Thu mua lúa tạm trữ: Nông dân vẫn lao đao?

Thực hiện chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo đã giúp giá lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long tăng trở lại. Tuy nhiên, chỉ tăng một thời gian ngắn giá lúa gạo lại tiếp tục sụt giảm. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long nói rằng, việc thực hiện mua tạm trữ thiếu sự giám sát, mà ở đây là trách nhiệm của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn.

Thực hiện chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo đã giúp giá lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long tăng trở lại. Tuy nhiên, chỉ tăng một thời gian ngắn giá lúa gạo lại tiếp tục sụt giảm. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long nói với báo chí rằng, việc thực hiện mua tạm trữ thiếu sự giám sát, mà ở đây là trách nhiệm của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn.

Chương trình mua lúa tạm trữ, từ ngày 15/3 đến 30/4 do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) là “đầu tàu” đã trải qua gần ba phần tư chặng đường. Trong khoảng 10 ngày đầu thực hiện, chương trình đã có tác động tích cực giúp giữ giá lúa không rớt tiếp. Thế nhưng gần đây, giá lúa gạo nội địa lại tiếp tục lao dốc mạnh, xuống mức thấp hơn cả khi chương trình này chưa bắt đầu. Phải chăng chương trình mua lúa gạo tạm trữ đã thất bại? Và, tại sao có được sự hỗ trợ của Chính phủ trong chuyện thu mua,nhưng người dân vẫn đầy âu lo cho hạt lúa

Nguyên nhân, một phần do tình hình xuất khẩu gặp khó khăn, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo “án binh bất động”, mặc khác, do diện tích gieo sạ giống chất lượng thấp chiếm tỷ lệ cao nên doanh nghiệp và tiểu thương đều chê.

Không chỉ giá lúa xuống rất thấp mà một số loại giống chất lượng thấp như IR 50404 nông dân không thể bán được.

“Dù giá lúa đã giảm rất mạnh, nhưng muốn bán được lúa chúng tôi phải chạy khắp nơi mới có lái đến mua”- một nông dân ở  Long An cho biết. Lý giải nguyên nhân giá lúa, gạo giảm mạnh, cả thương lái lẫn doanh nghiệp kinh doanh gạo nội địa cho rằng, các kho của doanh nghiệp đã đầy nên hạn chế thu vào, trong khi nguồn cung lúa hàng hóa tiếp tục tăng.

Có  nguồn tin cho rằng giá lúa gạo nội địa giảm mạnh là do các doanh nghiệp xuất khẩu âm thầm “hạ  giá” để khấu trừ chi phí do các hãng tàu tăng cước phí vận chuyển.

Sau ngày 15/3, thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đồng loạt triển khai thu mua gạo tạm trữ, giá lúa gạo đã tăng trở lại từ 300-500 đồng/kg. Sau đó khoảng hai tuần giá lúa lại sụt giảm, hiện chỉ cao hơn trước thời điểm mua tại trữ khoảng 200-300 đồng/kg. Tình trạng nông dân khó tiêu thụ lúa, đặc biệt là những giống lúa chất lượng thấp xuất hiện trở lại. Với chỉ tiêu mua chỉ bằng 1/10 nhu cầu bán thì không thể giải quyết được tình hình.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA, cho biết: “Hợp đồng xuất khẩu gạo vừa ký trong tháng 3 đã đạt đến con số bằng hợp đồng của năm 2011 chuyển qua cộng thêm hợp đồng của hai tháng đầu năm nay”.

GS.TS. Võ Tòng Xuân cho rằng: “Nông dân thường bị ép giá, người dân chỉ biết trông chờ vào hỗ trợ của Chính phủ, nhưng Chính phủ lại giao quyền cho VFA - thực chất là Tổng công ty Lương thực (Vinafood) định đoạt. Qua kinh nghiệm nhiều năm nay, giá lúa do VFA định thường chỉ bảo vệ lợi ích của Vinafood để họ cạnh tranh bán rẻ cho thương lái quốc tế, mà coi nhẹ lợi ích của người nông dân phải cực khổ một nắng hai sương làm ra hạt lúa”.

Theo ông Bảy, năm nay Trung Quốc có nhu cầu rất mạnh đối với gạo của Việt Nam. Nếu như năm 2011 Trung Quốc chỉ nhập 200.000-250.000 tấn gạo thì trong năm nay, đến thời điểm này đã có trên 600.000 tấn gạo được xuất sang Trung Quốc theo đường chính ngạch (gạo 5% tấm). Riêng xuất sang đường tiểu ngạch (thương lái Trung Quốc vào Việt Nam thu gom, chủ yếu loại 15-25% tấm), từ đầu năm đến nay ước có khoảng 400.000 tấn.

Tuy nhiên, có một điều nghịch lý là dù hợp đồng xuất khẩu gạo đã liên tục tăng cao trong tháng 3, cộng thêm chính sách mua tạm trữ, nhưng giá lúa hàng hóa vẫn rớt mạnh, xuống mức thấp hơn cả khi chương trình mua tạm trữ mới bắt đầu. Cụ thể, theo các thương lái kinh doanh lúa gạo tại khu vực chợ Bà Đắc, huyện Cái Bè và khu vực xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, Tiền Giang, tại các tỉnh Đồng Tháp, Long An... giá lúa hiện chỉ còn dao động từ 4.000-4.200 đồng/ki lô gam (đối với lúa IR 50404 tươi) và 5.000-5.150 đồng/ki lô gam đối với lúa khô, giảm 200-400 đồng/ki lô gam so với mức giá tuần rồi.

Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh Kiên Giang có bốn doanh nghiệp được giao chỉ tiêu, đồng thời được hỗ trợ lãi suất mua 64 nghìn tấn gạo. Đến nay, các doanh nghiệp đã mua được hơn 50 nghìn tấn, chỉ tiêu mua tạm trữ còn khoảng 14 nghìn tấn. Trong khi đó, tỉnh Kiên Giang vừa thu hoạch dứt điểm 64.430 ha lúa mùa, với năng suất bình quân khoảng 4,27 tấn/ha và gần 285 nghìn ha lúa đông xuân với năng suất bình quân đạt tới 7,14 tấn/ha.

Như vậy, tổng sản lượng cả hai vụ mùa và đông xuân khoảng 2,3 triệu tấn, trong đó có khoảng một triệu tấn lúa hàng hoá. Công ty Du lịch-Thương mại Kiên Giang là một doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ lực của tỉnh. Đợt này, công ty chỉ được giao chỉ tiêu mua 24 nghìn tấn gạo, và đã mua được 20 nghìn tấn, với mức giá từ 7.000 đến 7.200 đồng/kg, tuỳ theo từng loại.

Theo ông Nguyễn Hùng Linh, Tổng giám đốc Công ty Du lịch-Thương mại Kiên Giang: “Tình hình xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn nên giá lúa ở mức hiện tại là phải. Thời gian tới tình hình xuất khẩu gạo lạc quan trở lại giá lúa sẽ dần tăng lên”.  “Nói thì nói dzậy” nhưng  có thể thấy, được hỗ trợ lãi suất ngân hàng, doanh nghiệp thì khoẻ, nhưng nông dân vẫn đứng ngồi không yên khi giá lúa vẫn nằm lì ở mức thấp.

Nhiều nông dân ở Kiên Giang than thở: “Lúa chín rục trên đồng mà không tìm được máy. Giá cắt tay lên đến 800 nghìn đồng/công, nhưng rất khó tìm. Tính cả tiền trâu kéo, phơi sấy, mỗi công mất hơn một triệu đồng. Giá lúa năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái, nên lợi nhuận giảm đáng kể. Nếu đất nhà thì còn lãi được khoảng 30%, còn nếu thuê để canh tác xem như huề vốn”.

Giải pháp mua tạm trữ xem ra không còn đủ sức để kích thích thị trường khi mà chỉ tiêu và nhu cầu có một khoảng chênh lệch quá lớn.

Trường Lưu

Đọc thêm