Với tập tục sinh sống tự cung, tự cấp, săn bắn, hái lượm từ ngàn đời nay, việc sử dụng súng săn, súng tự chế đã trở thành thói quen ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Chuyện trước đây mỗi hộ gia đình có từ 2-3 khẩu súng săn, súng tự chế để bảo vệ mùa màng hay phòng thân khi đi rừng, làm rẫy là điều hết sức bình thường… Thậm chí, súng kíp của người Mông, người Thái… còn được xem là di sản văn hóa của nhiều vùng miền.
Hiện nay, số súng người dân tự chế để sử dụng vào việc săn bắn rất nhiều. Ngoài súng kíp, người dân dùng nhiều nhất là các loại súng cồn, súng thể thao tự chế. Hai loại súng này rất nguy hiểm với độ sát thương cao. Nguyên liệu để chế tạo cũng rất dễ mua trên thị trường từ các loại ống nhựa, nòng làm bằng vòi phun thuốc trừ sâu, báng súng làm bằng gỗ, đạn là bi sắt... với giá vài trăm ngàn đồng.
Lượng súng săn, súng tự chế còn tồn đọng trong nhân dân, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, có nguy cơ gây tai nạn, mất trật tự an toàn xã hội. Thậm chí, nhiều vụ án mạng đã xảy ra. Chỉ tính từ năm 2010 đến năm 2014, tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An đã xảy ra 5 vụ do đi săn bắn nhầm nhau, làm chết oan 4 người, bị thương 1 người. Đặc biệt có vụ đối tượng Xeo Phò Bún tại bản Tạt Xa Va, xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn dùng súng tự chế giết người, đã bị Công an huyện Kỳ Sơn bắt giữ…
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố và bắt tạm giam La Hải Phương (SN 1979, thường trú tại thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa về tội Vô ý làm chết người.
Trước đó, ngày 24/2/2018, La Hải Phương cùng với anh Dương Văn Ngọc (SN 1993) và 4 người bạn đều ở xã Đắk Nia rủ nhau vào tiểu khu 1587 thuộc xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) để tìm phong lan và săn gà rừng. Khi đi, Phương mang theo 2 khẩu súng gồm 1 khẩu súng kíp, 1 khẩu súng thể thao tự chế. Đến khu vực tiểu khu 1587, cả nhóm mắc võng, nấu ăn, đi tìm phong lan và ngủ đêm trong rừng.
Khoảng 6 giờ sáng ngày 25/2/2018, khi mọi người đang say ngủ trên võng, Phương nghe tiếng gà rừng gáy nên dậy lấy khẩu súng thể thao tự chế đi săn bắn. Thấy 2 con gà rừng đi vào bụi cây, Phương liền bắn 1 phát về phía thấy đụng đậy ở bụi cây thì nghe có tiếng người la hét.
Phương vội vàng vứt súng, chạy đến thì thấy anh Ngọc nằm vật ở đó với vết thương vùng ngực, máu chảy loang đất. Nhóm thợ săn vội vàng đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong trước khi đến bệnh viện. Sau khi đưa thi thể anh Ngọc về cho gia đình lo hậu sự, Phương đã đến Công an xã Đắk Nia đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Ở địa bàn là xã, huyện miền núi, việc thu hồi súng rất khó khăn. Khó nhất khi vận động bà con là họ quan niệm khẩu súng như đồ gia bảo, như vật phòng thân mà không nhận thấy nguy cơ tiềm ẩn, độ sát thương của khẩu súng gây ra nếu sử dụng bừa bãi. Các tỉnh biên giới giáp Lào, nhiều hộ dân nghe tin cán bộ công an, biên phòng đến đã giấu súng vào rừng hoặc gửi nhờ ở nhà bà con bên Lào. Để thu hồi súng tự chế, chính quyền, Công an, BĐBP phải tốn nhiều công sức vận động. Trước những hệ lụy buồn và thực trạng nhức nhối của việc tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí tự chế trên các địa bàn biên giới, các địa phương đã tiến hành nhiều đợt thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Quyết liệt thu hồi súng tự chế, trong 5 năm, 2011-2016, Công an huyện Kỳ Sơn, Nghệ An đã vận động nhân dân giao nộp và thu hồi 4.955 khẩu súng các loại, trong đó có 5 khẩu súng quân dụng, 4.950 khẩu súng tự chế, 8 quả lựu đạn, 28kg thuốc nổ và nhiều công cụ hỗ trợ khác. Năm 2017, Công an huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang phối hợp với ngành chức năng đã tiêu hủy 196 súng tự chế do người dân 15 xã, thị trấn giao nộp. Số súng tự chế này được thu gom từ cuộc vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ trong tháng 3 và tháng 4/2017.
Sau gần 2 năm kiên trì vận động, thuyết phục, với nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt của BĐBP và chính quyền địa phương các xã biên giới, BĐBP và chính quyền địa phương các xã biên giới tỉnh Thanh Hóa đã thu được 2.223 khẩu súng các loại, 24 bộ phận cò, 368 hạt nổ, 72kg tiền chất thuốc nổ, 53 kíp mìn, gần 50kg bi sắt và đạn chì cùng nhiều công cụ hỗ trợ khác. Qua đó vận động 100% ban quản lý bản và hàng chục nghìn hộ gia đình ở 16 xã biên giới đã tự nguyện ký cam kết không chế tạo, tàng trữ, mua bán, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Trong năm 2017, Công an huyện Nam Giang, Quảng Nam đã vận động nhân dân giao nộp 281 khẩu súng săn các loại. Quý 1/2018, Công an huyện Nam Giang tiếp tục tuyên truyền, vận động, thu hồi 147 khẩu súng các loại. Trong khi đó, Công an huyện Đông Giang, Quảng Nam cũng đã thu giữ hơn 120 khẩu súng tự chế từ năm 2017 đến nay, trong đó quý 1/2018, đơn vị đã vận động bà con giao nộp 42 khẩu súng tự chế.
Thế nhưng, vấn đề súng tự chế nhức nhối chưa có hồi kết bởi sau khi thu hồi, người dân lại lén lút chế tạo những khẩu súng mới.