra sáng chói như tượng vàng thật. Những cây cảnh có tượng “dát vàng” như vậy có thể sử dụng được đến năm năm. 

Để phục vụ trong dịp Tết này, anh Việt đã dự tính tung ra thị trường miền Tây khoảng 100 cây cảnh có điêu khắc tượng. Tùy theo cây mà giá cả dao động từ 5 - 100 triệu. Khách hàng có thể đến mua tại chỗ hoặc cũng có thể yêu cầu anh Việt mang đến tận nhà trồng.