Với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu bao gồm lãnh đạo các Bộ, Ngành TW, địa phương; Các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, ngân hàng trong và ngoài nước... Hội nghị diễn ra ngày 10.8 thành công với nhiều con số ấn tượng.
Cụ thể, trong 54 dự án lãnh đạo Cần Thơ mời gọi đầu tư tại hội nghị, có 44 dự án đã có nhà đầu tư quan tâm, 22 dự án sẵn sàng triển khai ngay nếu như các thủ tục pháp lý đáp ứng đầy đủ.
Cần Thơ có 412 dự án đang triển khai, tổng vốn đầu tư hơn 81.000 tỉ đồng. Trong đó có 76 dự án FDI với vốn đầu tư khoảng hơn 656 triệu USD. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP Cần Thơ liên tục được cải thiện qua các năm, năm 2017, Cần Thơ xếp hạng 10/63 tỉnh, thành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Cần Thơ cho hội nghị xúc tiến lần này và rất ấn tượng với con số 85.000 tỷ tổng vốn đầu tư đến từ hàng chục dự án trong nhiều lĩnh vực khác nhau như dịch vụ, du lịch, sản xuất kinh doanh, nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo, bất động sản…
Chưa được coi là thủ đô nhưng hơn 100 năm qua, Cần Thơ được người dân trong nước và Quốc tế xem như Tây đô của Việt Nam.
Với mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước khoảng 81 triệu đồng, sức mua của nền kinh tế thuộc top đầu; Doanh số bán hàng đứng thứ 3 trong top 5 thành phố lớn cả nước, Cần Thơ là đô thị trẻ năng động, giàu bản sắc, được thiên nhiên ưu đãi và có sức ảnh hưởng đến 12 tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL.
Thủ tướng định hướng phát triển Cần Thơ đến năm 2025 trở thành Trung tâm Công nghiệp, Thương mại, Dịch vụ, Du lịch, GD DT, KHCN, Y tế và Văn hóa của vùng DBSCL; Là đô thị cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mê Kông; Đầu mối quan trọng về GTVT nội vùng, liên vùng quốc tế và có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh.
Tiềm năng du lịch lớn nhưng chưa “níu” chân du khách
Đối với lĩnh vực du lịch, Thủ tướng cho rằng Cần Thơ là vùng đất có nhiều địa danh đặc sắc với 5,2 triệu lượt du khách ghé thăm, tăng 11% so với cùng kỳ. Dự kiến số lượng người đến Cần Thơ để đầu tư, làm ăn, du lịch sẽ tăng trên 8 triệu lượt người cuối 2018. Trong đó, khách lưu trú chỉ khoảng gần 2 triệu, tăng 15% so với cùng kỳ.
Dẫn lại câu ca: “Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về”, lãnh đạo Tập đoàn FLC bày tỏ, với tiềm năng như vậy nhưng số lượng khách lưu trú tại Cần Thơ còn hạn chế, thời gian lưu trú trung bình của du khách từ 1-2 ngày, mức chi tiêu trung bình khoảng 22 USD/ngày, thấp hơn nhiều so với trung bình cả nước. Một nguyên nhân lớn là Cần Thơ đang thiếu sản phẩm du lịch đa dạng, yếu về hạ tầng du lịch.
Để giữ chân du khách, bà Dung cho biết, với chủ trương phát triển chuỗi các quần thể du lịch nghỉ dưỡng trải dọc Việt Nam, cùng với sự ra đời của hãng hàng không Bamboo Airways dự kiến sẽ cất cánh vào tháng 10 năm 2018 này, nhận thấy Cần Thơ là điểm đến lý tưởng, Tập đoàn FLC sẽ đầu tư quần thể nghỉ dưỡng với quy mô lớn 1.600 ha. Đồng thời, cùng quan điểm với các nhà đầu tư, doanh nghiệp này mong muốn Chính phủ, Thủ tướng quan tâm, tạo nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để có thêm động lực cho Cần Thơ bứt phá mạnh mẽ.
Bà Hương Trần Kiều Dung – TGĐ Tập đoàn FLC ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư |
Trong thời gian tới, Tập đoàn FLC định hướng sẽ mở thêm các đường bay kết nối giữa TP. Cần Thơ với các tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là đến các tỉnh thành, nơi có các quần thể du lịch nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC.
Cần Thơ sẽ trở thành những Trung tâm Công nghệ, Chế biến và Logistic …
Hội nghị đi sâu vào một số nhóm nội dung trọng điểm tập trung vào các lĩnh vực Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, Công nghệ cao, KCN, Cụm công nghiệp, CNTT, Logistics và Năng lượng,…
Tại đây, các lãnh đạo, đại diện các cơ quan chức năng và nhà đầu tư đều mong muốn phát triển thành phố Cần Thơ theo hướng trở thành Trung tâm Dịch vụ-Nông nghiệp hiệu quả cao-Phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ. Ông Trương Gia Bình, CTHĐQT FPT phát biểu “Tây Đô sẽ có vị trí xứng đáng trên bản đồ công nghệ 4.0”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định Bộ sẽ hỗ trợ để “Cần Thơ trở thành Trung tâm Logistic, Trung tâm Công nghệ cao.”
Về năng lực sản xuất nông nghiệp và thủy sản, Thủ tướng cũng đánh giá “Cần Thơ là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, được phù sa Mê - Kông bồi đắp”, giúp cho lúa gạo, thủy sản, trái cây… đạt con số xuất khẩu cao. Để có thể đột phá hơn nữa, thành phố cần thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng công nghệ trong mọi lĩnh vực. Đặc biệt, “công nghệ giúp Cần Thơ trở thành Trung tâm Công nghiệp Chế biến của miền Tây chứ không chỉ phụ thuộc vào tự nhiên- Giá trị nằm ở chế biến chứ không phải là nguyên liệu.”
Cần Thơ cũng được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh xác định có vai trò quan trọng và đi đầu về phát triển dịch vụ logistics.
Năm 2030, Cần Thơ sẽ quy hoạch xong hệ thống cảng thủy nội địa phù hợp để không chỉ phục vụ thành phố mà còn đáp ứng nhu cầu của cả khu vực-Bộ trưởng chia sẻ thêm.
Bộ trưởng chỉ ra cần thu hút đầu tư xây dựng nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông, cảng biển, các trung tâm logistics và hạ tầng đồng bộ trên địa bàn TP. Cần Thơ. Đặc biệt tập trung xây dưng cảng quốc tế đủ tầm cỡ. Hoàn thành các tuyến cao tốc, nghiên cứu mở rộng đường bay của sân bay quốc tế Cần Thơ, rút ngắn khoảng cách di chuyển liên kết vùng.
Nhận định về phát triển hạ tầng, Thủ tướng nói “giao thông là huyết mạch của Cần Thơ, rất mừng là thời gian đi lại từ TP.HCM về tới Cần Thơ từ 180 phút xuống còn 90 phút. Sân bay Cần Thơ đạt tiêu chuẩn 4E, tiêu chuẩn quốc tế của ICAO có khả năng phục vụ trên 5 triệu lượt khách, vận chuyển 5000 tấn hàng mỗi năm, giữ vị trí quan trọng trong việc phát triển Kinh tế, Văn hóa – Xã hội của vùng ĐBSCL. “
Trước ý kiến của nhiều doanh nghiệp về phát triển hạ tầng giao thông, tầm quan trọng của Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Thủ tướng chỉ đạo cần có ngay các chuyến bay thẳng từ Cần Thơ đi các nước và các vùng của Việt Nam thông qua các hãng hàng không như Vietnam Airlines, VietJet, Bamboo Airways…
Vai trò của nhà đầu tư để thực hiện mục tiêu thành phố đáng sống
Tại hội nghị, lãnh đạo TP.Cần Thơ đã tổ chức tôn vinh các doanh nghiệp có đóng góp đầu tư tại địa phương và trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 doanh nghiệp với tổng giá trị gần 8.000 tỉ đồng và đã ký kết với 4 ngân hàng thương mại về tài trợ vốn. Đặc biệt, Cần Thơ cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 19 nhà đầu tư, tổng số vốn gần 85.000 tỉ đồng, trong đó Tập đoàn FLC đứng đầu danh sách này.
Thủ tướng yêu cầu, chính quyền Cần Thơ cần tăng cường “nói đi đôi với làm”, phát huy tinh thần “dám nghĩ dám làm”, năng động sáng tạo, quản lý tốt quy hoạch, tạo mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, phát huy vai trò chính quyền đối thoại để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.
Thủ tướng cũng cho rằng Cần Thơ đã thay dần lối sống nông nghiệp và gia tăng tầng lớp trung lưu mới nổi, làm tăng cao làm thay đổi cấu trúc tiêu dùng của xã hội đồng thời cam kết Chính phủ sẽ tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư chuẩn mực khi đầu tư trong và ngoài nước.