Cơ hội đầu tư vào Lạng Sơn
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nền kinh tế nước ta phát triển vẫn chủ yếu phụ thuộc vào các tỉnh đồng bằng, đóng góp của các tỉnh miền núi như Lạng Sơn chưa nhiều. Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá cao tiềm năng phát triển kinh tế của Lạng Sơn. “Ngoài đường sắt, hai cửa khẩu quốc tế và 9 cửa khẩu phụ, Lạng Sơn vừa có đường cao tốc Bắc Giang – Chi Lăng. Giao thông phát triển sẽ hút các nhà đầu tư”, Thủ tướng nhận định và cho rằng, mỗi năm xuất nhập khẩu Lạng Sơn đạt 5 tỷ USD, dòng chảy này đọng lại một phần nhỏ thì tỉnh sẽ còn phát triển nhiều.
|
Thủ tướng và lãnh đạo Lạng Sơn tham quan gian hàng trước Hội nghị |
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng Lạng Sơn có tiềm năng lớn về du lịch, thương mại, đặc biệt là thương mại vùng biên. Thủ tướng đánh giá không phải tỉnh nào cũng có vị trí địa lí tốt như Lạng Sơn để phát triển kinh tế. Theo Thủ tướng, Lạng Sơn là cửa ngõ biên giới, nằm trong tuyến hành lang kinh tế xuyên Á. “Trung Quốc muốn kết nối với Đông Nam Á thì phải qua Lạng Sơn. Đây là cơ hội tốt để Lạng Sơn phát triển để trở thành vùng trung tâm kinh tế phía Bắc”, Thủ tướng nói. Người đúng đầu Chính phủ cho rằng nhà đầu tư nên tận dụng địa kinh tế của Lạng Sơn khi tỉnh này chỉ cách Quảng Tây (Trung Quốc) không xa, với dân số 50 triệu; cách Thủ đô Hà Nội chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ di chuyển. “Các nhà đầu tư cần nắm bắt điều này để đầu tư”, lời Thủ tướng.
|
Thủ tướng và các đại biểu tham dự Hội nghị |
Nói về Lạng Sơn, Thủ tướng cho rằng trong những năm qua đã có sự tăng trưởng vượt bậc, thu ngân sách tăng, hạ tầng phát triển, tư duy người dân cũng ngày càng đổi mới. Có được những thành tựu này, theo Thủ tướng là do các cấp lãnh đạo tỉnh này đã rất nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành. “Tôi biểu dương sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Lạng Sơn. Việc hoàn thành sớm cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp trách nhiệm với nhà đầu tư của lãnh đạo Lạng Sơn là rất đáng ghi nhận. Đây là kinh nghiệm cho các địa phương khác khi có các dự án lớn”, Thủ tướng nói.
105.000 tỷ đồng sẽ được đầu tư vào Lạng Sơn
Đứng trước hơn 500 khách mời và nhà đầu tư, ông Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cam kết sẽ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp với mong muốn đưa Lạng Sơn trở thành mảnh đất đáng sống đúng như câu ca dao xưa: “Ai lên xứ Lạng cùng anh/ Bõ công bác mẹ sinh thành nên anh”.
Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn cho rằng những năm qua kinh tế tỉnh này phát triển bền vững, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn năm 2011 - 2018 đạt 8%- 9%. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn thừa nhận nhiều lợi thế, tiềm năng của tỉnh chưa được phát huy tối đa, còn nhiều dư địa phát triển. “Do đó, nay tỉnh Lạng Sơn kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào làm ăn ở Lạng Sơn”, ông Thưởng nói và cho biết, đã có 105.000 tỷ đồng được nhà đầu tư đăng ký sẽ đầu tư vào Lạng sơn. “Để các dự án sớm được triển khai, tỉnh và nhà đầu tư cần tiếp tục hành động, sâu sát”, lãnh đạo tỉnh nói.
|
Chủ tịch Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng trao quyết định đầu tư cho Tập đoàn APEC và các doanh nghiệp |
Lãnh đạo APEC cũng cho rằng tỉnh nên quan tâm đầu tư vấn đề nhân lực vì khi tỉnh phát triển, không thể kéo nhân lực từ Hà Nội lên hết được mà cần có những con người bản địa giỏi. “Chúng tôi muốn đồng hành cùng Lạng Sơn để đào tạo nguồn nhân lực này”, ông Huy nói và cho biết, doanh nghiệp của ông đã đầu tư khoảng 1.000 tỷ vào Lạng Sơn với các dự án bất động sản, đồng thời mong muốn tiếp tục được đồng hành, làm ăn tại đây.
Cấp chủ trương đầu tư cho 25 doanh nghiệp
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn hôm qua, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lạng Sơn đã trao chủ trương đầu tư cho 25 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp lớn như Sun Group, FLC, APEC, Tập đoàn TMS, Intracom… Khoảng 105.000 tỷ đồng được các doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào Lạng Sơn.