Phát biểu tại lễ khởi công và phát lệnh khởi công dự án Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong việc chủ động, sáng tạo huy động các nguồn lực tại địa phương để xây dựng đường cao tốc, công tác giải phóng mặt bằng của các ngành chức năng tỉnh Quảng Ninh. Đây là tiền đề để triển khai dự án đúng tiến độ. Đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng hoàn thành góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội khu vực Đông Bắc Bộ và cả nước.
Các đại biểu tham dự lễ khởi công dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng
Cũng tại lễ phát động này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đánh giá cao việc chủ động, mạnh dạn đầu tư đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng. Đường cao tốc khi hoàn thành không chỉ rút ngắn thời gian, mà còn giúp cho Quảng Ninh “xích” lại gần hơn với Hải Phòng và Hà Nội. Bộ trưởng GTVT đã gửi lời cảm ơn đến UBND tỉnh Quảng Ninh, và khẳng định địa phương đã có đóng góp trong việc phát triển cơ sở hạ tầng chung của ngành giao thông trên cả nước.
Đại diện cho chủ đầu tư công trình, Ông Nguyễn Văn Đọc - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu báo cáo các đại biểu tham dự lễ khởi công:
Ông Nguyễn Văn Đọc - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh |
Ông Đọc nhấn mạnh: Tuyến đường cao tốc Hạ Long – Quảng Ninh có vai trò chiến lược để phát triển tam giác kinh tế phía Bắc gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội; tuyến đường sẽ giảm khoảng cách từ Hạ Long đi Hải Phòng từ 75 km xuống còn 25km, rút ngắn thời gian di chuyển khoảng 50 phút.
Theo thiết kế, tuyến cao tốc có tổng chiều dài hơn 25km, gồm 4 làn xe, vận tốc thiết kế là 100 - 110km. Trong đó phần đường cao tốc dài 19,5km và còn lại là phần cầu Bạch Đằng dài 5,45km.
Dự án đường nối TP.Hạ Long với cầu Bạch Đằng do Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, nguồn vốn sử dụng ngân sách của tỉnh Quảng Ninh và các nguồn vốn huy động khác với tổng số tiền là 6.400 tỷ đồng. Phần đường cao tốc có bề rộng nền đường là 25,5m, bề rộng cầu 25m, kết cấu áo mềm, mặt đường cấp cao A1. Trên tuyến xây mới 8 cầu với tải trọng HL93, không kể cầu Bạch Đằng.
Dự kiến, đoạn TP.Hạ Long - cầu Bạch Đằng sẽ hoàn thành vào năm 2016.
Phần còn lại là cầu Bạch Đằng có chiều dài 5,45km, với tổng số tiền phê duyệt dự án là 7.200 tỷ sẽ do Tập đoàn SE của Nhật Bản thi công theo hình thức BOT. Dự án gồm cầu chính - cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao thông cuối và cầu vượt sông Bạch Đằng.