Thứ trưởng Công Thương: Đường dây 500kV giờ như 'tàu' chở hàng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những kết luận cuối cùng về Quy hoạch điện VIII đã được đưa ra, dự kiến sẽ  trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 4/2022. Quy hoạch này sẽ giảm quy mô đầu tư gần 2 triệu tỷ đồng, tiết kiệm tối đa khâu truyễn dẫn...
Ông Đặng Hoàng An cho rằng, việc truyền tải điện đi xa nên cần được hạn chế.
Ông Đặng Hoàng An cho rằng, việc truyền tải điện đi xa nên cần được hạn chế.

Báo cáo về dự thảo Quy hoạch điện VIII mới nhất, thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An - cho biết, so với các phương án đã trình trước đây, dự thảo lần này đã giảm triệt để phát thải khí CO2 do không phát triển các nhà máy nhiệt điện than trong thời kỳ quy hoạch. Thực hiện chuyển đổi nhiên liệu từ than sang biomass và amoniac, từ khí tự nhiên, LNG sang hydrogen.

Đặc biệt, cơ cấu nguồn điện và phân bổ không gian phát triển có nhiều thay đổi so với trước đây. Hệ số dự phòng trước đây là 1,93 thì bây giờ là 1,54, qua đó, sẽ tiết giảm vốn đầu tư xã hội. Trên cơ sở phân bổ vùng hợp lý hơn

Tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 dự kiến khoảng 146.000 MW, giảm khoảng 35.000 MW so với phương án đã trình ngày 26/3/2021.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá, đến nay, cơ bản các phương án tính toán đã tối ưu. Công suất cực đại dự kiến vào năm 2030 vào khoảng 93.000 MW.

Giảm quy mô đầu tư theo quy hoạch gần 2 triệu tỷ đồng, trong đó giảm đầu tư công suất nguồn khoảng 35.000MW, giảm đầu tư hệ thống truyền tải gần 300 ngàn tỷ đồng. Nguồn điện được bố trí hài hoà, đảm bảo phát huy lợi thế từng vùng miền, tiết kiệm tối đa truyền dẫn.

Quy hoạch cũng đã đề ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí. Đến 2045, toàn hệ thống chỉ còn 9,6% điện than, trong khi điện gió, điện mặt trời chiếm 50,7%, đảm bảo các cam kết về chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường.

Trong đó, điện mặt trời cần giữ ở tỷ lệ phù hợp so với các nguồn điện khác. Lý do, theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là nhu cầu điện của nền kinh tế cao nhất không phải vào lúc có mặt trời mà vào khoảng 6-10 giờ tối, nên nếu không có các nguồn điện khác như thủy điện, nhiệt điện thì lúc đó không thể đáp ứng được nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt. Trong khi ban ngày, phát điện mặt trời thì các nguồn điện khác phải giảm công suất. Nếu tích điện mặt trời để phát vào ban đêm thì giá thành tăng gấp 3-4 lần.

Riêng về vấn đề lưới điện trong quy hoạch điện VIII, Thứ trưởng Đặng Hoàng An - cho rằng, đường dây 500 kV lẽ ra chỉ đóng vai trò liên kết hệ thống, nhưng bây giờ mang vai trò như "đoàn tàu" chở hàng.

“Nếu cứ tiếp tục dồn tải lên thì sẽ không thể nào tải được vì bị giới hạn bởi kích cỡ đường dây, ngoài ra còn có vấn đề ổn định hệ thống”, ông An nói và khẳng định “việc truyền tải điện đi xa là “chuyện cực chẳng đã”, hạn chế được thì tốt hơn”.

Theo chỉ đạo, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương tiếp thu tối đa các ý kiến dựa trên nguyên tắc chung, hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch Điện VIII để thông qua Hội đồng thẩm định quốc gia, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, phê duyệt trong tháng 4/2022.

Đọc thêm