Sáng 25/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Trung ương đã chủ trì Phiên họp lần thứ 7, nhiệm kỳ 2021 - 2026 của Hội đồng.
Thi đua thiết thực, hiệu quả, tránh “bệnh hình thức”
Đánh giá về kết quả công tác TĐKT đã đạt được năm 2023, các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, Hội đồng, Thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương đã phát huy vai trò, triển khai tích cực, hiệu quả các hoạt động và hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ đã đề ra; đôn đốc các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương phát động, tổ chức triển khai các phong trào thi đua để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị ngay từ đầu năm; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” được hưởng ứng, triển khai đồng bộ, hiệu quả (100% Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch, tổ chức triển khai). Đây là một điểm sáng trong triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng chiến lược. Cả nước đã khởi công, khánh thành nhiều dự án hạ tầng quan trọng; năm 2023 đưa vào sử dụng 475km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc đến nay lên khoảng 1.900km, là tiền đề để thực hiện thành công mục tiêu 3.000km cao tốc vào năm 2025… Nhiều phong trào thi đua được phát động, triển khai có hiệu quả, có tính lan tỏa cao, như: phong trào “Kỷ cương, trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao” của Bộ Tư pháp; “Đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả” của Bộ Nội vụ; thi đua “Sáng kiến, sáng tạo”, “Người tốt, việc tốt”, “Cải cách hành chính” của Thủ đô Hà Nội…
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả mà phong trào thi đua yêu nước và công tác TĐKT đã đạt được thời gian qua, đóng góp quan trọng vào triển khai thành công các nhiệm vụ chính trị của đất nước trong năm 2023. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác TĐKT vẫn còn một số hạn chế, như việc chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ của một số cụm thi đua, khối thi đua còn chậm, chưa bảo đảm thời gian quy định; các phong trào thi đua, đề xuất khen thưởng ở một số nơi chưa được chú trọng; công tác phát hiện, khen thưởng, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa đồng bộ.
Khen thưởng phải đúng, trúng, kịp thời
Để góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024 cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có phát huy vai trò cực kỳ quan trọng của công tác TĐKT. Trước hết, Thủ tướng yêu cầu bám sát chủ đề điều hành “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” của Chính phủ, các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả các nhiệm vụ TĐKT gắn với nhiệm vụ chính trị của từng Bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể; khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Thứ hai, tiếp tục phát động, triển khai tích cực các phong trào thi đua; làm mới, làm sống động các phong trào thi đua đã có và phát động các phong trào thi đua mới. Trong đó, phát động phong trào thi đua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, thống nhất chủ trương bổ sung phong trào xóa nhà tạm, nhà dột, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chuẩn bị kỹ và dự kiến phát động phong trào này vào đầu năm mới Giáp Thìn với cách làm mới, cách tiếp cận toàn dân, toàn diện… Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền chuyển số kinh phí còn lại của Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 để thực hiện phong trào này.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Cần quan tâm khen thưởng các đối tượng ưu tiên, có tính lan tỏa cao, như người lao động, nhà khoa học, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đội ngũ giáo viên, y, bác sĩ; tập thể và cá nhân ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng phụ nữ tiêu biểu, người yếu thế có ý chí tự lực, tự cường vươn lên; các doanh nghiệp, doanh nhân sản xuất, kinh doanh giỏi, làm tốt công tác giải quyết công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người lao động, người dân, tham gia tích cực vào hoạt động từ thiện…
Thứ tư, tổng kết, nghiên cứu đề xuất hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về TĐKT; triển khai tích cực, hiệu quả Luật TĐKT và các quy định liên quan. Thứ năm, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng TĐKT các cấp, các ngành; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng trong tham mưu và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về TĐKT…
Chủ tịch Hội đồng TĐKT Trung ương cũng lưu ý, mọi phong trào thi đua phải vì Nhân dân, xuất phát từ Nhân dân, hướng tới người dân, gắn với lợi ích của Nhân dân; với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng thì phong trào mới sống động, thiết thực và Nhân dân mới hưởng ứng tích cực, từ đó huy động được sức mạnh từ Nhân dân, huy động mọi nguồn lực xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức… Ngoài ra, các phong trào phải mang tính toàn dân, toàn diện phải gắn với nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm người đứng đầu.
Đồng thời, khen thưởng phải đúng, trúng, kịp thời, hướng tới cơ sở. Khen thưởng gắn với lợi ích chung, nhưng phải hài hòa với lợi ích riêng để tạo sức sống, nuôi dưỡng các phong trào thi đua. Quan tâm công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá; đôn đốc thực hiện các phong trào thi đua, kịp thời khen thưởng, tránh việc phát động phong trào hình thức, để xảy ra sai sót.