Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung: Muốn phát triển ngành hàng trái cây Việt Nam thì phải trung thực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) luôn đề cao vấn đề trung thực về mã số vùng trồng và cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp liên quan đến tính bền vững của xuất khẩu trái cây.
Để giữ vững thị trường xuất khẩu trái cây cần tuân thủ mã số vùng trồng. (Ảnh minh họa: Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Để giữ vững thị trường xuất khẩu trái cây cần tuân thủ mã số vùng trồng. (Ảnh minh họa: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Trung thực để giữ “khách hàng”

Hiện nay, mỗi năm Việt Nam sản xuất được 12 - 14 triệu tấn trái cây trên khoảng 1,1 triệu ha diện tích trồng, chủ yếu là các loại trái cây nhiệt đới. Trong đó phải kể đến như thanh long, xoài, vải, nhãn, sầu riêng, chôm chôm... đem lại giá trị cao.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, Bộ đã rất nỗ lực trong việc phối hợp với các Bộ, ngành khác cũng như chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đàm phán, xử lý các rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường. Đến nay, các thị trường chính, quan trọng như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... đều có sự hiện diện của trái cây Việt Nam, đặc biệt là những loại có diện tích và sản lượng lớn.

Bên cạnh sự quản lý sát sao, bài bản, đúng chiến lược của cơ quan quản lý là Bộ NN&PTNT, tất cả người dân, doanh nghiệp đều phải chung sức, đồng lòng thực hiện thì trái cây Việt Nam mới ngày càng mang lại giá trị lợi ích kinh tế cao, phát triển bền vững.

Để giữ được thị phần, hình ảnh của trái cây Việt Nam trên thị trường, ngoài các đơn vị của Bộ NN&PTNT thì các địa phương cũng phải vào cuộc một cách sâu sát, đi vào thực tế, tạo ra chuyển biến từ thực tế chứ không phải trên văn bản. Cụ thể là tuân thủ đúng các quy trình, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT để chỉ đạo người dân thực hiện theo, từ khâu chọn giống, thời vụ, chăm sóc cho đến khâu thu hoạch.

Một trong những điều kiện bắt buộc để có thể xuất khẩu trái cây đó là mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng nhưng đâu đó vẫn còn vấn đề và Bộ NN&PTNT liên tục đưa ra khuyến cáo.

Về chuyên môn, các đơn vị của Bộ như Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt liên tục phối hợp với cơ quan của nước nhập khẩu để kiểm tra, cùng với đó là đào tạo, hướng dẫn cho các địa phương để xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

"Đáng chú ý là sau khi được công nhận và cấp mã số, chúng ta phải duy trì được các điều kiện, quy định của nghị định thư để phát triển bền vững. Chúng ta phải trung thực về mã số vùng trồng, không thể mã số chỉ có 500 tấn nhưng lại cấp cho cả ngàn tấn. Làm như vậy, chỉ được lợi nhuận cho một số người nhưng kéo cả ngành hàng đi xuống. Khi xảy ra vấn đề, các nước nhập khẩu đóng cửa thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn, ảnh hưởng đến cả người dân, doanh nghiệp, kinh tế địa phương và cả hình ảnh của trái cây Việt Nam" - Thứ trưởng Trung nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa các địa phương cần quan tâm đó là khoanh vùng, đưa ra kế hoạch sản xuất phù hợp cho từng vùng, với từng mặt hàng có lợi thế. Ngoài ra, địa phương cũng cần liên hệ chặt chẽ với các địa phương có cửa khẩu để nắm bắt được thông tin, từ đó đưa ra được kế hoạch sản lượng phù hợp, tránh dư thừa.

Doanh nghiệp phải cạnh tranh lành mạnh, không hạ bệ nhau

Ở góc độ các doanh nghiệp - một phần của chuỗi giá trị, ông Hoàng Trung cho rằng, cần có sự liên kết chặt chẽ với người sản xuất, cụ thể hóa bằng những hợp đồng kinh doanh rõ ràng, tránh phá giá, bẻ kèo.

Bên cạnh đó, cũng cần có sự quan tâm, đầu tư về kỹ thuật, hỗ trợ về giá thu mua cho người nông dân. Cần có sự điều chỉnh phù hợp với thị trường để có thể chia sẻ lợi ích một cách hài hòa. Có như vậy mới tạo ra được những liên kết bền vững.

Giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý cũng phải có sự kết nối, có trách nhiệm tuân thủ các quy định về xuất khẩu, không được làm ăn gian dối, chạy theo số lượng. Các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm kết nối với nhau, có cạnh tranh nhưng phải lành mạnh, tránh tình trạng hạ bệ, chơi xấu lẫn nhau. Bên cạnh đó là liên hệ, hợp tác với các đối tác của nước nhập khẩu, tìm được bạn hàng tin cậy.

Ở quy mô lớn hơn, các hiệp hội ngành hàng trong thời gian tới phải nỗ lực tìm kiếm các thị trường tiềm năng, nhạy bén với những thay đổi về quy định để báo cáo, tham mưu cho các cơ quan quản lý. Một vai trò nữa của các hiệp hội là quy tụ các doanh nghiệp, chung tay hợp tác một cách chân thành vì lợi ích chung. Khi có được sự tổng hòa từ trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến người sản xuất thì chúng ta sẽ bảo đảm được ngành hàng phát triển bền vững, đem lại lợi nhuận cao.

Đọc thêm