Thu ngân sách tăng 15,3% so với cùng kỳ
Báo cáo của Tổng cục Thuế tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm và triển khai các nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng cuối năm 2024 vừa được tổ chức cuối tuần qua cho thấy, thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2024 do ngành Thuế quản lý ước đạt 865.350 tỷ đồng, bằng 58,2% so với dự toán pháp lệnh, vượt 15,3% so với cùng kỳ.
Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 29.692 tỷ đồng, bằng 64,5% so với dự toán, bằng 95,2% so với cùng kỳ; thu nội địa ước đạt 835.658 tỷ đồng, bằng 58% so với dự toán pháp lệnh, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Thu thuế, phí nội địa ước đạt 655.303 tỷ đồng, bằng 60,4% so với dự toán, tăng 12,1% so với cùng kỳ.
Có 12/21 khoản thu sắc thuế đạt trên 55% dự toán: Thuế TNDN ước đạt 68,9%; thuế TNCN ước đạt 61,9%; tiền thuê mặt đất mặt nước ước đạt 79,3%; Thu khác ngân sách ước đạt 63,4%; Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản ước đạt 77,8%...
Có 32/63 địa phương đạt trên 55% dự toán: Hải Phòng, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Hải Dương, Long An, Tiền Giang, Hưng Yên, Ninh Thuận, Nam Định, An Giang, Vĩnh Long, Hà Nội, Bắc Giang, Sóc Trăng, Phú Thọ, Bạc Liêu, Bến Tre, Đắk Lắk, Gia Lai, Lạng Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Bắc Ninh, Kiên Giang, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Cao Bằng, Quảng Trị.
Thanh tra kiểm tra, thu nợ thuế đạt thấp
Cũng theo Tổng cục Thuế, lũy kế đến cuối tháng 6/2024, toàn ngành Thuế đã ban hành 8.740 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế hoàn là 63.188 tỷ đồng, bằng 37% so với dự toán hoàn thuế GTGT năm 2024, bằng 103% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, một số Cục Thuế có số tiền giải quyết hoàn thuế lớn như: Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Bên cạnh đó, tổng số hồ sơ kiểm trước đang tiếp nhận, giải quyết hoàn thuế GTGT trên cả nước là 1.279 hồ sơ, tương ứng số thuế đề nghị hoàn 20.896 tỷ đồng.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, cơ quan thuế (CQT) các cấp đã thực hiện được 24.076 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 36,1% kế hoạch năm 2024 và bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2023; kiểm tra được 337.838 hồ sơ khai thuế tại CQT bằng 122,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 4.342 tỷ đồng, bằng 62,8% số tăng thu qua thanh tra kiểm tra.
Lũy kế 06 tháng đầu năm, thu hồi nợ thuế ước đạt 45.468 tỷ đồng, đạt 33% so với chỉ tiêu thu nợ năm 2024. Trong đó: Thu bằng biện pháp quản lý nợ thuế là 42.756 tỷ đồng; Thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 2.712 tỷ đồng.
Đồng thời, CQT các cấp đã ban hành 16.859 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh và đã thu hồi được 918,7 tỷ đồng nợ thuế của 1.482 người nộp thuế..
|
Đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách…
Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác thuế của toàn ngành trong 6 tháng đầu năm là rất ấn tượng và toàn diện, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn lưu ý, bối cảnh nền kinh tế còn đang phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức, nếu phân tích kỹ tình hình thu 6 tháng đầu năm thì số thu đạt khá chủ yếu tập trung vào các khoản thu như thu thuế TNDN, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước, lợi nhuận chênh lệch của các công ty xổ số.
Bên cạnh đó, những tháng cuối năm, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ban hành thêm các giải pháp hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, khôi phục đà tăng trưởng nền kinh tế, trước mắt có thể tiếp tục làm giảm thu ngân sách tại nhiều địa phương, tạo áp lực lớn trong việc triển khai nhiệm vụ thu ngân sách tại nhiều địa phương, đặc biệt là những địa phương có tiến độ thu 6 tháng đầu năm đạt thấp, những địa phương mà nguồn thu trọng điểm là động lực tăng trưởng của năm trước, năm nay không còn và chưa có dấu hiệu hồi phục.
Cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ và giải pháp mà Tổng cục Thuế đã đề ra, theo Thứ trưởng, để hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024 đòi hỏi toàn ngành Thuế phải đặt quyết tâm cao, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2024.
Thứ trưởng lưu ý, CQT các cấp phải theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu tại từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế để kịp thời có các giải pháp quản lý hiệu quả; kiến nghị với UBND các cấp chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp với CQT để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách…
Thứ trưởng đặc biệt lưu ý, tiến độ thanh tra, kiểm tra 6 tháng đầu năm 2024 của ngành Thuế đạt thấp so với kế hoạch năm và thấp hơn so cùng kỳ năm 2023.
Do đó, Tổng cục Thuế cần chỉ đạo CQT các cấp tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kiểm tra bảo đảm hiệu quả cả về số lượng và chất lượng thanh tra; tập trung thanh tra, kiểm tra chống thất thu đối với các DN thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao, các DN được hưởng ưu đãi, miễn giảm; DN có giao dịch liên kết, DN có giao dịch liên quan đến thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, các giao dịch đáng ngờ....
Thứ trưởng cũng yêu cầu ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; đẩy mạnh hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thuế (QLT) ở tất cả các khâu; mở rộng, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý...
Tăng cường trao đổi thông tin, cập nhật tin tức, kinh nghiệm QLT của các nước, khu vực trên thế giới, trong đó có các giải pháp về nâng cao hiệu quả công tác QLT, nhất là những lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mới, phức tạp…
Về công tác hoàn thiện thể chế, Tổng cục Thuế tập trung thực hiện triển khai chiến lược cải cách hệ thống thuế bao gồm việc tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách và công tác quản lý thuế.
|
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành |
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành đề nghị trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, ngành Thuế cần khẩn trương rà soát, kiểm đếm các nhiệm vụ, đôn đốc sát sao, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện, đảm bảo kịp thời, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ.
Tổng cục trưởng đề nghị các đơn vị tập trung triển khai quyết liệt công tác thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách; triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chống gian lận, trốn thuế, mua bán hoá đơn bất hợp pháp; tăng cường công tác QLT đối với thương mại điện tử và triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Cùng với đó, tổ chức triển khai có hiệu quả, thiết thực các gói hỗ trợ đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua; tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, giải quyết hoàn thuế; tham mưu thực hiện tốt công tác hoàn thiện thể chế chính sách QLT, trước hết là 3 nghị định quan trọng: Nghị định sửa Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn chứng từ; Nghị định sửa Nghị định 132/2020/NĐ-CP về giao dịch liên kết; Nghị định về thuế tối thiểu toàn cầu; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tái cấu trúc hệ thống công nghệ thông tin…