Thủ đoạn mới của các đối tượng sản xuất kinh doanh sữa giả, thuốc giả

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước (QL&PTTTTN, Bộ Công Thương) thông tin với báo chí về một số vấn đề liên quan sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng… mới bị phát hiện gần đây.
Lực lượng QLTT Phú Yên phát hiện lượng bột tăng lực, thực phẩm chức năng không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. (Ảnh: Văn Sơn)
Lực lượng QLTT Phú Yên phát hiện lượng bột tăng lực, thực phẩm chức năng không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. (Ảnh: Văn Sơn)

Cục QL&PTTTTN đã ban hành Văn bản 22/4/2025 gửi Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra hoạt động kinh doanh, kho tàng, nhà xưởng, cơ sở sản xuất thuốc, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK), dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền. Đặc biệt tập trung vào các mặt hàng thuốc, thực phẩm chế biến, TPBVSK. Kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng, về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Phối hợp xử lý cá nhân, tổ chức sử dụng các trang mạng xã hội kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với các mặt hàng, lĩnh vực trên.

Chia sẻ về những thủ đoạn các đối tượng thực hiện để kinh doanh sữa giả, thuốc giả trong thời gian qua, ông Linh cho biết, thủ đoạn của các đối tượng là DN thực hiện đầy đủ các thủ tục, giấy tờ kinh doanh theo quy định để che đậy các vi phạm của sản phẩm. Đây đều là những sản phẩm chỉ có thể phát hiện khi đem đi kiểm nghiệm. Trong khi về mặt nguyên tắc, thì các sản phẩm, hàng hóa chưa có phản ánh/dấu hiệu vi phạm để các lực lượng chức năng có thể thực hiện việc lấy mẫu kiểm nghiệm.

Bên cạnh đó, các đối tượng vi phạm đã gian lận trong tên gọi của sản phẩm là "sữa", "thuốc" nhưng thực chất tên gọi theo công bố và ghi nhãn sản phẩm là "TPBVSK", "thực phẩm bổ sung", "sản phẩm dinh dưỡng công thức", "thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt"…

Với nhóm đối tượng vi phạm về thuốc giả, không làm giả các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường, mà tự đặt ra tên thuốc và tên Cty, trong đó phần lớn có trụ sở “ảo” ở nước ngoài. Sau khi sản xuất, dưới vỏ bọc là nhân viên dược sĩ buôn bán thuốc cho các Cty dược, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu là “hàng xách tay”. Để tạo niềm tin, ban đầu các đối tượng trà trộn thuốc thật vào thuốc giả trước khi bán ra thị trường nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Các đối tượng thuê kho làm nơi sản xuất tại các khu vực vắng người qua lại, ngõ cụt, sâu trong hẻm. Sau đó, thuê công nhân sản xuất là người nhà hoặc người quen, chủ yếu từ các địa phương khác. Trong quá trình sản xuất, công nhân ăn ở khép kín tại kho xưởng, không tiếp xúc với người dân xung quanh để né tránh, gây khó khăn cho công tác giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng.

Cục QL&PTTTTN đề nghị các Bộ, ngành đang có trách nhiệm quản lý nhà nước với chất lượng, tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm cũng như với sữa nguyên liệu và sản phẩm nông nghiệp cung cấp, chia sẻ hoặc thông báo thường xuyên thông tin về các DN đã thực hiện công bố các sản phẩm.

Cục QL&PTTTTN đề nghị các lực lượng chuyên ngành và địa phương cần thiết xây dựng ngay cơ sở dữ liệu chuyên ngành và tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm nói riêng.

Người tiêu dùng cần chủ động nâng cao ý thức trong việc mua bán, tiêu dùng hàng hóa theo đúng pháp luật. Nên lựa chọn những địa chỉ, nhãn hàng uy tín được nhiều người tiêu dùng tin dùng, bình chọn, nhất là khi mua hàng online. Thực hiện kiểm tra nhanh sản phẩm thông qua hotline của nhà sản xuất trên vỏ hộp hàng hóa, thông tin trên website DN, số điện thoại đường dây nóng, tra cứu thông tin DN trên trang công khai của cơ quan thuế, QLLL hay Cục Sở hữu trí tuệ. Nếu phát hiện bất thường hay nghi ngờ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, cần chủ động thông tin, tố giác đến các cơ quan chức năng.

Ngày 25/4, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đang điều tra đường dây sản xuất TPBVSK sử dụng phiếu kết quả thử nghiệm giả mạo để đưa sản phẩm ra thị trường. Đường dây này đã nhắm vào việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em, trong đó có trẻ sơ sinh.

Cầm đầu đường dây là Phạm Vũ Khiêm, GĐ Cty TNHH Công nghệ Herbitech. Quá trình điều tra, xác định 2 sản phẩm TPBVSK làm giả do Cty TNHH Công nghệ Herbitech (khối 8, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) sản xuất là BABY SHARK và Medi Kid Calcium K2.

Cty trên đã gia công, sản xuất hơn 200 sản phẩm có giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng, nhưng thiếu sự kiểm soát về chất lượng. Mặc dù sản phẩm được quảng cáo là nhập khẩu từ Pháp, Đức, Mỹ nhưng thực tế giá thành và chất lượng không đúng như công bố.

Tại cơ quan công an, bước đầu, đối tượng Khiêm khai nhận đã sửa chỉ tiêu đạt công bố sản phẩm, cụ thể là sửa nội dung không đạt thành đạt để đưa ra thị trường.

Để sản phẩm giả được lưu hành ra thị trường, các đối tượng sẽ gửi các mẫu đi trưng cầu để các Cty có chức năng xét nghiệm, kiểm nghiệm lại đúng thành phần, định lượng như đã công bố hay không. Khi tiến hành kiểm nghiệm, với các mẫu kiểm nghiệm không đạt được như sản phẩm công bố, các đối tượng sẽ thực hiện liên kết và trao đổi, thống nhất với các Cty xét nghiệm để chỉnh sửa kết quả, hoặc làm khống cả phiếu kết quả kiểm nghiệm.

Đọc thêm