Đến dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cùng nguyên lãnh đạo một số bộ, ngành, đại diện nhiều cơ quan quản lý nhà nước và đông đảo các chuyên gia công nghệ, kinh tế, tài chính, pháp lý.
Không phải sự kiện quảng bá, truyền thông cho tiền ảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng tài sản ảo, tiền ảo là vấn đề mới, khó, đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các quốc gia, các tổ chức quốc tế nói chung, của Việt Nam nói riêng, hiện có nhiều hướng tiếp cận, cách hiểu khác nhau dưới nhiều góc độ. Cách ứng xử, khung pháp lý điều chỉnh của nhiều quốc gia về vấn đề này cũng khác nhau.
“Nhưng dù tiếp cận dưới góc độ nào thì mục đích cuối cùng vẫn phải là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan và phòng chống được các rủi ro cho xã hội, người dân” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các hoạt động quản lý liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo và hoàn thiện khung pháp lý quản lý tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử, Bộ Tư pháp đã rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế.
Vì vậy, Hội thảo chính là diễn đàn khoa học để các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, các đại biểu lắng nghe ý kiến của các chuyên gia quốc tế, đặc biệt là về các vấn đề pháp lý đặt ra. Bộ trưởng khẳng định: “Hội thảo không phải là sự kiện quảng bá, truyền thông hay vì các mục đích khác có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo”.
Được biết Hội thảo nhận được sự quan tâm rất lớn của các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín trong và ngoài nước, các nhà quản lý, hoạt động thực tiễn với lịch trình 6 phiên trao đổi, thảo luận, Bộ trưởng đề nghị các diễn giả trình bày đi thẳng vào vấn đề, bảo đảm bên cạnh các yếu tố về kinh tế thì trọng tâm phải là kinh nghiệm quốc tế, giải pháp xử lý vấn đề.
3 xu hướng tiếp cận tiền ảo
Báo cáo tại Hội thảo cho thấy: Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, nhóm chuyên gia của Bộ Tư pháp đã nghiên cứu kinh nghiệm một số nước và quốc tế về tài sản ảo, tiền ảo, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tế của Việt Nam về tài sản ảo, tiền ảo để nhận diện vấn đề, để đề xuất định hướng xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy còn nhiều vấn đề phức tạp về tài sản ảo, tiền ảo mong muốn được các đại biểu tham dự Hội thảo chia sẻ thêm.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nêu đó là sự chưa thống nhất quan niệm về tài sản ảo, tiền ảo, cả nội hàm lẫn ngoại diện, trong khi thực tế đã và đang tạo ra nhiều loại sản phẩm phi truyền thống khác nhau bởi những công nghệ khác nhau và được sử dụng vào các mục đích khác nhau.
Dẫn chứng những quan niệm rất khác nhau về tài sản ảo, tiền ảo của một số quốc gia, tổ chức như Cộng đồng chung châu Âu, Hoa Kỳ…, Thứ trưởng nhận thấy thuật ngữ thường sử dụng hiện nay là tài sản mã hóa, tiền mã hóa, chỉ tất cả những sản phẩm phi truyền thống được tạo ra bằng công nghệ (trong đó, phổ biến nhất là công nghệ blockchain).
Không những thế, cách tiếp cận, chính sách pháp luật của một số nước cũng rất khác nhau. Qua nghiên cứu bước đầu có 3 xu hướng là thả nổi, chưa quản lý, mặc dù có khuyến cáo những rủi ro liên quan; không thừa nhận và cấm sử dụng, giao dịch; cho phép sử dụng, giao dịch, đồng thời hướng dẫn các vấn đề liên quan và quản lý chặt chẽ khâu trung gian như sàn giao dịch, doanh nghiệp.
Riêng với xu hướng thứ 3, nếu thỏa mãn các điều kiện thì quản lý như chứng khoán, xem là một loại hàng hóa, dịch vụ để đánh thuế hàng hóa (như kinh nghiệm của Singapore); coi tương tự như một phương tiện thanh toán, không đánh thuế VAT, thuế hàng hóa (như một số nước EU, Nhật Bản...).
Qua rà soát hệ thống pháp luật Việt Nam, cũng có một số đánh giá ban đầu. Cụ thể, tài sản ảo, tiền ảo hay tài sản mã hóa, tiền mã hóa chưa được ghi nhận chính thức trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào tại Việt Nam. Khái niệm tài sản tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 được tiếp cận theo cách truyền thống, có bao trùm tài sản ảo, tiền ảo hay không còn đang có quan niệm khác nhau.
Dưới góc độ ngân hàng, ngoại hối, tài sản mã hóa, tiền mã hóa không phải là tiền pháp định, không phải ngoại hối, không phải phương tiện thanh toán. Nghị định 101/2012/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2016) quy định tài sản ảo, tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán, việc sử dụng tài sản ảo, tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý theo pháp luật hành chính hoặc pháp luật hình sự…
Theo Thứ trưởng Hiếu, dù thực tế khung pháp lý chưa đầy đủ, rõ ràng nhưng tài sản ảo, tiền ảo vẫn được giao dịch dưới nhiều hình thức khác nhau với nhiều người tham gia giao dịch, đầu tư, kinh doanh; thậm chí đã xuất hiện nhiều vụ việc lừa đảo gây mất trật tự an toàn xã hội.
Bởi thế, Hội thảo là diễn đàn để các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cùng nhau lắng nghe, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, đặc biệt là góc độ pháp lý, để trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu có chọn lọc, hoàn thiện Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.
Các chuyên gia tại Hội thảo đã cung cấp thêm thông tin, quy định pháp luật kinh nghiệm quốc tế về quản lý tài sản ảo, tiền ảo, đánh giá các mặt tích cực, tiêu cực, gợi mở giải pháp phát huy mặt tích cực, giảm thiểu mặt tiêu cực của vấn đề này để làm tiền đề nghiên cứu, đề xuất chính sách, xây dựng khung khổ pháp luật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ an ninh quốc phòng, phòng chống rửa tiền, lừa đảo, trốn thuế.