Thủ tục ly hôn với người nước ngoài

(PLO) -Tôi kết hôn với người quốc tịch Trung Quốc. Sau một thời gian chung sống không hợp nhau nên tôi muốn ly hôn. Nhưng hiện nay chồng tôi không ở Việt Nam. Vậy theo quy định pháp luật tôi cần làm những thủ tục gì?  

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì:

"1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

...."

 Với quy định trên thì bạn, chồng bạn hoặc cả hai vợ chồng bạn đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Theo đó, khi bạn muốn ly hôn thì bạn cần phải tuân thủ những quy định sau:

Tại Điều 56 Luật Hôn Nhân gia đình 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên thì:

"Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giài tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ cơ bản của vợ, chồng làm chị hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được."

Như vậy, để giải quyết yêu cầu ly hôn bạn cần đưa ra lý do chính đáng cho yêu cầu ly hôn đơn phương của mình. Tức là chứng minh được hôn nhân của bạn rơi vào tình trạng trầm trọng, mục đích của hôn nhân không đạt được. Nếu không chứng minh được thì Tòa án sẽ có cơ sở để bác đơn yêu cầu ly hôn. 

Đối với trường hợp trên, theo quy định tại Điều 127 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau:

"1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.

2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.

3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó."

 Căn cứ vào quy định trên thì việc ly hôn giữa công dân là người Việt Nam với người nước ngoài sẽ được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam theo quy định của luật này. Do đó với trường hợp của bạn thì việc bạn muốn đơn phương xin ly hôn khi chồng bạn là người nước ngoài sẽ được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của luật này.

 -Về thẩm quyền giải quyết ly hôn:

Theo quy định tại Điều 35 và Điều 37 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định như sau:

"Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện

1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;

b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;

c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.

2. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:

a) Yêu cầu về dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27 của Bộ luật này;

b) Yêu cầu về hôn nhân và gia đình quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29 của Bộ luật này;

c) Yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 31 của Bộ luật này;

d) Yêu cầu về lao động quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 33 của Bộ luật này.

3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam."

Tại Điều 37. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp Tỉnh

"1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;

b) Yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 27, 29, 31 và 33 của Bộ luật này, trừ những yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;

c) Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 của Bộ luật này.

2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 35 của Bộ luật này mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện."

Căn cứ vào hai Điều 35 và 37 Luật Hôn nhân gia đình trên thì hiện nay chồng bạn hiện nay không ở tại Việt Nam nên Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân Tỉnh nơi chồng bạn có hộ khẩu thường trú trước khi xuất cảnh./. 

Đọc thêm