Làm rõ trách nhiệm quản lý về xuất, nhập cảnh
Mở đầu tuần làm việc thứ hai diễn ra từ 28/10 đến 1/11, trong ngày 28/10, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Đây là hai dự án Luật đã được QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến sẽ được biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp này. Trong đó, dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh thu hút sự chú ý.
Theo báo cáo của Bộ Công an, số lượt công dân Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài ngày càng tăng, năm 2007 là 1,9 triệu nhưng đến năm 2018 là 9,6 triệu lượt.
Theo cơ quan soạn thảo, việc xây dựng dự án luật này là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý trong thu thập thông tin, dữ liệu, cấp, quản lý và sử dụng hộ chiếu điện tử; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong xuất cảnh, nhập cảnh, đặc biệt là việc áp dụng hệ thống kiểm soát xuất nhập cảnh tự động, các nước có chính sách ưu tiên trong cấp thị thực với người sử dụng hộ chiếu điện tử.
Một số vấn đề tiếp tục được xin ý kiến của các đại biểu QH tại kỳ họp này như về đối tượng cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh; thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh; quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam bảo đảm tính kết nối, liên thông, tránh trùng lặp…
Cũng trong tuần này, QH dự kiến dành 2,5 ngày (từ sáng 30/10 đến hết sáng 1/11) để thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển KTXH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; đề án tổng thể phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Cuối phiên thảo luận, thành viên Chính phủ sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu.
Cần đánh giá ảnh hưởng của việc “lùi thu”
Trong tuần làm việc thứ hai, các đại biểu QH cũng sẽ thảo luận về việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.
Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật Khoáng sản có hiệu lực từ 1/7/2011 và Luật Tài nguyên nước có hiệu lực từ 1/1/2013 đều quy định về thu tiền cấp quyền khai thác đối với các loại khoáng sản và tài nguyên nước, nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả các loại khoáng sản và tài nguyên nước phục vụ nhu cầu phát triển KTXH và đời sống nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, xã hội và tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, đến 28/11/2013, Chính phủ mới ban hành Nghị định 203/2013/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực thi thành từ 20/1/2014, chậm hơn 2 năm 6 tháng. Đến 17/7/2017, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước có hiệu lực thi hành từ 1/9/2017, chậm 4 năm 8 tháng.
Việc chậm ban hành các Nghị định hướng dẫn nêu trên đã làm cho các tổ chức, cá nhân phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước không có cơ sở thực hiện nghĩa vụ nộp tiền; các cơ quan quản lý nhà nước cũng không thu số tiền phải nộp (số tiền dự tính khoảng gần 5.000 tỷ).
Đến nay, Chính phủ cho rằng việc triển khai thu đối với số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước nêu trên là không khả thi, có nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, Chính phủ kiến nghị QH cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ thời điểm Luật có hiệu lực đến thời điểm Nghị định có hiệu lực.
Thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đồng ý với đề xuất. Song một số ý kiến không tán thành việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước, cho rằng sẽ tạo tiền lệ xấu trong thực thi pháp luật, làm hụt một khoản thu lớn, trong khi ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung nội dung đánh giá việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước ảnh hưởng như thế nào đến việc thu ngân sách nhà nước.