Phải truy đường đi của dòng tiền
Ông Phan Đình Trạc cho rằng, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, bị thất thoát thời gian qua có giám sát của cơ quan dân cử, nhưng mức độ đáp ứng yêu cầu thì chưa đạt; tỷ lệ thu hồi còn thấp. Lĩnh vực tín dụng, ngân hàng là lĩnh vực đặc thù, pháp luật có quy định riêng nhưng đây cũng là lĩnh vực có nhiều rủi ro. Nếu không nắm vững, không dám làm mạnh thì không phát triển. Ngược lại, nếu không nắm vững mà cứ làm mạnh thì rất dễ dẫn đến sai phạm. Chính bởi vậy, điều quan trọng nhất là qua đợt kiểm tra này để cán bộ, công chức, nhân viên ngân hàng thấy được thực trạng, đề xuất với Đảng, Nhà nước để tháo gỡ.
“Trước hết, nếu có vụ án trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng thì làm sao thu hồi được cao nhất, kịp thời nhất tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Thứ hai, để làm cho tất cả mọi người, trước hết là cơ quan tố tụng hiểu sâu về lĩnh vực đặc thù của ngân hàng tín dụng để có cái nhìn biện chứng, không hình sự hóa. Nhưng cũng có đặc thù riêng, trong thực tiễn chúng ta có, có những ngân hàng nhìn vào sai phạm đủ để chúng ta khởi tố, bắt giam được nhưng lùi lại để cho họ tự khắc phục thì trong vòng 2 năm trở lại bình thường”- Trưởng ban Nội chính Trung ương nói.
Cho rằng mấu chốt để nâng cao công tác thu hồi tài sản tham nhũng là phải xác định được tiền, tài sản đang ở đâu, ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh: một trong những nhiệm vụ quan trọng của NHNN là phối hợp với các cơ quan chức năng truy đường đi của dòng tiền và các giao dịch đáng ngờ để cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng trong phục vụ điều tra tội phạm không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng mà cả các vụ án ngoài lĩnh vực ngân hàng. Cùng với đó, Ban Cán sự Đảng NHNN phải mạnh dạn đề xuất, áp dụng pháp luật trong việc kê biên, phong tỏa và thu hồi tài sản trước khi khởi tố, trước khi xét xử, thi hành án; khai thác tài sản đã bị kê biên, phong tỏa tránh để hỏng hóc, lãng phí; áp dụng quy định để trả trước tài sản cho chủ sở hữu. Tham mưu những giải pháp, đề ra các biện pháp bảo đảm những giao dịch không dùng tiền mặt nhằm chống các loại tội phạm rửa tiền, các vụ mua bán trái phép cũng như dễ dàng hơn trong quản lý tài sản và PCTN...
Xác minh nhà đất của người phạm tội gặp khó khăn
Sáng cùng ngày, Đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã làm việc với Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) về công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế liên quan đến lĩnh vực TN&MT.
Tại cuộc làm việc, Bộ TN&MT kiến nghị hoàn thiện cơ chế kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập; đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp bởi trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng thường phải trưng cầu giám định để xác định hậu quả thiệt hại. Trong khi đó, công tác giám định thiệt hại về kinh tế, đất đai khá công phu, phức tạp, mất nhiều thời gian. Việc xác minh tài sản của người phạm tội cũng gặp khó khăn. Nhiều trường hợp người phạm tội không đứng tên chủ sở hữu nhà đất, tài sản có giá trị lớn, họ không kê khai tài sản, tẩu tán, che giấu, hợp pháp hóa những tài sản do tham nhũng mà có, dẫn đến khó khăn trong việc truy tìm, thu hồi tài sản.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Võ Văn Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Trưởng đoàn làm việc đã ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị của Bộ TN&MT. Những giải pháp của Bộ sẽ được Đoàn công tác tổng hợp, báo cáo, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư để hoàn thiện công tác quản lý tài sản nói chung, cũng như nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án liên quan lĩnh vực tài nguyên, môi trường.