Triệu chứng nhận biết bệnh
Ung thư võng mạc hay còn gọi là u nguyên bào võng mạc (Retinoblastoma) là một bệnh mắt ác tính gặp ở trẻ nhỏ, không những phá huỷ chức năng thị giác của mắt bị bệnh mà còn có thể đe doạ đến tính mạng của bệnh nhân, đây là một bệnh rất nguy hiểm cũng như là một loại bệnh ung thư mắt phổ biến ở trẻ nhỏ. Bệnh gây ra do một khối u ác tính ở mắt và ảnh hưởng đến võng mạc, mô thần kinh mỏng ở sau mắt. Ung thư võng mạc có thể ảnh hưởng ở một hoặc cả hai mắt.
Theo thống kê của Mỹ, cứ 15.000 đến 30.000 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ bị bệnh này. Hầu hết bệnh xuất hiện ở một mắt (75%) nhưng có thể bị cả 2 mắt. Có 10% số bệnh nhân có tiền sử gia đình bị bệnh này. Ở Việt Nam, căn bệnh này trong tổng số ung thư trẻ em chiếm khoảng 3-3,7%.
Độ tuổi dưới 2 tuổi là độ tuổi dễ mắc phải căn bệnh này. Bệnh thường gặp ở trẻ em và 30% liên quan đến quá trình đột biến gen retinoblastoma-1 (RB1). Đột biến này có thể truyền từ cha mẹ sang con và dẫn đến ung thư võng mạc di truyền. Các đột biến mới có thể dẫn đến ung thư võng mạc ngẫu nhiên. Ung thư võng mạc di truyền có thể hình thành ở một hoặc cả hai mắt và thường xảy ra ở trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, hầu hết ung thư xảy ra ở một mắt thì không di truyền và thường xảy ra ở trẻ lớn hơn.
Ông Trần Văn Công, Trưởng khoa Nội Nhi, Bệnh viện K cho biết, trẻ em mắc bệnh này thường có ánh đồng tử trắng khi chụp ảnh ban đêm, dấu hiệu này rất dễ nhận thấy, cha mẹ chỉ cần chú ý quan sát các bức ảnh chụp ban đêm có dùng đèn flash là có thể nhận biết được. Dấu hiệu hay gặp thứ hai của bệnh là lác, mắt của trẻ không nhìn thẳng mà có thể lác vào trong hoặc ra ngoài. Ngoài ra, trẻ bị bệnh này có thể có biểu hiện mắt đau, đỏ, thị lực trở nên kém, lồi mắt, dị sắc mống mắt (màu sắc lòng đen hai mắt khác nhau), mắt giãn to….
Chị Lưu Thị Huế, sống tại Long Biên đang có con điều trị ung thư võng mạc tại Bệnh viện K, phát hiện bệnh cho con vào lúc hơn 5 tháng tuổi và lúc này khối u đã lan ra cả 2 mắt của cháu bé. Đáng tiếc nhất, khi đó cháu bé đã phải khoét bỏ một mắt ngay lập tức để giữ được tính mạng và mắt bên kia đang vẫn phải tiếp tục điều trị.
Sau 1 năm điều trị hóa chất tại Bệnh viện K, mỗi tháng 1 lần chị tiếp tục đưa con sang Bệnh viện Mắt TW để làm điều trị bằng phương pháp lạnh đông và laze. Bệnh có dấu hiệu không thuyên giảm nên các bác sỹ tiếp tục đưa bé về Bệnh viện K để tiếp tục điều trị phác đồ thứ hai. Sau khi truyền 6 lần hóa chất cũng như kết hợp với phương pháp lạnh đông, laze bên Bệnh viện Mắt TW tình hình của cháu bé đã có chuyển biến tốt và khối u đã teo nhỏ lại, chỉ còn phần chân khối u.
“Nhiều bệnh nhi khi đến khám khối u đã phát triển quá
lớn, ăn lan ra ngoài nhãn cầu xâm lấn dây thần kinh thị giác. Ðể bảo toàn tính mạng của trẻ, các bác sĩ phải tiến hành khoét bỏ nhãn cầu sau đó hóa trị, xạ trị đối với những trường hợp có xâm lấn. Một số trường hợp đến muộn hơn, khối u đã phá vỡ thành nhãn cầu thì tiến hành nạo vét tổ chức hốc mắt và xạ trị ngoài. Nơi di căn thường gặp nhất là hốc mắt, hệ thần kinh trung ương, xương sọ. Di căn đường máu có thể vào tới tủy xương và di căn đến các tạng là gan, thận” - bác sỹ Công nhấn mạnh.
Cách phòng tránh
Hiện nay, tại các bệnh viện chuyên khoa về mắt, việc điều trị ung thư võng mạc phụ thuộc vào việc một hay hai mắt bị ảnh hưởng và bệnh đã lan ra ngoài mắt hay chưa. Các phương pháp điều trị cho con bạn có thể bao gồm thủ thuật cắt bỏ (phẫu thuật loại bỏ cả con mắt) có thể được dùng, nếu con bạn chỉ có một mắt có khối u lớn, mắt sẽ bị loại bỏ nếu không thể bảo toàn được thị lực. Nếu khối u nhỏ, bác sĩ có thể dùng liệu pháp bức xạ tức là dùng tia X-quang năng lượng cao để phá hủy tế bào ung thư và thu nhỏ khối u.
Liệu pháp lạnh đó là dùng không khí cực lạnh để phá hủy tế bào ung thư. Phương pháp ngưng kết quang học: dùng tia laze để phá hủy mạch máu nuôi khối u. Nhiệt liệu pháp: dùng nhiệt để giết tế bào ung thư. Và liệu pháp hóa học, dùng thuốc để giết tế bào ung thư.
Theo ông Trần Văn Công, tại Bệnh viện K đang sử dụng 3 phương pháp chủ yếu, đó là hóa trị, phẫu thuật và sử dụng laze. Phương pháp xạ trị hiện nay gặp khó khăn trong việc áp dụng vì với trẻ nhỏ chưa có những khung cố định và việc gây mê cũng gặp nhiều khó khăn trong mỗi lần điều trị.
Ngoài ra, cách phòng ngừa tốt nhất là trong vòng ba năm đầu tiên phải đưa trẻ đến bệnh viện khám mắt định kỳ ít nhất 6 tháng/lần. Theo dõi sát đối với những gia đình có người bị ung thư. Theo dõi sát mắt thứ hai nếu mắt kia đã xác định là ung thư. Ngay cả ở nước ngoài khi khối u chuyển sang giai đoạn ba cũng phải múc bỏ mắt. Và do họ có bác sĩ gia đình và thực hiện tốt chế độ khám mắt định kỳ nên thường phát hiện bệnh sớm hơn ở Việt Nam, do đó có thể bảo tồn được mắt cho bệnh nhân.