Thủ tục khởi kiện trong vụ Honda từ chối bảo hành

(PLO) -  "Người tiêu dùng cần thu thập chứng cứ để xác định điều kiện khởi kiện cũng như để chứng minh quyền khởi kiện đồng thời cũng để bảo vệ quyền và lợi ích trong quá trình tham gia tố tụng". Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty luật Đại Nam - Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết.
Chiếc xe Air Blade 125 bị Honda Việt Nam từ chối bảo hành.
Chiếc xe Air Blade 125 bị Honda Việt Nam từ chối bảo hành.
Xung quanh vụ việc Honda Việt Nam từ chối bảo hành xe chiếc xe Honda Air Blade 125 mang BKS 88G1 – 132.66 và người tiêu dùng tuyên bố sẽ khởi kiện ra tòa để đòi lại quyền lợi của mình theo đúng quy định. Báo Pháp luật Việt Nam đã có có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty luật Đại Nam - Đoàn Luật sư Hà Nội) về những thủ tục cần thiết khi người tiêu dùng tiến hành khởi kiện ra tòa.
- PV: Người tiêu dùng có thể khởi kiện doanh nghiệp ra tòa trong những trường hợp nào, thưa luật sư?
- Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Người tiêu dùng có thể khởi kiện doanh nghiệp ra tòa trong rất nhiều trường hợp; ví dụ như sản phẩm của doanh nghiệp không đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định (TCVN); chất lượng sản phẩm hoặc các dịch vụ khác của doanh nghiệp không đúng như doanh nghiệp công bố hoặc cam kết v v… 
Theo Điều 163 Bộ luật tố tụng Dân sự,  khi cá nhân, cơ quan, tổ chức nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì có quyền khởi kiện.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư Hà Nội)
 Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư Hà Nội)
- PV: Trong vụ việc người tiêu dùng tuyên bố sẽ khởi kiện đòi trách nhiệm bảo hành và bồi thường thiệt hại đối với Công ty Honda Việt Nam ra tòa như báo Pháp Luật Việt Nam đã thông tin thì người tiêu dùng cần hoàn thiện những thủ tục gì trước khi làm đơn khởi kiện?
- Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Người tiêu dùng cần thu thập chứng cứ để xác định điều kiện khởi kiện cũng như để chứng minh quyền khởi kiện đồng thời cũng để bảo vệ quyền và lợi ích trong quá trình tham gia tố tụng.
- PV: Thưa luật sư, nếu người tiêu dùng làm đơn khởi kiện Honda Việt Nam thì tòa án cấp nào có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết vụ việc?
- Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn có trụ sở giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. 
- PV: Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi này.
Liên quan đến nội dung vụ việc khách hàng tố Honda Việt Nam rũ bỏ trách nhiệm bảo hành xe như Báo Pháp Luật Việt Nam đã thông tin, anh Nguyễn Cao Cường, chồng của chị Nguyễn Thị Thu Hạnh ở xã Trung Mỹ (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) - người đứng tên đăng ký chiếc xe Honda Air Blade 125 mang biển số 88G1 – 132.66 cho biết đã làm đơn yêu cầu trả lời giải quyết khiếu nại bằng văn bản gửi đến phía Ban lãnh đạo Công ty Honda Việt Nam về lý do từ chối bảo hành xe và đến ngày 11/2/2015, phía Honda Việt Nam đã có thư trả lời qua đường bưu điện.
Trong thư trả lời gửi đến anh Nguyễn Cao Cường của Honda Việt Nam có thông báo dựa trên kết quả kiểm tra và yêu cầu giải quyết khiếu nại gửi đến phòng Quan hệ khách hàng, Honda Việt Nam "từ chối bảo hành với nguyên nhân nước vào động cơ do không thuộc phạm vi bảo hành của Honda Việt Nam".
Ngay sau khi nhận được thư trả lời của Honda Việt Nam, anh Nguyễn Cao Cường và gia đình khẳng định: "Lý do mà Honda Việt Nam đưa ra để từ chối bảo hành xe là không thuyết phục và thiếu tính khoa học". 
Do không đồng ý với câu trả lời, cách giải quyết và xử lý của Honda Việt Nam, anh Nguyễn Cao Cường cho biết đã tiến hành làm giấy ủy quyền tham gia tố tụng cho bố vợ là ông Nguyễn Duy Hùng nhằm chuẩn bị các bước cần thiết trước khi khởi kiện đòi trách nhiệm bảo hành và bồi thường thiệt hại đối với Công ty Honda Việt Nam ra tòa.
Quyền của người tiêu dùng
Điều 8 - Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng hiện hành quy định Người tiêu dùng có những quyền lợi sau:

1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

3. Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư:baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm