Vượt “cơn gió ngược…”
Chiều 03/01/2024, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 ngành NN&PTNT.
Năm 2023, ngành NN&PTNT thực hiện Kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản. Tuy nhiên, ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện; thể hiện nổi bật ở nhiều mặt và lĩnh vực.
Tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp đạt 3,83%, là mức cao nhất trong nhiều năm gần đây[ Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì ở mức cao trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay khi đạt 12,07 tỷ USD. Trong đó một số mặt hàng tăng cao kỷ lục như: Rau quả 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; Gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%; Gạo ST 25 lần thứ hai đạt quán quân ngon nhất thế giới…
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao những kết quả mà ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2023.
”Chúng ta đã đi hết năm 2023 với nhiều cảm xúc, tâm tư lo lắng nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định, cùng với nền kinh tế, ngành nông nghiệp đã vượt khó, lội ngược dòng, vượt “cơn gió ngược” để thu được những kết quả đáng trân trọng, đóng góp quan trọng vào kết quả chung khá toàn diện của cả nước trong năm 2023…”- Thủ tướng biểu dương.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh thành tích xuất siêu hơn 12 tỷ USD của ngành nông nghiệp trong tổng số xuất siêu 28 tỷ USD của cả nền kinh tế, trong đó lưu ý yếu tố chủ động sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, giảm nhập khẩu…
"Ngành Nông nghiệp đã xoay chuyển tình thế từ chỗ lúng túng, bị động, bất ngờ sang chủ động, tự tin, kịp thời, sáng tạo để tháo gỡ vướng mắc, vượt qua khó khăn, thách thức. Ngành đã chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang tấn công, đột phá trong một số ngành, như gạo, rau củ quả, lập kỷ lục mới"- Thủ tướng nhấn mạnh.
|
Thủ tướng biểu dương ngành Nông nghiệp đã vượt “cơn gió ngược…” (ảnh:nongnghiep.vn) |
Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận đóng góp của ngành nông nghiệp đối với kinh tế Việt Nam cũng như góp phần quan trọng đưa Việt Nam dần trở thành đất nước có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo an ninh lương thực.
Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một quốc gia phải nhập khẩu lương thực đã trở thành nhà xuất khẩu gạo nằm trong tốp 3 thế giới. Nhờ các giống mới, chất lượng, các tiến bộ kỹ thuật, sản lượng lúa năm qua đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022 dù diện tích giảm khoảng 9.000ha.
Năm 2023, quy mô kinh tế nước ta đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, thu nhập GDP khoảng 4.300 USD/người. “Trong thành tích chung của cả nước, nông nghiệp được mùa, được giá. Tôi ghi nhận, đánh giá cao đóng góp của toàn ngành; đời sống bà con được nâng lên rõ rệt, đồng bào càng thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng khẳng định, sản xuất lương thực thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát lạm phát bởi dịch vụ ăn uống chiếm 33,56% trong “rổ” hàng hóa dịch vụ tính CPI. Các kết quả góp phần khắc phục giải quyết, đạt mục tiêu, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, trách nhiệm, nông dân thực sự là chủ thể, trung tâm của xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững…
Phương châm 16 chữ...
Nhận định năm 2024 tiếp tục là năm khó khăn, thách thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ NN&PTNT không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, không chủ quan, lơ là, cũng không cũng không bi quan, lo sợ trước những diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức.
Thủ tướng cho rằng, dù còn nhiều khó khăn trước mắt, gồm cả những khó khăn không dự đoán được, ngành nông nghiệp cũng cần luôn chủ động, ứng phó những tình huống không thể báo trước.
|
Xuất khẩu gạo là điểm sáng của ngành Nông nghiệp trong năm 2023 (ảnh: Thanh Tiến) |
“Nền kinh tế của chúng ta còn khiêm tốn, đất nước đang phát triển, sức chống chịu có hạn, tất cả những yếu tố này đều tác động đến ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn tin tưởng ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục gặt hái thành công với tinh thần ‘vượt cơn gió ngược’, như trong năm 2023”- Thủ tướng bày tỏ.
Trên cơ sở những thành công của năm 2023, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp phải có tư duy luôn đổi mới,có tầm nhìn chiến lược, chủ động chuyển hướng thị trường, chủ động sản xuất cái gì người ta cần chứ không phải cái gì mình có, phối hợp các bộ ngành để tìm hiểu thị trường. “Tinh thần là chủ động phối hợp chặt chẽ hiệu quả. Phải có sự kết nối, chung tay giữa các bộ ngành, trung ương và địa phương, người dân và doanh nghiệp, giữa nhà khoa học”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Để có sự ủng hộ của nông dân, sự đồng hành của doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng cần phải có chủ trương “đúng và trúng”. Sự phát triển của nông nghiệp là góp phần vào ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
“Tôi rất mừng khi thấy chúng ta không có ai thiếu ăn. Dự trữ gạo hiện là 200.000 tấn. Giáp Tết rồi mà chưa thấy địa phương nào đề xuất cứu trợ. Đây là điều đáng mừng…”- Ông bảy tỏ.
Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp cùng các địa phương chú trọng, chủ động phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực cho cấp dưới, tăng cường giám sát kiểm tra.
“Chủ động phát huy tối đa, đi lên từ chân trời, cửa biển, mảnh đất của mình. Tôi đề nghị các tỉnh phát huy tối đa điểm này, không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể…"- Thủ tướng lưu ý.
Về chỉ tiêu năm 2024, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp cần “thừa thắng xông lên”, đặt mục tiêu tăng trưởng từ 3,5 - 4%, vì năm nay đã 3,8%. Thủ tướng bày tỏ rằng ông có niềm tin ngành nông nghiệp hoàn toàn có thể đạt được con số 55 tỷ USD xuất khẩu, bởi đã có thành công năm nay với con số 53 tỷ USD.
Thủ tướng cho biết ông đã đề cập với Bộ NN&PNTT về phương châm lãnh đạo 16 chữ: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững".
|
Thủ tướng thăm gian trưng bày sản phẩm vùng miền tại Hội nghị (ảnh:VGP) |
Về phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng cơ bản nhất trí với những đề xuất của Bộ NN-PTNT, cũng như ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương tham gia tại Hội nghị tổng kết. Với phương châm 16 chữ, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung mà ngành Nông nghiệp cần lưu ý trong năm 2024.
Trong đó lưu ý: Công tác cán bộ, tinh gọn bộ máy; Tập trung nguồn lực cho đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; Hoàn thiện thể chế (trong đó có 3 quy hoạch ngành là lâm nghiệp, bảo tồn quy hoạch nguồn lợi thủy sản và cảng cá); Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các đề án, dự án theo 3 trục sản phẩm, cơ cấu lại sản xuất theo vùng, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP);
Tổ chức lại sản xuất, hiệu quả gắn với chuyển đổi số, phát triển hệ thống HTX, gắn với tái cơ cấu về nông nghiệp; Đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa, chú trọng vào khâu giống, phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, xây dựng chuỗi ngành hàng bền vững; Làm tốt dự báo cung cầu, thông tin và tình hình trường;
Đặc biệt, phát triển kinh tế biển, tăng cường nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, giảm cường lực khai thác, tập trung giải quyết dứt điểm khuyến nghị của EC, gỡ thẻ vàng IUU trong năm 2024;
Tăng cường quản lý bảo vệ, phát triển rừng; Xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025: Bảo vệ quyền, lợi ích quốc gia, cũng như quyền hợp pháp của người dân và doanh nghiệp trên trường quốc tế…
“Với khí thế mới, động lực mới, toàn ngành nông nghiệp sẽ kiến tạo thành công mới, hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, góp phần vì mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc.” - Thủ tướng tin tưởng.