“Thứ nhất bóng lộ, thứ nhì khùng khùng, thứ ba phép thuật”

(PLO) - “Bây giờ ít có bộ phim gây “bão” dư luận. Mà thay vào đó quá nhiều sự nhàm, nhảm. Tại sao xã hội quá nhiều vấn đề nóng bỏng về xã hội, kinh tế, chính trị như: tham nhũng, đất đai, môi trường, chạy chức quyền… mà hầu hết các phim chỉ xoay quanh câu chuyện tình yêu?”. Đó là câu hỏi mà nhà biên kịch Trần Thùy Linh đặt ra với phóng viên mà cũng như tự vấn chính mình.
Một cảnh trong phim "Nếp nhà".
Một cảnh trong phim "Nếp nhà".
Trăn trở với nghề
Ăn vận đồ thể thao bon bon trên chiếc xe đạp địa hình, nom nhà biên kịch Trần Thùy Linh năng động và trẻ trung hơn tuổi ngoài 50 của mình rất nhiều. Tại quán nước bên hồ Tròn (làng Ngọc Hà), tác giả của các bộ phim nổi tiếng: “Mùa lá rụng”, “Những ngọn nến trong đêm”, “Ranh giới”, “Cảnh sát hình sự”, “Đường đời”, “Đất lành”, “Nếp nhà”, “Hai phía chân trời”… khoe khi xin nghỉ hưu sớm ở Hãng phim Truyền hình Việt Nam, chị thấy thanh thản, tự do và hạnh phúc. Chị có điều kiện tập khí công, đạp xe, dã ngoại, sống với con chữ mà mình quan tâm, yêu thích… 
Trần Thùy Linh được biết tới là biên kịch có nghề, sắc sảo và tinh tế. Là một người được đào tạo bài bản về an ninh nhưng chị lại được biết đến với tư cách là một nhà văn, nhà biên kịch gắn với những tác phẩm văn học, điện ảnh đã để lại dấu ấn đậm nét trong đời sống.
Nhà biên kịch Thùy Linh.
Nhà biên kịch Thùy Linh. 
Là người tâm huyết với phim truyền hình, khi nói đến chất lượng phim Việt Nam hiện nay, chị chợt trùng giọng. Theo chị,  bây giờ ít có bộ phim gây “bão” dư luận, mà thay vào đó, quá nhiều sự nhàm, nhảm. Tại sao xã hội quá nhiều vấn đề nóng bỏng về xã hội, kinh tế, chính trị như: tham nhũng, đất đai, môi trường, chạy chức quyền… mà hầu hết các phim chỉ xoay quanh câu chuyện tình yêu, tan vỡ? Ngay tính giải trí cũng chưa đáp ứng được bao nhiêu. 
Những bộ phim khơi gợi thiện tính, lạc quan, nhân văn, cao thượng dường như vẫn bị dòng phim mang nặng thị hiếu thị dân tầm thường, thời thượng có tính câu khách lấn át. Nhà biên kịch Trần Thùy Linh sợ những đề tài kiểu đó.
Công thức của phim nhảm Việt Nam: “Thứ nhất bóng lộ, thứ nhì khùng khùng, thứ ba phép thuật” để khái quát về những dạng phim làm lấy được. Kịch bản phim Việt Nam hiện nay lượng nhiều hơn chất. Các nhà biên kịch tâm huyết với nghề đếm trên đầu ngón tay. Ngay từ đầu vào Khoa Biên kịch (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh) chất lượng đã chưa bảo đảm. Các thí sinh thi vào trường như thi đại học, chưa có thi năng khiếu sáng tác. 
Sau khi ra trường, người thành công và theo đuổi nhiệt thành với nghiệp rất hiếm. Họ mới dừng lại ở mức coi đó là một nghề kiếm sống. Bởi đó là một nghề khó khăn, mệt mỏi và ít được sự trân trọng của những người trong nghề, chứ chưa nói đến xã hội. “Ở Việt Nam, nghề bán chữ là nghề rẻ nhất! Khi nào con chữ chưa được cư xử và tôn trọng đúng mức thì chưa hy vọng có một đội ngũ biên kịch lành nghề và những kịch bản có tính đột phá!” – nhà biên kịch Trần Thùy Linh trầm ngâm nói. 
Nguồn cơn của những kịch bản fast food
Nhiều người thắc mắc tại sao các chức danh trong một bộ phim đều được đánh giá qua các danh hiệu (dù rằng rất tượng trưng, tương đối) như Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, còn các nhà biên kịch thì không? Dân trong nghề còn quan niệm như vậy thì đừng hy vọng xã hội có cái nhìn đúng mức với nghề này. Không ai nghi ngờ vai trò của biên kịch với thành công của một bộ phim, nhưng dường như đánh giá nó trước sự tính toán, so đo với “cái tôi” sáng tạo của các chức danh khác thì thật khó khăn.
Phim hay thì tán thưởng đạo diễn, diễn viên, phim dở lập tức người ta truy đuổi nguồn gốc bắt đầu, tức là biên kịch. Câu chuyện muôn thuở chưa hề có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Nghề biên kịch chìm nghỉm trong lối suy nghĩ đó. 
Theo nhà biên kịch Thùy Linh thì ở nhiều nước, ví dụ bên Hàn Quốc, họ đặt những nhà biên kịch vào vị trí trang trọng, thậm chí còn hơn cả đạo diễn, diễn viên. Nhiều biên kịch có tên tuổi được quyền chọn lựa cuối cùng chức danh đạo diễn, diễn viên. Vì hơn ai hết, họ hiểu câu chuyện mà mình sáng tạo ra. Còn ở Việt Nam, danh phận thì “bỏ ngỏ” mà tiền tài thì cũng không hấp dẫn. 
Thu nhập của biên kịch thấp so với những gì họ bỏ công ra nên vừa viết xong kịch bản, ráo mồ hôi thì cũng ráo tiền. Có lẽ vì vậy, ít nhà biên kịch dám sống chết với nghề. Nhà đầu tư trả thấp thì họ phải viết nhanh để nhận kịch bản khác mà có tiền sinh sống. Đương nhiên họ sẽ sản sinh ra những kịch bản “fast food” (ăn nhanh). Điều này góp phần làm thụt lùi nền điện ảnh, truyền hình Việt. 
Với riêng nhà biên kịch Trần Thùy Linh, tạm xa Hãng phim Truyền hình Việt Nam, lui về “ở ẩn” không có nghĩa chị xa rời những trang giấy mà ngược lại, chị có thời gian suy nghĩ, đầu tư vào những trang viết khác mà chị yêu thích, cả những kịch bản có chiều sâu…