Ngày 8/11, tới thăm và làm việc với ngành Tư pháp tỉnh Điện Biên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng lưu ý, bên cạnh những nhiệm vụ “truyền thống”, ngành cần quan tâm đến những lĩnh vực công tác mới như bồi thường nhà nước, theo dõi thi hành pháp luật, lý lịch tư pháp…
37% xã có hai cán bộ Tư pháp – hộ tịch
Năm 2011 có thể nói là năm cả tư pháp và Thi hành án Điện Biên đều có những chuyển biến tích cực; đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm của ngành và của địa phương. “100% văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành đều qua thẩm định của ngành tư pháp, có văn bản thậm chí quay vòng nhiều lần, tư pháp chưa đồng ý, Ủy ban chưa thông qua. Khác với việc trước đây văn bản mười cái giống nhau cả mười, đều mờ nhạt và không có chính kiến”, Giám đốc Sở Tư pháp Lê Đình Thu vui mừng báo cáo với Thứ trưởng và Đoàn công tác.
Đối với tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn về trình độ dân trí, nhận thức pháp luật như Điện Biên thì công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý rất được xem trọng.
Ngành Tư pháp đã dành những ưu tiên nhất định cho công tác phổ biến pháp luật ở vùng sâu, xã, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần vào thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; vào việc ổn định tình hình ở những khu vực biên giới, vùng sâu được coi là “nhạy cảm”.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Tư pháp Điện Biên Lê Đình Thu cũng cho biết khó khăn nhất hiện nay cán bộ ngành Tư pháp tỉnh vẫn rất thiếu. “Nhiều đơn vị cấp phòng của Sở hiện chỉ có hai cán bộ, cấp huyện 3- 4 cán bộ/phòng. Riêng cấp xã có 153 công chức tư pháp- hộ tịch, trong đó có 41/112 xã có hai công chức tư pháp – hộ tịch, chiếm tỷ lệ 37%”, chế độ đãi ngộ cho cán bộ công chức còn nhiều hạn chế nên chưa thu hút được người có trình độ vào làm việc trong cơ quan tư pháp.
Án tồn đọng kinh niên là ma túy
Chung khó khăn với tư pháp về công tác cán bộ, Cục trưởng THADS Lường Văn Sương cho biết, tổng biên chế được giao toàn ngành là 108 người (trong đó có 31 chấp hành viên) hiện có 103, như vậy vẫn thiếu.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đó, năm 2011 toàn ngành đã thi hành đạt tỷ lệ 94% cả về việc và tiền.
Tuy nhiên, hiện nay theo thống kê số lượng án tồn đọng của toàn tỉnh vẫn còn đến hơn 800 việc với số tiền trên 12 tỷ đồng. Đáng lo nhất, theo Cục trưởng Sương là phần lớn án thụ lý giải quyết là về ma túy, người phải THA chủ yếu là người nghiện ma túy không có điều kiện để THA…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành Tư pháp đã đạt được, đồng thời lưu ý, bên cạnh những nhiệm vụ “truyền thống”, ngành cần quan tâm đến những lĩnh vực công tác mới. Về biên chế cho cơ quan tư pháp, Thứ trưởng sẽ làm việc với tỉnh để tháo gỡ vấn đề này.
Trước đó, tại hội nghị thi đua tư pháp các tỉnh miền núi phía Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng Thị Hoa cũng đã đánh giá cao những đóng góp của ngành tư pháp trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Thu Hằng