Đề án được xác định là một trong những “cú hích” quan trọng để hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội được thực hiện từ sớm, từ xa, ngay từ khi lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), bảo đảm đồng bộ, bài bản, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tạo đồng thuận xã hội cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội cần được truyền thông
Theo Đề án, truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL (dự thảo chính sách) là hoạt động do các cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện. Đề án được triển khai thực hiện trong phạm vi cả nước, áp dụng đối với các dự thảo chính sách đáp ứng 4 tiêu chí: (i) Là các chính sách được ban hành trong các VBQPPL mà Luật Ban hành VBQPPL quy định phải lập đề nghị xây dựng VBQPPL trước khi tiến hành soạn thảo, trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; (ii) Tác động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; (iii) Được xác định là những vấn đề khó, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo chính sách; (iv) Chính sách có tác động trên phạm vi cả nước hoặc trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thời điểm truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện ngay từ khi cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng VBQPPL theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL.
Phát huy vai trò chủ động của cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo VBQPPL trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách
Đề án quy định rõ trách nhiệm chủ động của các cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo VBQPPL trong tổ chức thực hiện truyền thông dự thảo chính sách. Theo đó, trên cơ sở quy định của Quyết định này và chương trình/kế hoạch xây dựng dự án, dự thảo VBQPPL của Quốc hội, Chính phủ, địa phương, cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL căn cứ nội dung, tính chất dự thảo chính sách và yêu cầu thực tiễn chủ động, kịp thời xây dựng Kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách hàng năm; phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo đảm các biện pháp an ninh, an toàn thông tin trong quá trình thực hiện truyền thông dự thảo chính sách; tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, phản hồi, phản biện xã hội để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo VBQPPL.
Đối với dự thảo chính sách do đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng và soạn thảo theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL, đề nghị đại biểu Quốc hội chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí, cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện truyền thông phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tiễn.
Tăng cường công tác chỉ đạo, theo dõi của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương, cấp tỉnh trong truyền thông dự thảo chính sách
Theo Đề án, ở trung ương, hàng năm, căn cứ chương trình xây dựng VBQPPL của Quốc hội, Chính phủ và yêu cầu thực tiễn, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trung ương chỉ đạo, theo dõi việc thực hiện truyền thông về dự thảo chính sách thuộc phạm vi Đề án. Ở địa phương, hàng năm, căn cứ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương; chương trình/kế hoạch xây dựng VBQPPL của địa phương và yêu cầu thực tiễn, Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh chỉ đạo, theo dõi việc thực hiện truyền thông về dự thảo chính sách thuộc phạm vi Đề án tại địa phương mình.
Nội dung truyền thông dự thảo chính sách ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động
Để hoạt động truyền thông dự thảo chính sách đạt hiệu quả, cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL xây dựng tài liệu, nội dung truyền thông dự thảo chính sách bảo đảm đầy đủ, ngắn gọn, dễ hiểu, hình thức phong phú, sinh động. Nội dung truyền thông dự thảo chính sách gồm các vấn đề chủ yếu là: Sự cần thiết ban hành chính sách; mục đích, quan điểm xây dựng chính sách; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của chính sách; nội dung cơ bản của chính sách; nội dung mới hoặc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ so với quy định hiện hành về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, chú trọng các vấn đề khó, có nhiều ý kiến khác nhau; các nội dung khác cần thông tin rộng rãi đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội (nếu có).
Đa dạng các hình thức truyền thông dự thảo chính sách
Đề án xác định các nhóm hình thức truyền thông dự thảo chính sách như: Xây dựng các chuyên mục, chiến dịch truyền thông, đưa tin vào khung giờ thu hút khán, thính giả để truyền thông về dự thảo chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng, đăng tải tài liệu truyền thông phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; tổ chức các hội nghị, tọa đàm, diễn đàn, phỏng vấn, đối thoại trực tiếp, trực tuyến, họp báo; thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, niêm yết tại bảng tin, màn hình tại khu dân cư, lồng ghép trong các loại hình văn hóa cơ sở; thực hiện việc tích hợp, chia sẻ để đăng tải thông tin nội dung dự thảo chính sách, Kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách hàng năm trên Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia, các ứng dụng phần mềm về PBGDPL, bảo đảm thống nhất, liên thông, cập nhật, tăng cường tương tác với người dân, tổ chức, doanh nghiệp; tổ chức truyền thông thông qua các ứng dụng mạng xã hội và hình thức truyền thông phù hợp khác.
Ngoài ra, Đề án cũng xác định một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu khác như: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác truyền thông dự thảo chính sách; hoàn thiện chính sách, thể chế về công tác truyền thông dự thảo chính sách; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện truyền thông dự thảo chính sách; huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác truyền thông dự thảo chính sách.
Bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL, Đề án cũng quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, cơ quan, tổ chức liên quan như: Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án./.