Thủ tướng kỳ vọng đột phá của ngành Công thương

(PLVN) - Đánh giá ngành Công thương đã có một năm đạt kết quả cao với việc vượt nhiều chỉ tiêu, thành tích mà Chính phủ giao, tại Hội nghị Tổng kết công tác ngành Công thương năm 2018 diễn ra hôm qua (17/1), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt kỳ vọng vào ngành này khi khẳng định “Việt Nam có hóa hổ, thành rồng hay không phụ thuộc vào đột phá của ngành Công thương”.
Nhà máy Vinfast đi vào hoạt động là một tiền đề cho phát triển công nghiệp của Việt Nam
Nhà máy Vinfast đi vào hoạt động là một tiền đề cho phát triển công nghiệp của Việt Nam

Bứt phá từ đâu?

Thủ tướng khẳng định, Công thương là lĩnh vực đa lĩnh vực, có nhiều phức tạp trong điều hành quản lý. Năm 2018, ngành Công thương đã đạt được toàn diện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trong đó, ngành công nghiệp tăng gần 12,3%, cao nhất trong hơn 1 thập kỷ qua là động lực chính trong phát triển chung, tỷ lệ tồn kho ở mức thấp nhất trong 3 năm qua, tốc độ công nghiệp phụ trợ tăng trưởng tốt, tỷ lệ nội địa hóa tăng khá. 

Thủ tướng cũng đánh giá cao kim ngạch xuất khẩu (XK) trong năm 2018, nhiều mặt hàng trên 10 tỷ USD, nông sản lần đầu tiên đạt đến con số trên 40 tỷ USD. Thủ tướng nhấn mạnh “Điều quan trọng là Việt Nam đều xuất siêu ra các thị trường phát triển như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu. Điều này khẳng định chất lượng hàng hóa của Việt Nam đã có những bước tiến khá dài”. 

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra nhiều bất cập còn tồn tại trong ngành Công thương như chưa chủ động trong việc lập kế hoạch quy hoạch ngành, lĩnh vực, lúng túng trong việc lập quy hoạch năng lượng tái tạo, kế hoạch phát triển năng lực quốc gia; ngành Công nghiệp vẫn chưa phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nội lực yếu, chưa có ngành Công nghiệp mũi nhọn, mức độ công nghiệp hóa thấp và vẫn chưa tìm ra được ngành Công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, mức độ liên kết hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp (DN) trong cùng ngành và khác ngành còn hạn chế, giữa các DN trong nước với DN đầu tư nước ngoài (FDI) chưa có chiều sâu, nhất là ở khâu tiếp nhận công nghệ. Điều này sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các DN trong nước trong quá trình mở cửa, hội nhập. Theo Thủ tướng, có thể nhìn thấy ngay trước mắt, trong năm 2019, khâu dệt sẽ hoàn toàn khó khăn và không đạt được giá trị gì dù Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương đã chính thức có hiệu lực. 

 “Vậy bứt phá của ngành Công thương sẽ là ở đâu? Chúng ta không thể tự hào với con số thu nhập bình quân 2.500 USD, đứng ở nhóm cuối cùng của ASEAN. Chúng ta phải có khát vọng vươn lên, có khát vọng rồi sẽ tính toán giải pháp. Việt Nam có hóa hổ, thành rồng hay không phụ thuộc vào đột phá của ngành Công thương” - Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng. 

Nhiều dự án công nghiệp lớn đi vào hoạt động

Báo cáo năm 2018 của Bộ Công thương cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng cao và ổn định, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện tiếp tục có mức tăng trưởng tốt là những yếu tố tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng chung của toàn ngành Công nghiệp, cao hơn mục tiêu Chính phủ giao. 

Trong đó, cơ cấu nội bộ ngành Công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng của ngành Khai khoáng, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành. Đặc biệt, nhiều dự án lớn của ngành đi vào hoạt động và ra mắt sản phẩm đã có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng của toàn ngành.

Có thể kể đến các dự án như Formosa Hà Tĩnh tăng công suất sản xuất, giúp nâng tổng công suất của Fomosa lên 7-8 triệu tấn/năm; Tập đoàn Hòa Phát đưa vào hoạt động dự án thép cán; Tập đoàn Hoa Sen đưa thiết bị dây chuyền cán nguội, mạ kẽm/lạnh, mạ màu vào hoạt động; Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast (với tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng, công suất 500.000 xe/năm); Nhà máy sản xuất ô tô Thaco Mazda (tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, công suất 100.000 xe/năm); Nhà máy sản xuất ô tô Huyndai Thành Công (tổng vốn đầu tư 1.320 tỷ đồng, công suất 40.000 xe/năm)...

Đặc biệt, năm 2018 là năm tiền đề đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân trong nước có tiềm lực tốt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo như Tập đoàn VinGroup, Trường Hải, Thành Công trong lĩnh vực công nghiệp ô tô; trong lĩnh vực hóa chất là Công ty Cổ phần Hóa chất Công nghiệp Tân Long, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời… 

Ngoài ra, kim ngạch XNK cũng là một điểm sáng của ngành Công thương trong năm 2018. Quy mô XNK tăng trưởng ở mức cao, vượt mốc 480 tỷ USD. Năm 2018, tổng kim ngạch XNK hàng hóa của Việt Nam ước đạt 482,236 tỷ USD, tăng 12,64% so với năm 2017. 

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, những nỗ lực của 2 ngành Nông nghiệp và Công thương đã đưa đến một kết quả XK vượt kỳ vọng với kim ngạch đạt 245 tỷ USD, 30 mặt hàng trên 1 tỷ USD, xuất siêu 7,2 tỷ USD. Theo Bộ trưởng Cường, con số XK vượt mức như vậy là kết quả của tái cơ cấu, đặc biệt là công nghiệp chế biến thay đổi mạnh, nhiều nhà máy với công nghệ hiện đại thành lập, ngành hàng các tỉnh cũng thay đổi mạnh mẽ để bắt kịp nhu cầu XK. 

Đáng chú ý, XK của khối DN trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt. Số liệu cho thấy, những năm trước đây, XK của khối DN FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối DN trong nước, nhưng thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối trong nước đã cao hơn khối FDI. Năm 2018, khối DN trong nước XK khoảng 69,2 tỷ USD, tăng 15,9%, cao hơn mức tăng trưởng XK chung và cao hơn mức tăng trưởng của khối DN FDI (kể cả dầu thô). 

Đọc thêm