“Điểm mặt” những vụ thi hành án tham nhũng đình đám
Đơn cử như vụ Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, đến nay, cơ quan THADS đã thu nộp được hơn 5,3 tỷ đồng tiền án phí, tiền phạt, truy nộp sung công quỹ nhà nước và hơn 28,4 tỷ tiền bồi thường thu cho ngân sách nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước. Trong tháng 9/2019, Chấp hành viên đã thu được của Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc PVN) số tiền 6,5 tỷ đồng. Đối với tài sản của Trịnh Xuân Thanh, cơ quan THADS vẫn chưa xử lý được vì Trịnh Xuân Thanh đã có đơn xin gặp Tập đoàn Dầu khí để thỏa thuận về giá và tổ chức thẩm định giá nhưng chưa được sự chấp thuận của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an.
Còn trong vụ Hà Văn Thắm, đã thu nộp được gần 156 tỷ tiền án phí, tiền phạt, truy nộp sung công quỹ nhà nước và gần 252 tỷ tiền bồi thường thu cho ngân sách nhà nước. Hiện tại, cơ quan THADS vẫn đang tiến hành xử lý tài sản đã thu giữ, kê biên, phong tỏa trong giai đoạn điều tra, xét xử với khoản phải thi hành án của Hứa Thị Phấn trong vụ việc này, hiện được ủy thác vào Cục THADS TP. HCM để xử lý. Ngoài ra, ½ số cổ phiếu đã kê biên để đảm bảo thi hành án của Hà Văn Thắm đang được TAND quận Thanh Xuân xét xử, tuy nhiên, do xảy ra tranh chấp tài sản chung vợ chồng nên đang hoãn thi hành án theo quy định.
Là vụ án có số lượng tài sản kê biên lớn (40 tài sản gồm 3 ô tô và 37 nhà đất) và nằm rải rác ở nhiều địa phương, trong vụ Giang Kim Đạt, cơ quan THADS đã xử lý tài sản và truy thu được hơn 140 tỷ tiền bồi thường thu cho ngân sách nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước (Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy). Cụ thể, cơ quan THADS đã xử lý được 2 tài sản tại Hà Nội, 2 tài sản tại Hải Phòng, 7 tài sản tại Khánh Hòa đã bán đấu giá thành và đang làm thủ tục để xử lý số tiền thu được theo quy định. Đối với 28 tài sản tại TP. Hồ Chí Minh, cơ quan THADS đang xác minh để xử lý theo quy định.
Một vụ án khác nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận là vụ Phạm Công Danh. Trong vụ án này, cơ quan THADS đang phối hợp với các cơ quan có liên quan để thẩm định, bán đấu giá tài sản đã kê biên. Cụ thể, đối với tài sản tại E18-KDC Sông Ông Lớn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, cơ quan THADS đang tạm ngừng xử lý để xem xét thỏa thuận của các bên liên quan đối với việc xử lý tài sản trên.
Đối với tài sản là Khu phức hợp sân vận động Chi Lăng, Cục THADS TP Đà Nẵng tiếp tục có Công văn kiến nghị Chánh án TANDTC kháng nghị bản án theo trình tự giám đốc thẩm nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời. Còn tài sản tại 209 Trường Chinh, An Khê, Đà Nẵng, do có sự chênh lệch lớn về giá thẩm định giữa 2 lần thẩm định giá (hơn 550 tỷ đồng) nên Cục THADS đã xin ý kiến của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng để xác định giá chính xác của tài sản để xử lý theo quy định của pháp luật. Tại Quảng Ngãi, cơ quan THADS đã bán đấu giá 794.900 cổ phiếu của công ty IDICO với số tiền là 35 tỷ đồng và hiện đang làm thủ tục để thanh toán tiền thi hành án.
Nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản
Trong năm công tác 2019 (từ 1/10/2018 đến 31/9/2019), Hệ thống cơ quan THADS đã thi hành xong 579.888 việc trong số có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 78,58%; về tiền đã thi hành xong gần 53 tỷ trong số có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 35,46%.
Đặc biệt, năm 2019, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp xây dựng Kế hoạch giải quyết, thành lập các Tổ công tác để chỉ đạo giải quyết đối với những vụ án trọng điểm. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức các buổi làm việc trực tiếp, trực tuyến với các địa phương để đôn đốc, chỉ đạo việc thi hành án có hiệu quả. Tại địa phương, các cơ quan THADS tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan hoặc báo cáo Ban Chỉ đạo thi hành án để có phương án giải quyết đối với các vụ việc trọng điểm.
Tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng việc tổ chức thi hành các vụ việc loại này vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do thiếu cơ chế công khai, minh bạch thông tin về tài sản nên kết quả xác minh tài sản ở giai đoạn THADS còn hạn chế. Nhiều vụ việc số tiền phải thi hành án đặc biệt lớn nhưng tài sản để bảo đảm thi hành án có giá trị thấp; vụ việc có tài sản ở nhiều địa phương khác nhau dẫn đến khó khăn, chậm tiến độ trong xử lý tài sản.
Việc thẩm định giá tài sản khi cho vay của các tổ chức tín dụng chưa được quản lý chặt chẽ, hiệu quả, dẫn đến một số trường hợp tài sản của Nhà nước bị thất thoát không có khả năng thu hồi được. Một số trường hợp bản án tuyên chưa rõ, khó thi hành nhưng khi cơ quan THADS có văn bản đề nghị giải thích thì tòa án chậm giải thích, đính chính bản án…
Vì vậy, một trong những giải pháp then chốt để tháo gỡ những khó khăn trên đó là nâng cao hiệu quả phối hợp giữa cơ quan THADS và các cơ quan, Ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương để việc thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng đảm bảo nhanh chóng, triệt để.
Ý kiến:
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS: Tổng cục THADS tiếp tục có nhiều giải pháp để thu hồi tài sản hiệu quả
Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế thời gian qua được Đảng, nhà nước đặc biệt quan tâm và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan THADS. Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, kết quả thu hồi tài sản thời gian qua có khởi sắc và khá hơn trước. Trong thời gian tới, Tổng cục THADS sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp đồng bộ để thu hồi tài sản hiệu quả. Trong đó, tiếp tục nâng cao nhận thức đối với công tác này, xem đây là nhiệm vụ chính trị ưu tiên quan tâm chỉ đạo. Cụ thể, tăng cường chỉ đạo các Cục Thi hành án địa phương, nhất là TP.HCM và Hà Nội, yêu cầu báo cáo tiến độ thi hành các vụ việc rõ người, rõ việc và thời gian hoàn thành. Ở cấp Trung ương, sẽ kiểm soát và chủ động trong công tác chỉ đạo, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn trong việc thi hành các vụ án này.
Trong văn bản Tổng cục trưởng Tổng cục THADS gửi Cục trưởng Cục THADS địa phương về triển khai công tác THADS năm 2020 mới đây cũng đã yêu cầu các Cục THADS địa phương tập trung, quyết liệt thi hành các vụ việc tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là những vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi; nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước trong các vụ việc loại này.
Ông Trần Phước Thu, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng: Cơ quan điều tra phải kịp thời phong tỏa, tránh tẩu tán tài sản
Trên địa bàn hiện có vụ án Phạm Công Danh là vụ việc phải thi hành với giá trị rất lớn. Đây là vụ án rất phức tạp và khó khăn trong công tác thi hành. Theo bản án số 332/2016/HSST ngày 9/9/2016 của TAND TP Hồ Chí Minh và Bản án số 30/2017/HSPT ngày 24/01/2017 của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, Cục THADS TP Đà Nẵng tổ chức thi hành một phần quyết định của bản án nêu trên do Cục THADS TP Hồ Chí Minh ủy thác; đã ra quyết định thi hành án theo đơn 2 việc, với số tiền: 3.946 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc xử lý tài sản để thi hành án là dự án khu phức hợp dịch vụ cao tầng Sân vận động Chi Lăng còn nhiều vướng mắc về mặt pháp lý chưa được giải quyết.
Do tính chất phức tạp của vụ việc nên Cục THADS Đà Nẵng đã có văn bản kiến nghị Giám đốc thẩm phần liên quan đến dân sự và đang chờ trả lời của cơ quan chức năng. Đối với vụ Phan Văn Anh Vũ hiện Cục chưa thụ lý.
Ngoài vụ Phạm Công Danh, Đà Nẵng có một số việc liên quan đến tham nhũng kinh tế tuy nhiên với giá trị nhỏ và đã thi hành dứt điểm. Cái khó nhất hiện nay đối với những vụ án này là tài sản của người phải thi hành án hầu như không có. Để đảm bảo giai đoạn thi hành án được thuận lợi, thu hồi được tài sản cho nhà nước thì một trong những vấn đề quan trọng là ngay từ đầu giai đoạn tố tụng cơ quan điều tra phải kịp thời phong tỏa, tránh tẩu tán tài sản.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Cục trưởng Cục THADS Hải Dương: Tăng cường phối hợp giữa các ngành trong việc truy tìm tài sản
Trước nay Hải Dương không có nhiều các vụ án tham nhũng, kinh tế, ngoại trừ vụ án Vinashine hiện đang đình chỉ. Nhìn chung, qua theo dõi các địa phương cho thấy kết quả thi hành án trong các loại việc này đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một trong những khó khăn khi thi hành những loại việc này là việc truy tìm tài sản rất khó, vì ở giai đoạn điều tra việc phong tỏa tài sản rất ít; nhiều tài sản bị tẩu tán, che dấu dưới nhiều hình thức. Bên cạnh đó, một số tài sản dù đã bị phong tỏa, kê biên xong do liên tục biến động về giá (chủ yếu là xuống giá do tài sản bị xuống cấp) đặc biệt các dây truyền sản xuất, thiết bị, tàu thuyền…dẫn đến nhiều vụ việc kéo dài, tỷ lệ thu hồi tài sản cho nhà nước không được như mong muốn. Do đó ngoài việc tăng cường phong tỏa tài sản ngay từ giai đoạn điều tra, cần tăng cường phối hợp giữa các ngành trong việc truy tìm tài sản, nâng cao chất lượng trong ban hành các quyết định, bản án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tăng cường thanh kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm của chấp hành viên và Thủ trưởng cơ quan THADS…