Hội nghị còn có sự tham dự của bà Trần Thị Lệ Hoa, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực – Bộ Tư pháp; Đại diện nhà tài trợ TS. Catherine Phương, Trợ lý Giám đốc quốc gia Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cùng lãnh đạo Sở Tư pháp 17 tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Người dân đồng thuận với những quy định “đột phá” về hộ tịch
Luật Hộ tịch được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, ngày 20/11/2014, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2016 được các ngành, các cấp tổ chức triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả.
Theo báo cáo, qua 3 năm triển khai Luật Hộ tịch và các nhiệm vụ có liên quan công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng kịp thời yêu cầu đăng ký hộ tịch, được người dân, cơ quan tổ chức đánh giá cao. Công tác này từng bước đi vào nề nếp, chuyên nghiệp. Đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch từ trung ương đến cấp xã được củng cố kiện toàn. Phần lớn các quy định pháp luật hiện hành có liên quan đến lĩnh vực hộ tịch cơ bản đều phù hợp với quy định của Luật Hộ tịch. Với chức năng quản lý nhà nước, hướng dẫn nghiệp vụ, Bộ Tư pháp thường xuyên, tích cực trao đổi với các bộ, ngành liên quan và một số Cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam về các vướng mắc thực tiễn. Đồng thời, triển khai thực hiện các thủ tục đăng ký hộ tịch, kịp thời tháo gỡ cho địa phương, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Nhằm chuẩn hóa, nâng cao năng lực của công chức làm công tác hộ tịch, Bộ Tư pháp đã phê duyệt khung, xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch. Tổ chức 7 lớp tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ hộ tịch nhằm chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện Luật Hộ tịch giải đáp, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc. Bảo đảm 100% công chức làm công tác hộ tịch được chuẩn hóa về chuyên môn nghiệp vụ đến năm 2020. Pháp luật hộ tịch với các quy định mới, có tính “đột phá”, cải cách về thủ tục hành chính góp phần tăng cường khả năng tiếp cận của người dân. Đồng thời, bảo đảm quyền nhân thân quan trọng của cá nhân, bảo đảm sự bình đẳng, chống phân biệt đối xử. Đặc biệt, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho “nhóm người yếu thế”. Tại địa phương, UBND các cấp đã quan tâm đến việc bố trí công chức có chất lượng, trình độ, đủ tiêu chuẩn để đảm nhiệm công tác đăng ký hộ tịch. Bên cạnh đó, không nghừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về hộ tịch.
Thứ trưởng yêu cầu, cần quan tâm đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội như phụ nữ, trẻ em, người di cư phía Nam. Đồng thời, cần triển khai đồng bộ Luật Hộ tịch trong cả nước. Vấn đề hộ tịch là vấn đề gắn liền với quyền lợi con người. |
Quan tâm đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội
Với những kết quả đạt được trong 3 năm triển khai thi hành, Luật Hộ tịch đã khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hộ tịch đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Kết quả đó có sự đóng góp của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, trong đó có đội ngũ làm công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từ Trung ương đến địa phương.
Hội nghị đã trao đổi, thảo luận về những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ như: Đảm bảo quyền lợi cho các nhóm yếu thế trong xã hội, phụ nữ trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, trẻ em là con của công dân Việt Nam và người nước ngoài, quản lý hộ tịch với người di cư tự do, việc phối hợp với các đơn vị như Công an…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận và biểu dương các kết quả đã đạt được đồng thời bày tỏ sự đồng thuận với những ý kiến trao đổi của đại biểu. Theo đó, Thứ trưởng đánh giá: “Sau 3 năm thực hiện cho thấy rõ sự chuyển biến tích cực. Mục tiêu quan trong của chúng ta là lợi ích cho người dân, giảm thủ tục hành chính, đề cao ứng dụng thông tin vào quản lý hộ tịch để luật Hộ tịch thật sự đi vào cuộc sống”.
Ngoài ra, Thứ trưởng còn lưu ý, người làm hộ tịch phải có tư duy, chiều sâu và có cái nhìn tổng thể, toàn diện. Đồng thời, cần nhìn ra được mục tiêu để phấn đấu thực hiện giúp đất nước phát triển. Đặc biệt, “cần phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân”, Thứ trưởng yêu cầu.