Thủ tướng đồng ý cho phép thí điểm GrabTaxi

(PLO) - GrabTaxi là doanh nghiệp đầu tiên được cho phép triển khai dịch vụ kết nối cho loại xe chở khách dưới 9 chỗ theo hình thức hợp đồng (“xe hợp đồng điện tử”) tại Việt Nam. 
Thủ tướng đồng ý cho phép thí điểm GrabTaxi
Thủ tướng Chính phủ ngày 19/10/2015 đã có công văn số 1850/TTg-KTN đồng ý cho phép Bộ Giao thông vận tải thực hiện Đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” ("GrabCar"). 
Trước đó, Bộ GTVT có văn bản số 11098 gửi Chính phủ xin thí điểm thực hiện Đề án nêu trên. Theo đó, công ty TNHH GrabTaxi là doanh nghiệp đầu tiên được phép triển khai dịch vụ kết nối cho loại xe chở khách dưới 9 chỗ theo hình thức hợp đồng (“xe hợp đồng điện tử”) tại Việt Nam.
Địa bàn thực hiện thí điểm là 5 tỉnh: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hoà và Quảng Ninh.
Công ty TNHH GrabTaxi là đơn vị chủ trì thực hiện đề án, có trách nhiệm hỗ trợ hỗ trợ lái xe của các đơn vị tham gia đề án, cài đặt ứng dụng kết nối vào điện thoại di động, thường xuyên báo cáo danh sách đơn vị và các xe sử dụng phần mềm kết nối, từ đó giúp các cơ quan chức năng giám sát nghĩa vụ thuế và trách nhiệm đối với hành khách. 
Theo giải thích của Bộ GTVT, Đề án này sẽ không tạo ra một hình thức kinh doanh vận tải mới mà thuần túy chỉ là giải pháp khai thác ứng dụng công nghệ trong việc quản lý, vận hành xe hợp đồng điện tử. 
Các xe hợp đồng điện tử được lắp thiết bị giám sát hành trình và có phù hiệu ‘xe hợp đồng’ theo đúng quy định của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Thông tư số 63/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Giá cước vận tải của xe hợp đồng điện tử cũng sẽ tương ứng với hiệu quả giảm chi phí quản lý truyền thống nhờ có việc ứng dụng công nghệ thông tin. 
Grab Taxi không tạo ra một hình thức kinh doanh vận tải mới mà thuần túy chỉ là giải pháp khai thác ứng dụng công nghệ.
Grab Taxi không tạo ra một hình thức kinh doanh vận tải mới mà thuần túy chỉ là giải pháp khai thác ứng dụng công nghệ.
Việc Chính phủ đồng ý cho phép triển khai thí điểm Đề án GrabCar được kỳ vọng góp phần tăng cường trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc nhờ việc kiềm chế phương tiện cá nhân lưu thông trên đường và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng xe, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải hành khách ở Việt Nam để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Đề án còn giúp đảm bảo quản lý thu thuế hiệu quả nhờ vào cơ chế thanh toán trực tiếp giữa hành khách và đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải trong nước;Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với ngành vận tải hành khách dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, đồng thời tạo tiền đề cho việc triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cho ngành vận tải trong tương lai.
Theo thống kê của Bộ GTVT, trong thời gian qua, nhờ vào sự xuất hiện của phần mềm GrabTaxi, các công ty vận tải trong nước cho ra đời hàng loạt các ứng dụng phần mềm của riêng mình, như LiveTaxi, TaxiNavi, Ahamove hay Vinasun app. 
Đề án thí điểm GrabCar được áp dụng trong thời gian 2 năm. Bộ Công an và UBND 5 tỉnh thuộc diện thí điểm theo đề án có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị triển khai dự án, đảm bảo quản lý chặt chẽ, đặc biệt là công tác quản lý thuế, tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, theo dõi, đánh giá kết quả và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ giao Bộ GTVT rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đọc thêm