Áp dụng tùy tiện do TTHC quy định chưa rõ
Cụ thể, về thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế, khoản 1, Điều 66 Luật THADS quy định: “Chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án”.
Tuy nhiên như thế nào là “áp dụng ngay” thì chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc áp dụng trên thực tế phụ thuộc vào cách hiểu của Chấp hành viên. Hầu hết các cơ quan THADS đề xuất áp dụng biện pháp bảo đảm trong thời gian 24 tiếng đồng hồ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án và không cần phải xác định rõ số tiền trong tài khoản cần phong tỏa như quy định tại khoản 2, Điều 67 Luật THADS. Tuy nhiên, đó cũng chưa thực sự là giải pháp khả thi, bảo đảm ngăn chặn việc tẩu tán đối với tài sản là tiền trong tài khoản, nhất là trong thời đại các giao dịch tài khoản bằng con đường điện tử ngày càng trở nên thông dụng.
Xung quanh vấn đề này còn có đề xuất xây dựng cơ chế phong tỏa tự động đối với tài khoản của đương sự mà không cần đề nghị từ phía cơ quan THADS và nếu theo đề xuất này thì không cần thiết duy trì thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm để đề nghị phong tỏa tài khoản như hiện nay nữa. Do đó, đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, để sớm có giải pháp phù hợp, tháo gỡ vướng mắc cho cơ quan THADS.
Ngoài ra, thủ tục đề nghị ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung hiện nay cũng chưa được quy định rõ ràng.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS: “Trước khi bán tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sở hữu chung mà có nhiều chủ sở hữu chung đề nghị mua phần tài sản của người phải thi hành án theo giá đã định thì Chấp hành viên thông báo cho các chủ sở hữu chung đó thỏa thuận người được quyền mua. Nếu không thỏa thuận được thì mua Chấp hành viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người được mua tài sản bán đấu giá”.
Nếu trên thực tế phát sinh trường hợp nhiều sở hữu chung có đề nghị ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án thì chỉ quy định như trên thời gian giải quyết vụ việc có nguy cơ bị kéo dài, khó xác định thời hạn hoàn thành. Do đó, quy định này cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng xác định rõ thời hạn để Chấp hành viên phải thực hiện việc “thông báo cho các chủ sở hữu chung đó thỏa thuận người được quyền mua”, thời hạn để Chấp hành viên “tổ chức bốc thăm” trong trường hợp không thỏa thuận được.
Một số quy định về trình tự, thủ tục không hợp lý
Theo Điều 4, Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 1/8/2016 Quy định một số vấn đề về thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong THADS: “Trường hợp người được thi hành án đề nghị áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV Luật THADS thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh”. Về nguyên tắc, ngay sau khi tiếp nhận đề nghị giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết phải phân công công chức, xử lý yêu cầu của cá nhân, tổ chức. Do đó, trong thời hạn 10 ngày, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh là khá dài, khoảng thời gian trống kể từ khi nhận được yêu cầu đến khi Chấp hành viên tiến hành xác minh theo quy định trên không thực sự cần thiết. Do đó, quy định này cần được nghiên cứu để rút ngắn thời hạn 10 ngày nêu trên sao cho hợp lý.
Liên quan tới thủ tục nhận tài sản đã kê biên để trừ vào tiền được thi hành án, khoản 2, Điều 104 Luật THADS quy định: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được thông báo về việc người được thi hành án đồng ý nhận tài sản để thi hành án, nếu người phải thi hành án không nộp đủ số tiền thi hành án và chi phí thi hành án để lấy lại tài sản đưa ra bán đấu giá thì Chấp hành viên giao tài sản cho người được thi hành án.”
Quy định trên tuy bảo đảm tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án nhưng lại làm kéo dài thời gian tổ chức thi hành án. Bởi theo quy định tại Khoản 5, Điều 101 Luật THADS: “Trước khi mở cuộc bán đấu giá 1 ngày làm việc, người phải thi hành án có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán đấu giá”.
Trường hợp tài sản được bán đấu giá thành thì người phải thi hành án cũng đã không còn cơ hội để lấy lại tài sản đưa ra bán đấu giá, vậy có thật sự cần thiết phải tiếp tục tạo cơ hội cho người phải thi hành án lấy lại tài sản đưa ra bán đấu giá trong trường hợp người được thi hành án đã đồng ý nhận tài sản để trừ vào tiền được thi hành án? Do đó, để rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án, nên chăng bỏ quy định tại khoản 2, Điều 104 Luật THADS về việc cho thời gian 30 ngày để người phải thi hành án lấy lại tài sản đưa ra bán đấu giá.