Chuyến thăm chính thức Vương quốc Na Uy của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lần này nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Na Uy và mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Đón Thủ tướng, Phu nhân và đoàn tại sân bay có Thứ trưởng Ngoại giao Na Uy Marianne Hagen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen, đại diện Bộ Ngoại giao Na Uy và về phía Việt Nam, có Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Nguyễn Hồng Cường, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Na Uy.
Theo chương trình làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Na Uy, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Na Uy, dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Na Uy, tiếp các tập đoàn lớn và thăm một số cơ sở sản xuất của Na Uy, quốc gia có nhiều kinh nghiệm về làm kinh tế biển, nằm trong tốp 10 quốc gia sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới. Hiện cộng đồng người Việt tại Na Uy có khoảng hơn 20.000 người (đông nhất tại Bắc Âu).
Đại diện Chính phủ Na Uy đón Thủ tướng và Phu nhân tại sân bay. |
Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Na Uy sắp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021). 48 năm trước, Na Uy là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Na Uy đón Thủ tướng và Phu nhân. |
Na Uy hiện là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam trong Chương trình Liên Hợp Quốc về giảm phát thải khí nhà kính, thông qua việc hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (UN-REDD).
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam tới Na Uy kể từ năm 1999. Sự kiện này góp phần khẳng định lại mối quan hệ mạnh mẽ giữa hai nước, làm sâu sắc thêm tình hữu nghị truyền thống và tăng cường quan hệ hợp tác Na Uy - Việt Nam theo hướng thực chất hơn và hiệu quả hơn.
Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Na Uy sắp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021). 48 năm trước, Na Uy là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Kể từ khi Việt Nam và Na Uy thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 11/1971, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố, phát triển.
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Na Uy năm 2018 đạt 363 triệu USD so với mức 354 triệu USD năm 2017.
Hiện, Na Uy có 41 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 166 triệu USD, xếp thứ 41/130 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Khoảng 40 doanh nghiệp Na Uy đang hoạt động tại Việt Nam, tập trung chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hà Nội, Khánh Hòa, Bình Dương, Hải Phòng.
Quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam-Na Uy được nối lại kể từ khi hai bên ký Hiệp định khung về hợp tác phát triển vào tháng 10/1996. Na Uy hiện là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam trong Chương trình Liên Hợp Quốc về giảm phát thải khí nhà kính, thông qua việc hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (UN-REDD).
Tổng viện trợ của Na Uy dành cho Việt Nam đạt hơn 320 triệu USD. Năm 2014, ngoài khoản cam kết cho dự án Chương trình Liên Hợp Quốc về giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, Na Uy viện trợ khoảng 10 triệu USD cho Việt Nam.
Hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Na Uy ngày càng được tăng cường. Từ 2007, Na Uy bắt đầu viện trợ cho lĩnh vực văn hóa tại Việt Nam thông qua Dự án Transposition kết nối 12 tổ chức nghệ thuật (nhà hát, nhạc viện…), tổ chức các chương trình hòa nhạc chung, các lớp tập huấn, các chuyến tu nghiệp ngắn ngày cho học sinh, sinh viên và các nghệ sỹ, hỗ trợ công tác giảng dạy âm nhạc, giúp phát triển thư viện và lưu trữ tư liệu, cũng như hỗ trợ bảo dưỡng nhạc cụ.
Na Uy cũng tích cực hỗ trợ Việt Nam xây trường nội trú cho trẻ em thiểu số ở Điện Biên, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam; đồng tài trợ dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em khó khăn; giúp soạn Từ điển dân tộc học; giúp Bảo tàng dân tộc học di chuyển một ngôi nhà Chăm truyền thống từ Ninh Thuận và dựng lại khuôn viên Bảo tàng dân tộc.
Những năm qua, các hiệp định đã ký giữa hai nước gồm: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và trốn lậu thuế, Hiệp định về các điều khoản và thủ tục chung cho hợp tác phát triển, Hiệp định hợp tác kinh tế và thương mại, Hiệp định vận chuyển hàng không, Hiệp định về nhận trở lại công dân, Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác con nuôi…
Trả lời báo chí, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen cho rằng, chuyến thăm chính thức Na Uy lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ làm sâu sắc thêm tình hữu nghị truyền thống và tăng cường quan hệ hợp tác Na Uy - Việt Nam theo hướng thực chất hơn và hiệu quả hơn.
“Gần nửa thập kỷ quan hệ là nền tảng vững chắc để tình hữu nghị của chúng ta tiếp tục đơm hoa kết trái. Theo tôi, chúng ta có thể hợp tác tốt hơn và hiệu quả hơn trong những lĩnh vực: Kinh tế biển xanh và bền vững. Việt Nam và Na Uy đều là các quốc gia có đường bờ biển dài và đã phát triển nghề cá trong nhiều thế kỷ. Hiện, chúng ta đều nằm trong tốp 10 quốc gia thủy sản lớn nhất thế giới. Na Uy và Việt Nam luôn tự hào về 30 năm hợp tác trong lĩnh vực thủy sản, từ xây dựng chính sách tới hợp tác về giáo dục, đào tạo và kinh doanh”, Đại sứ Grete Lochen cho biết.
Theo Đại sứ, hiện có khoảng 40 công ty Na Uy đang hoạt động ở Việt Nam và con số này sẽ còn tăng. Kể từ khi nhận nhiệm kỳ ở Việt Nam tháng 9/2018, Đại sứ đã gặp hơn 20 doanh nghiệp Na Uy sang Việt Nam nghiên cứu và tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chế biến phụ phẩm thủy sản, năng lượng tái tạo và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Đây là những lĩnh vực thế mạnh của Na Uy với nhiều công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
“Cảm nhận được nhiệt huyết cũng như hy vọng của các doanh nghiệp Na Uy, tôi rất tin tưởng vào tương lai hợp tác to lớn giữa hai nước”, Đại sứ nhấn mạnh.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin