Thu phí tự động không dừng lùi tới bao giờ?

(PLVN) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa xin Chính phủ lùi tiến độ hoàn thiện thu phí tự động không dừng (ETC) sang năm 2020. 
4/5 tuyến cao tốc do VEC quản lý chưa triển khai ETC do thiếu vốn?

Lo ngại về tiến độ dự án

Hệ thống ETC tại các trạm BOT do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền được chia làm 2 dự án. Dự án giai đoạn 1 có 44 trạm, gồm 26 trạm trên QL1 và QL14  và  18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án. Đối với 5 tuyến cao tốc do VEC quản lý, chỉ có một tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang lắp đặt thiết bị, dự kiến vận hành trong năm 2019. Bốn tuyến còn lại chưa thể triển khai thực hiện do vướng mắc về nguồn vốn.

Giai đoạn 2 của dự án có tổng số 33 trạm, bao gồm 10 trạm trên QL1 và QL14 và 23 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác. Dự án đã lựa chọn được liên danh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty CP Vietinf và một số doanh nghiệp công nghệ thực hiện.

ETC là chủ trương lớn của Chính phủ, giúp minh bạch doanh thu BOT, chống tiêu cực, thuận tiện cho người sử dụng. Bộ GTVT là đơn vị được Chính phủ giao thực hiện. Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm nay khi thực hiện dự án, Bộ GTVT luôn tỏ ra chậm trễ dẫn đến tiến độ thực hiện không đảm bảo thời gian đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2017, Thủ tướng giao Bộ GTVT phải thực hiện ETC tại các trạm trên toàn bộ quốc lộ 1 (QL1), đường Hồ Chí Minh (QL14) trong năm 2018 và các trạm thu phí khác trong năm 2019. Tuy nhiên đến nay, riêng các trạm trên QL1 và QL14 cũng chưa được Bộ GTVT lắp đặt đầy đủ. Tức đã chậm quá 1 năm so với yêu cầu của Thủ tướng. Trong báo cáo về tình hình thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng ngày 14/11 vừa qua, Bộ này thừa nhận mới đang lắp đặt và vận hành 25/26 trạm trên QL1 và QL14.

Mới đây, Bộ GTVT vừa gửi văn bản lên Chính phủ kiến nghị gia hạn tiến độ thực hiện dự án ETC đoạn 2 và các trạm của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sang năm 2020, trong khi đáng ra phải hoàn thành trước ngày 31/12/2019. 

Trước thời điểm Bộ GTVT đưa kiến nghị gia hạn này, nhiều người đã nhận định Bộ GTVT chắc chắn không thể hoàn thành lắp đặt ETC trong năm 2019 khi khối lượng công việc còn rất ngổn ngang, nhà đầu tư BOT thì lưỡng lự hoặc thực hiện với thái độ khiên cưỡng. 

Việc xin lùi thời hạn hoàn thành ETC đến năm 2020, nhưng thời gian cụ thể hoàn thành dự án ETC cũng chưa được Bộ này chắc chắn. Trong khi đó, đối với giai đoạn 2 dự án, qua đấu thầu đã chọn được liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án từ tháng 5/2019. Tuy nhiên, sau 6 tháng nhà đầu tư chưa hoàn thiện thành lập doanh nghiệp dự án theo quy định.

Do vậy, dự án ETC giai đoạn 2 có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng. Bởi vậy, nhiều ý kiến lo lắng chưa có cơ sở để Bộ GTVT có thể chắc chắn hoàn thành dự án trong năm 2020 hay đến hết thời điểm đó lại xin lùi? 

Chưa biết được lùi hay không

Bộ GTVT cho biết, với những trạm ETC đã hoàn thành, vướng mắc lớn nhất hiện nay là doanh thu hoàn vốn cho dự án không như dự kiến ban đầu do tiến độ ký hợp đồng dịch vụ, trích doanh thu chậm. 

Ngoài ra, việc nhiều dự án BOT sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu cũng ảnh hưởng đến nguồn thu của dự án ETC. Số lượng phương tiện dán thẻ và nộp tiền vào tài khoản giao thông để tham gia dịch vụ ETC chưa cao, đến nay chỉ có khoảng 800.000 thẻ/3,5 triệu phương tiện dán thẻ sử dụng dịch vụ. 

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc xin Chính phủ lùi thời hạn hoàn thành ETC sang năm 2020 đã được Vụ Đối tác công - tư (PPP) tham mưu cho Bộ GTVT. Đến thời điểm hiện nay, Chính phủ có đồng ý cho lùi hay không vẫn chưa biết. 

Nói về điều này, ông Nguyễn Viết Huy - Phó Vụ trưởng Vụ PPP cho biết thêm, khả năng tuần tới, Chính phủ sẽ họp, sau đó mới biết có đồng ý hay không. Cũng theo ông Huy, vướng mắc lớn nhất của việc chậm ETC là các khó khăn ở VEC và giai đoạn 2 của dự án. “Sang năm, tôi tin sẽ hoàn thành ETC vì các khó khăn cơ bản đã được giải”, ông Huy khẳng định.

VIDIFI khuyên dùng ví điện tử khi áp dụng ETC

“Ông Trần Anh Tú - Tổng Giám đốc VIDIFI (nhà đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng) cho biết, ETC giúp minh bạch hóa doanh thu; việc quản trị đối với doanh nghiệp cũng thuận tiện, giảm được nhân lực, tiền lương, lại không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, để dự án thành công, ngoài sự đồng thuận của các nhà đầu tư, Bộ GTVT nên chọn hình thức thanh toán tiện dụng để người dân dễ sử dụng như ví điện tử. Với cách này, số dư trong ví vừa sinh lãi, đi qua các trạm BOT vẫn trừ được tiền. Ngoài ra nên có chế độ khuyến mại, giảm giá để khuyến khích người dân sử dụng. Sau khi thực hiện những giải pháp trên, cũng nên có chế tài đủ mạnh xử lý với những trường hợp không sử dụng ETC”.

Đọc thêm