Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn trước ngày thông xe: Tập đoàn Đèo Cả trần tình những khó khăn từng gặp

(PLVN) - Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn sẽ được thông xe vào ngày 29/9 tới đây. Đây là cao tốc được đánh giá đẹp, hai bên đường cảnh sắc non nước hữu tình. Ít ai biết rằng, để hình thành con đường đẹp như hôm nay, hơn hai năm qua, chủ đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả đã vượt qua rất nhiều thách thức.
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn xuyên qua rừng núi và cánh đồng, tạo cảnh sắc đẹp hai bên đường
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn xuyên qua rừng núi và cánh đồng, tạo cảnh sắc đẹp hai bên đường

Thông tin mới nhất từ Tập đoàn Đèo Cả cho biết,  ngày 29/9/2019, UBND tỉnh Lạng Sơn và Nhà đầu tư Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Đèo Cả sẽ tổ chức lễ “Thông xe cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn (đoạn tuyến Bắc Giang – Chi Lăng) tổng chiều dài gần 64km, rộng 25m, bao gồm 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp với vận tốc thiết kế 100 km/giờ.

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 2167/TTg-KTN ngày 30/10/2014 và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt đầu tư tại Quyết định 1249/QĐ-BGTVT ngày 09/04/2015 do Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thực hiện, bao gồm 02 hợp phần: Hợp phần QL1 (tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500) với tổng chiều dài khoảng 110km; Hợp phần cao tốc (tuyến cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500). Tổng mức đầu tư toàn Dự án 12.189 tỷ đồng.

Dự án được khởi công từ năm 2015, tuy nhiên do các nhà đầu tư của giai đoạn đó yếu kém về nguồn lực và năng lực quản trị nên đã bị chậm tiến độ gần 2 năm (đến tháng 6/2017 thì hợp phần QL1 mới chỉ đạt 13% sản lượng và không triển khai được hợp phần đường cao tốc).

Người đứng đầu Nhà đầu tư lúc đó là ông Nguyễn Văn Dương (thuộc Công ty UDIC) đã bị khởi tố hình sự trong vụ án đánh bạc bằng công nghệ cao. Dự án rơi vào đình trệ hoàn toàn, nhiều nhà thầu đứng bên bờ vực vỡ nợ vì họ đã ứng hàng trăm tỷ đồng để thực hiện Dự án. Số nợ ngày càng lớn vượt qua sự kiểm soát, đã có nhà thầu nghĩ đến việc tìm đến cái chết vì “không nhìn thấy lối thoát”.

Cao tốc có "số phận hẩm hiu" nhưng cái kết đẹp
Cao tốc có "số phận hẩm hiu" nhưng cái kết đẹp

Tháng 6/2017, trên cơ sở báo cáo Bộ GTVT, Nhà đầu tư mới thuộc Tập đoàn Đèo Cả được mời tham gia đề xuất giải pháp thực hiện, tháo gỡ các vướng mắc Dự án: Chỉnh tuyến, bố trí các tuyến công vụ, xử lý tài chính tín dụng, loại bỏ các nhà thầu yếu kém năng lực, giải ngân cho một loạt nhà thầu khiến họ như “chết đi sống lại”.

Khi tham gia Dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã gặp nhiều rắc rối, hệ lụy từ nhà đầu tư cũ. Trong đó có sự việc Hội đồng xét xử Toà án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội kiến nghị: “Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục điều tra làm rõ giai đoạn 2 của vụ án đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả; Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Khu Đông; Công ty TNHH Sàn Giao dịch Bất động sản Sài Gòn Anpha có liên quan đến hành vi rửa tiền của Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty UDIC), nếu có hành vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật”.

Kiến nghị trên đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và hoạt động Dự án, khi các phương tiện truyền thông đưa tin đã gây hoang mang trong dư luận xã hội, các đối tác chiến lược, nhà thầu, nhà đầu tư, các cổ đông lo lắng, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, thương hiệu của nhà đầu tư mới.

Đồng thời, những thông tin nêu trên đã gây ra rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư trong việc tiếp xúc, thực hiện các cam kết với Chính phủ, Bộ GTVT, các địa phương có liên quan… trong vấn đề Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn sẽ được đẩy nhanh, đảm bảo “về đích” đúng tiến độ hoàn thành trong năm 2019.

Tổng mức đầu tư dự án hơn 12.000 tỷ đồng
Tổng mức đầu tư dự án hơn 12.000 tỷ đồng

Ngày 14/3/2019, tại văn bản số 41/CAT-ANĐT, Cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh Phú Thọ và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tiến hành xác minh đã xác định: “Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả không liên quan đến hành vi rửa tiền của Nguyễn Văn Dương” qua đó đã kịp thời ngăn chặn các thông tin sai lệch như đã đề cập trên.

Dự án được Kiểm toán Nhà nước thực hiện đã có kết luận tại thông báo số 420/KTNN-TH ngày 30/8/2017: "Trình tự, thủ tục lựa chọn Nhà đầu tư, năng lực nhà đầu tư và đàm phán hợp đồng dự án được thực hiện cơ bản đảm bảo theo quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo đối tác công tư".

Sau hơn 2 năm đối mặt với nhiều khó khăn bủa vây với mục tiêu bị kiểm soát Tổng vốn đầu tư của Dự án để tiết giảm sát với thực tế dẫn đến vào thời điểm nước rút, các Nhà thầu có năng lực hạn chế đã bộc lộ khả năng, bỏ dở không kết thúc được phần việc đã ký hợp đồng nhưng với kinh nghiệm xử lý các vướng mắc thường gặp ở các Dự án trước đây, nhà đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu mạnh tiếp cứu đến nay Dự án đã hoàn thành tạo niềm tin cho người dân.

Trước đây hơn 1 năm, từ tháng 03/2018, hợp phần Quốc lộ 1 đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng giúp nâng cao năng lực vận tải, giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến QL1 đoạn qua địa bàn hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn. Đến nay, hợp phần cao tốc đã hoàn thành, không chỉ bù đắp lại tiến độ bị chậm hơn 2 năm trước đây mà còn về đích sớm hơn so với kế hoạch được Bộ GTVT phê duyệt, phá bỏ được việc trì trệ của các Dự án cao tốc tại Việt Nam trước đây khi không có Dự án nào có thể hoàn thành trước 5 năm, so với Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã hoàn thành chỉ trong vòng hơn 2 năm là một kỳ tích!

Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, dự án đã “cán đích” nhờ được sự quan tâm, hỗ trợ chính quyền các địa phương, sự ủng hộ của nhân dân hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn khi thực hiện giải phóng mặt bằng, mở ra kỳ vọng mới về một cung đường hiện đại phục vụ dân sinh và đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển Kinh tế - Xã hội không chỉ riêng đối với Lạng Sơn, Bắc Giang.

Theo tìm hiểu của PLVN, Ngân hàng BIDV đang nghiên cứu việc cấp vốn cho thành phần 2 của dự án, đoạn Chi Lăng- Hữu Nghị dài 43km
Theo tìm hiểu của PLVN, Ngân hàng BIDV đang nghiên cứu việc cấp vốn cho thành phần 2 của dự án, đoạn Chi Lăng- Hữu Nghị dài 43km

Tuy nhiên, việc còn cách 30km mới đến TP Lạng Sơn sẽ là nút thắt giao thông trong thời gian tới và cần sớm được khắc phục để mở cánh cửa cung đường tương lai vùng Đông Bắc của tổ quốc, mở ra cơ hội đầu tư tiếp nối con đường Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn.

Hiện nay, đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đã đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý và tăng tính hiệu quả đầu tư do được tối ưu hóa đầu tư để tiết giảm tổng mức đầu tư bằng giải pháp phân kỳ đầu tư. Song đến nay, dự án này vẫn chưa thể triển khai tiếp do chưa xác định được nguồn vốn tham gia từ các bên liên quan sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến cơ sở để triển khai cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh kết nối tỉnh Lạng Sơn với tỉnh Cao Bằng.

Cung đường cao tốc từ thủ đô Hà Nội đi Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng là tiền đề mở rộng cánh cửa giao thương giữa Việt Nam – các nước ASEAN, tạo nên sự đột phá trong phát triển Kinh tế - Xã hội, hợp tác an ninh, quốc phòng, khẳng định chủ quyền lãnh thổ và chứng minh năng lực hội nhập đóng góp phát triển kinh tế cho cộng đồng các quốc gia trong khu vực của Việt Nam cần được các bên quan tâm để sớm hoàn thành.

Đọc thêm