Thu hồi đất trong vùng phụ cận: Cần đảm bảo quy hoạch chung của Thủ đô

(PLVN) - Vấn đề thu hồi đất trong vùng phụ cận là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), có liên quan mật thiết đến Quy hoạch chung Thủ đô, tác động trực tiếp đến người dân khi triển khai thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng – Phó Trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng về dự án Luật này.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng – Phó Trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng về dự án Luật này.

Tại Khoản 4 Điều 21 và Khoản 1 Điều 42 dự thảo Luật có quy định về thu hồi đất vùng phụ cận khi đầu tư mới, mở rộng trục đường giao thông. Theo đó, khi đầu tư xây dựng mới đường giao thông hoặc mở rộng trục đường giao thông hiện có theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn Thủ đô thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch chi tiết, trong đó xác định vị trí, ranh giới, diện tích khu vực lập quy hoạch và khu vực dự kiến thu hồi đất trong vùng phụ cận để thực hiện tái cấu trúc đô thị, tái định cư tại chỗ, phát triển nhà ở, thương mại, dịch vụ.

Việc đầu tư phát triển đường sắt đô thị Thủ đô được ưu tiên áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng trong khu vực gồm nhà ga đường sắt đô thị và vùng phụ cận với bán kính không quá 1000 mét tính từ tim nhà ga đường sắt để thực hiện tái thiết đô thị, tái định cư, đầu tư phát triển đô thị mới theo quy hoạch đô thị được phê duyệt.

Vấn đề thu hồi đất trong vùng phụ cận mặc dù đã được quy định trong Luật Đất đai năm 2013 và đang được xem xét đưa vào Luật Đất đai (sửa đổi); việc thu hồi đất hai bên tuyến đường đã được quy định trong Luật Thủ đô năm 2012 và Luật Quy hoạch đô thị trong trường hợp mở đường giao thông mới. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện quy định này trong những năm qua còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Việc đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần thiết nhưng đây là vấn đề quan trọng, có liên quan mật thiết đến Quy hoạch chung Thủ đô, tác động trực tiếp đến người dân khi triển khai thực hiện.

Do vậy, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến chỉ đạo về quy định này, đặc biệt là vấn đề xác định bán kính khu vực TOD để xác định khu vực có thể thu hồi đất, xác định lại chỉ tiêu quy hoạch (về hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng,…), từ đó sẽ xác định giá đất, quyền sử dụng không gian ngầm, khoảng không.

Đối với quy định ưu đãi để thu hút đầu tư xây dựng công viên, vườn hoa phục vụ công cộng, Khoản 2 Điều 35 dự thảo Luật quy định dự án đầu tư xây dựng công viên, vườn hoa phục vụ công cộng được hưởng ưu đãi như sau: Được xây dựng, khai thác, kinh doanh trong các lĩnh vực giao thông tĩnh, thương mại, dịch vụ, văn hóa, thể thao, du lịch đối với không gian ngầm phù hợp với quy hoạch và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Nhà đầu tư được thu giá, phí, lệ phí đối với diện tích kinh doanh dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Đây là quy định cho phép huy động nguồn lực đầu tư xây dựng công viên, vườn hoa qua việc cho phép Nhà đầu tư được khai thác phần ngầm của công trình công viên, vườn hoa để phục vụ hạ tầng giao thông tĩnh, thương mại dịch vụ. Nội dung quy định này là giải pháp nhằm huy động nguồn lực đầu tư xã hội, giúp giảm gánh nặng đầu tư công của Thành phố và giải quyết 2 vấn đề: phát triển hệ thống công viên, vườn hoa, phát triển hạ tầng giao thông tĩnh. Tuy nhiên sẽ tác động đến quy hoạch không gian ngầm, tác động đến người dân; và cần có cơ chế, quy trình đầu tư, quản lý sau đầu tư phù hợp. Đây là nội dung Thành phố bổ sung gần đây và chưa có trong dự thảo Luật do Bộ Tư pháp trình Chính phủ. Vì vậy UBND Thành phố đã đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy cho chủ trương về việc đưa quy định này vào trong dự thảo Luật.

Đọc thêm