Cụ thể, nội dung quy định tại Điều 4 của Nghị định số 62 về thời hiệu yêu cầu thi hành án cũng như hướng dẫn các trường hợp được coi là sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan còn có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau.
Trong thực tế, có vụ việc bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án quá thời hạn 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Lý do bên được thi hành án làm đơn quá thời hiệu bởi vì nhiều nguyên nhân như: Người đại diện hợp pháp của bên được thi hành bị bắt, bị khởi tố bị can, xem xét trách nhiệm hình sự; doanh nghiệp bị kiểm soát đặc biệt… Tuy nhiên, những yếu tố này không được hướng dẫn cụ thể, dẫn đến việc nhận thức và áp dụng pháp luật khác nhau trong vấn đề xác định yêu cầu thi hành án kể trên có được coi là do trở ngại khách quan hay không.
Một quy định khác mà các cơ quan THADS chưa áp dụng thống nhất là thủ tục thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án. Theo điểm b khoản 2 Điều 47 Luật THADS 2014: “Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án được thanh toán cho những người được thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó; số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán”.
Còn theo nội dung hướng dẫn tại Điều 49 Nghị định số 62 thì chấp hành viên xác định số tiền được thanh toán của những người được thi hành án đã yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế.
Trường hợp bản án, quyết định đang do Cơ quan THADS tổ chức thi hành xác định nhiều người được thi hành án nhưng chỉ một hoặc một số người yêu cầu mà tài sản của người phải thi hành án không đủ để thi hành nghĩa vụ tài sản theo bản án, quyết định thì Cơ quan THADS thanh toán cho người đã yêu cầu thi hành án theo tỷ lệ mà họ được nhận; số tiền còn lại gửi vào ngân hàng theo loại tiền gửi kỳ hạn 1 tháng, đồng thời thông báo và ấn định thời hạn không quá 1 tháng cho những người được thi hành án chưa yêu cầu về quyền yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp đã hết thời hiệu”. Hướng dẫn này không rõ ràng, dẫn đến 2 cách hiểu khác nhau.
Thứ nhất, hướng dẫn nêu trên chỉ áp dụng đối với trường hợp Cơ quan THADS đang tổ chức thi hành 1 bản án, quyết định của Tòa án. Trong nội dung 1 bản án, quyết định của Tòa án xác định nhiều người được thi hành án, tuy nhiên chỉ có một hoặc một số người được thi hành án có yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm Cơ quan THADS ra quyết định cưỡng chế đối với tài sản của người phải thi hành án.
Khi đó, sau khi xử lý tài sản, khoản tiền thi hành án nêu không đủ để thanh toán cho các nghĩa vụ của những người được thi hành án thì chấp hành viên xác định tỷ lệ được thanh toán của từng người; sau đó trả tiền trước cho những người đã có yêu cầu tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế. Khoản tiền của những người được thi hành án khác sẽ được gửi tiết kiệm ở ngân hàng theo kỳ hạn 1 tháng để thanh toán cho những người có yêu cầu sau.
Thứ hai, hướng dẫn trên có thể áp dụng cả với trường hợp Cơ quan THADS đang tổ chức thi hành nhiều bản án, quyết định của Tòa án; trong đó Cơ quan THADS đã ra quyết định cưỡng chế để tổ chức thi hành cho một hoặc một số bản án, quyết định của Tòa án trong số đó. Tính đến thời điểm ra quyết định cưỡng chế, Cơ quan THADS xác định có nhiều người được thi hành án theo nhiều bản án, quyết định khác nhau của Tòa án mà Cơ quan THADS đang tổ chức thi hành.
Tuy nhiên, trong số họ, chỉ có một số người có yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế. Do số tiền thi hành án không đủ để thanh toán, Cơ quan THADS xác định tỷ lệ số tiền được hưởng của tất cả những người được thi hành án theo các bản án, quyết định mà Cơ quan THADS đang tổ chức thi hành, sau đó thanh toán (trả trước) cho những người đã có yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế.
Với những vấn đề còn thiếu thống nhất trong nhận thức và áp dụng nêu trên, thời gian tới, Bộ Tư pháp cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội sửa đổi Luật THADS 2014 hoặc cần có hướng dẫn sớm những vấn đề cụ thể để áp dụng đồng bộ, hiệu quả.