Báo cáo tại Hội nghị, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên Hoàng Xuân Châu cho biết, ngay từ đầu năm, Trường đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ trọng tâm công tác và sớm xây dựng Kế hoạch công tác năm 2018 trình Bộ Tư pháp phê duyệt. Hiện nay, tổng số công chức, viên chức và người lao động thuộc Trường là 49 người. Trường đang tập trung tuyển sinh các hệ đào tạo, trong đó đã tuyển sinh 42 học sinh để đào tạo trung cấp luật, 77 học viên để đào tạo cử nhân luật, 69 học viên để đào tạo các chức danh tư pháp. Trường đang tổ chức đào tạo trung cấp luật cho 18 lớp với 413 học sinh, đã tổ chức thi tốt nghiệp cho 61 học sinh trung cấp Luật. Đặc biệt, Trường đã thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra từ đầu năm, đã hoàn thành 34/37 nhiệm vụ, đạt 92% và hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ nhiều nhiệm vụ phát sinh thêm.
Bên cạnh các kết quả đạt được, Lãnh đạo Trường cũng chỉ ra một số tồn tại như công tác chỉ đạo điều hành còn gặp nhiều khó khăn, một số nhiệm vụ công tác chưa được triển khai kịp thời. Công tác tuyển sinh hiện chưa đạt được kết quả rõ rệt, các dịch vụ học đường chưa phát triển. Công tác tư vấn pháp luật còn hạn chế, việc chuẩn hóa các quy trình quản lý trong nội bộ còn chậm và tính chuyên nghiệp của đội ngũ viên chức hành chính chưa cao, việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học chưa đạt kết quả như mong muốn.
|
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh và Hiệu trưởng Trường trung cấp Luật Thái Nguyên Hoàng Xuân Châu đồng chủ trì Hội nghị |
Sau khi nghe báo cáo cùng các ý kiến thảo luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh ghi nhận và biểu dương nỗ lực, cố gắng của nhà trường khi đã có nhiều hoạt động tập trung cho việc củng cố, xây dựng đội ngũ giáo viên, sắp xếp công việc phù hợp với năng lực và sở trường, phát huy tốt nhất khả năng của từng cá nhân. Bên cạnh việc đầu tư cho đội ngũ giáo viên, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học cũng được nhà trường quan tâm và có nhiều biện pháp triển khai thực hiện. Với nhiều hình thức, giải pháp phù hợp, 6 tháng đầu năm nhà trường đã và đang triển khai tuyển sinh và hứa hẹn đạt kết quả tích cực như kỳ vọng.
Thứ trưởng cũng biểu dương tập thể nhà trường khi là trường đầu tiên trong hệ thống các trường Trung cấp Luật thuộc Bộ có giáo viên trong biên chế đứng lớp giảng dạy. Đặc biệt, nhà trường đã triển khai xây dựng Đề án phương hướng, giải pháp phát triển đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, trong đó đã điều tra, khảo sát và xác định rõ nguồn tuyển sinh bền vững, các yêu cầu, giải pháp với công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng đội ngũ giáo viên, công tác tài chính…
Thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu nhà trường cần tiếp tục đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo hướng tới các kỹ năng thực hành nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu của hệ thống các cơ quan nhà nước, của các tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp ở Thái Nguyên và các vùng lân cận. Trường cần phát huy nội lực đồng thời tận dụng mọi thời cơ, mọi điều kiện, sự giúp đỡ, phối hợp của các Bộ, ngành, các cơ quan trung ương và địa phương trong công tác đào tạo.
Nhà trường cần đặt mục tiêu về chất lượng đào tạo lên hàng đầu, đảm bảo đội ngũ này sau khi ra trường đạt chuẩn về kiến thức, kỹ năng, thái độ, có đủ trình độ để tiếp thu những kiến thức mới, từng bước nâng cao tiếp cận trình độ của quốc gia và khu vực. Theo đó, Trường cần tích cực đổi mới mục tiêu chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá; đa dạng hóa các loại hình đào tạo; hoàn thiện hệ thống chương trình, học liệu; tăng cường đổi mới, cải tiến các hình thức tuyển sinh khác nhau, chú trọng nâng cao chất lượng đầu vào; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá về Trường để thu hút người học.
Thứ trưởng đề nghị Trường cần nâng cao toàn diện chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, coi đây là khâu có tính đột phá và có tính chiến lược, lâu dài. Tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ giáo viên, chuyên viên đảm bảo về số lượng, chất lượng, cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kiến thức thực tiễn, có phẩm chất đạo đức và lương tâm nghề nghiệp. Phấn đấu tăng tỉ lệ giảng viên có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, sẵn sàng chuẩn bị các cơ sở, điều kiện về nhân lực cần thiết cho việc nâng cấp trường lên hệ Cao đẳng. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc thu hút nhân tài và sử dụng nhân lực hiệu quả, có sự khen thưởng động viên kịp thời những cá nhân, đơn vị có thành tích. Cần tập trung xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; đảm bảo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chế độ đãi ngộ cho cán bộ, viên chức; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, giảng viên của Trường.
Trường cần rà soát, sửa đổi, hoàn thiện thể chế nội bộ, bổ sung các quy định liên quan đến nội quy, quy chế làm việc của Trường, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo về giáo dục nghề nghiệp của Bộ Tư pháp và Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội. Trường cần tập trung kiện toàn các vị trí viên chức quản lý các lĩnh vực quan trọng như đào tạo và công tác học sinh, tổ chức cán bộ; đồng thời chú trọng kỷ luật, kỷ cương trong công việc để tạo ra một bộ máy gọn nhẹ và một cơ chế làm việc hiệu quả hơn; chú trọng tinh thần đoàn kết nội bộ và tác phong làm việc chuyên nghiệp.
Cùng với đó, Thứ trưởng yêu cầu Trường cần chủ động rà soát, tổ chức thực hiện và giám sát, đánh giá để đảm bảo hoàn thành tất cả các nhiệm vụ đã đề ra trong Kế hoạch công tác năm 2018 và tiếp tục nghiên cứu thấu đáo và xây dựng kế hoạch hành động hướng tới tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên vào năm 2020. Đồng thời, cần có kế hoạch cụ thể nhằm đáp ứng các điều kiện cần thiết, chủ động xây dựng đề án thành lập Trường cao đẳng với lộ trình và những bước đi cụ thể, đảm bảo tính khả thi.
Trường cần tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết dứt điểm một số vấn đề. Trường cũng cần chủ động hoàn thiện hồ sơ, phối hợp với Cục Kế hoạch – Tài chính tiến hành quyết toán dự án đầu tư xây dựng cơ bản, khẩn trương nhận bàn giao và đưa vào sử dụng các công trình đã xây dựng hoàn thiện, có phương án khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, phục vụ nhiệm vụ chính trị cũng như đảm bảo đời sống, điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên.
“Trường cần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện bền vững trên cơ sở phát huy tinh thần dân chủ, ý thức tự giác của mỗi cán bộ, giảng viên và học sinh kết hợp với việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong mọi lĩnh vực hoạt động của nhà trường. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả điều hành, xử lý công việc một cách chuyên nghiệp, hiệu quả và chuẩn bị các điều kiện để tiến tới tự chủ vào năm 2020”, Thứ trưởng lưu ý thêm.